Các nghiệp đoàn nghề cá trong tỉnh hoạt động cầm chừng

Từ năm 2011 - 2014, lần lượt 5 Nghiệp đoàn Nghề cá (NĐNC) trong tỉnh được thành lập như tiếp thêm sức mạnh và là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân an tâm bám biển, vươn khơi. Tuy nhiên sau 10 năm thành lập, các NĐNC dường như 'đóng băng' và sinh hoạt cầm chừng do thiếu kinh phí và cơ chế hoạt động.

Không có kinh phí hoạt động

Từ tháng 11/2011, Bình Thuận là 1 trong 2 tỉnh của cả nước được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thí điểm thành lập NĐNC. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 NĐNC với 548 đoàn viên của 55 tàu đánh bắt xa bờ. NĐNC được thành lập đã góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ giữa người lao động và chủ thuyền. Đây là “điểm tựa” góp phần chăm lo đời sống và bảo vệ lợi ích chính đáng của ngư dân; tạo mối liên kết, hợp tác hỗ trợ nhau trong khai thác hải sản xa bờ, dài ngày...

NĐNC ra đời là “điểm tựa” góp phần chăm lo đời sống và bảo vệ lợi ích chính đáng của ngư dân.

NĐNC ra đời là “điểm tựa” góp phần chăm lo đời sống và bảo vệ lợi ích chính đáng của ngư dân.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, qua hơn 10 năm hoạt động, các NĐNC đã tổ chức đại hội 2 lần và bầu được Ban Chấp hành (BCH), Ủy ban Kiểm tra (UBKT). Trong hoạt động, BCH nghiệp đoàn nghề cá luôn đoàn kết, có trách nhiệm với công việc được giao, nhất là việc duy trì chế độ trao đổi, hội ý (hội họp) của BCH, tham gia một số hoạt động trên địa bàn, thực hiện chế độ thông tin báo cáo, chế độ hội họp. Tuy nhiên, do nguồn thu tài chính công đoàn hạn chế, chỉ dành cho công tác chăm lo đoàn viên nên cán bộ NĐNC không được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, hầu hết các NĐNC không có nguồn kinh phí nên ảnh hưởng đến việc thực hiện các phong trào thi đua và tham gia, tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội cũng như chăm lo, động viên, thăm hỏi đoàn viên lúc rủi ro.

Từ khi thành lập NĐNC đến nay, các NĐNC đã được hỗ trợ hiện vật và tiền mặt, trị giá hơn 4 tỷ đồng, do Liên đoàn Lao động tỉnh đã tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tài trợ. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh trực tiếp hỗ trợ, trang bị 32 phương tiện thông tin liên lạc VX 1700 trên tàu cá và trên bờ (1 thiết bị trạm bờ tại thị xã La Gi), phao cứu sinh, thuốc phòng bệnh; đóng 50 bảo hiểm thân tàu, 2.000 bảo hiểm tai nạn thuyền viên, hỗ trợ kinh phí cho tàu bị chìm, ngư lưới cụ bị hỏng, thuyền viên bị tai nạn ở Phan Thiết, Tuy Phong, La Gi do thiên tai gần 1 tỷ đồng… Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động huyện Phú Quý đã phối hợp với Hội nông dân xã, đơn vị Cảnh sát biển 3 tặng 550 lá cờ Tổ quốc cho các tàu thuyền trong và ngoài nghiệp đoàn, tặng 10 xe đạp và 119 suất quà cho đoàn viên, con, em của đoàn viên và người lao động, trị giá 109,5 triệu đồng và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tặng 110 bồn chứa nước 1.000 lít…

Tặng cờ và áo phao cho ngư dân. Ảnh: N.Lân

Tặng cờ và áo phao cho ngư dân. Ảnh: N.Lân

Cần phát huy hiệu quả hoạt động

Tuy nhiên, hầu hết chủ tịch các NĐNC đều than phiền về kinh phí hoạt động. Thêm vào đó, do đặc thù lao động của ngư dân nên nội dung, phương thức hoạt động của NĐNC nói chung còn lúng túng, quy chế phối hợp hoạt động giữa các cấp công đoàn chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến việc tổ chức, điều hành hoạt động của NĐNC còn nhiều khó khăn. Đặc biệt hơn, dù các NĐNC ra đời đã hơn 10 năm, nhưng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa ban hành quy chế hoạt động NĐNC chính thức mà chỉ có quy chế tạm thời. Do đó, ngành chức năng cần ban hành cụ thể về cơ chế hỗ trợ cho nghiệp đoàn hoạt động hằng năm, chính sách hỗ trợ cho cán bộ BCH NĐNC.

Dù các NĐNC ra đời đã hơn 10 năm nhưng chưa ban hành quy chế hoạt động chính thức. (ảnh N. Lân)

Dù các NĐNC ra đời đã hơn 10 năm nhưng chưa ban hành quy chế hoạt động chính thức. (ảnh N. Lân)

Trước những khó khăn đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đã đề ra một số giải pháp nhằm duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các NĐNC. Thời gian đến, sẽ chú trọng công tác củng cố, kiện toàn tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của NĐNC đi vào nề nếp, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên. Bên cạnh đó, chủ động sắp xếp, bố trí thời gian hợp lý cho BCH, UBKT và chủ tàu tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ công đoàn; các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá và chuyên môn về kỹ thuật đánh bắt hải sản, kiến thức chuyên môn nghề cá… do Công đoàn và các ngành chức năng tổ chức.

Tăng cường tuyên truyền pháp luật và cung cấp kịp thời những thông tin cần thiết cho đoàn viên NĐNC.

Tăng cường tuyên truyền pháp luật và cung cấp kịp thời những thông tin cần thiết cho đoàn viên NĐNC.

Đặc biệt, sẽ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền quy định về tạo nguồn thu cho loại hình nghiệp đoàn cơ sở nói chung và NĐNC nói riêng để có kinh phí hoạt động. Tăng cường các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo và nâng cao chất lượng đời sống vật chất cho đoàn viên các NĐNC, giúp đoàn viên NĐNC yên tâm vươn khơi, bám biển...

M. VÂN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/cac-nghiep-doan-nghe-ca-trong-tinh-hoat-dong-cam-chung-127510.html