Các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp thuế trên 18.600 tỷ đồng
Hiện nay, khoảng 102 nhà cung cấp nước ngoài như Meta (Facebook), Google, Tiktok, Netflix, Google... đã kê khai, nộp thuế qua cổng thông tin điện tử của ngành thuế. Lũy kế từ tháng 3/2022, thời điểm cổng thông tin dành cho các nhà cung cấp nước ngoài vận hành đến nay, các doanh nghiệp ngoại đã nộp trên 18.600 tỷ đồng.
Ngày 28/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi.
Nêu ý kiến về ưu đãi thuế cho một số doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị mở rộng ưu đãi thuế đối với các dự án sản xuất năng lượng tái tạo, xử lý chất thải và phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời, đề nghị cân nhắc tính thời gian miễn thuế, giảm thuế từ thời điểm dự án được cấp phép đầu tư hoặc chính thức đi vào hoạt động, thay vì tính từ thời điểm doanh nghiệp phát sinh thu nhập chịu thuế.
Bên cạnh đó, ông Hùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, làm rõ hơn tiêu chí xác định thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam trong trường hợp doanh nghiệp không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Đồng thời, cần bổ sung hướng dẫn cụ thể về cách kê khai và nộp thuế để bảo đảm tính minh bạch, khả thi trong thực hiện, nhất là với các doanh nghiệp xuyên biên giới. “Điều này giúp hạn chế thất thu thuế và tạo môi trường cạnh tranh công bằng”, đại biểu nêu quan điểm.
Đồng tình, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), bày tỏ thống nhất việc dự thảo Luật đã bổ sung người nộp thuế là doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.
“Nếu chúng ta bỏ không thu thuế đối với những đối tượng này sẽ dẫn đến tình trạng thất thu thuế. Sẽ không công bằng đối với các cở sở sản xuất kinh doanh trong nước có những sản phẩm tương đồng với các sản phẩm của các tổ chức nước ngoài”, ông Hòa nói.
Tuy nhiên, đại biểu này đặt vấn đề: Đối với cơ sở kinh doanh thường trú ở Việt Nam thì chúng ta đánh thuế được, còn có những cơ sở không thường trú ở Việt Nam mà chỉ thông qua sàn giao dịch điện tử thì cách tính thuế sẽ như thế nào? Vấn đề này, đề nghị Chính phủ có Nghị định quy định cụ thể.
Đại biểu Hòa tán thành cao đối với quy định không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp từ sản xuất cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nhưng cho rằng đối với nhà sản xuất thì không nên đánh thuế, nhưng những đối tượng mua bán thương mại thì phải tính thuế thu nhập.
Theo ông Hòa, vấn đề xác định thuế, tính thuế là vấn đề rất quan trọng. Có những cơ sở kê khai thuế, hoặc có cơ sở hạch toán, quyết toán theo hóa đơn… Cho nên việc thu thuế rất khó khăn, doanh nghiệp dễ dàng trốn thuế nếu cơ quan thuế không phát hiện ra hành vi này. “Do đó, Luật sửa đổi lần này cần khắc phục được tình trạng trốn thuế, đảm bảo công bằng cho những người nộp thuế”, ông Hòa nêu ý kiến.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cho rằng nên có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với các cơ quan báo chí.
Ông Nghĩa phân tích: Báo chí là hoạt động chính trị xã hội, có vai trò định hướng dư luận xã hội hết sức quan trọng. Tuy nhiên, việc tác nghiệp của báo chí hiện nay đang hết sức khó khăn. Đời sống, thu nhập của cán bộ, phóng viên giảm sút rất nhiều và hoạt động của các cơ quan báo chí đang đứng trước nhiều thách thức.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng đứng trước sức ép phải cạnh tranh thông tin trên mạng xã hội, từ các nguồn thông tin khác đòi hỏi chất lượng thông tin báo chí phải tốt hơn rất nhiều, đầu tư công sức nhiều hơn nhiều. Việc giảm thu nhập cũng ảnh hưởng lớn đến các cơ quan báo chí, tâm tư của nhiều phóng viên báo chí yêu nghề.
Để đảm bảo cho các các cơ quan báo chí ổn định hoạt động, ông Nghĩa đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với các cơ quan báo chí, không chỉ giảm thuế xuống 10% với tất cả các loại hình báo chí mà còn có thể nghiên cứu giảm xuống 5%.
“Điều này cũng góp phần ổn định tinh thần của các cơ quan báo chí, phóng viên báo chí. Bởi khi giảm thuế thì chất lượng báo chí sẽ tốt hơn và công chúng đều hưởng lợi trong việc được cung cấp thông tin, tiếp cận giá trị văn hóa chất lượng cao, đấu tranh với các thông tin xấu độc, góp phần định hướng giá trị thông tin xứng tầm với vị thế của đất nước”, ông Nghĩa cho hay.
Phát biểu giải trình, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, tài khóa hiện nay bội chi khoảng 400.000 tỷ đồng. Nợ công khoảng 37% GDP. Sắp tới triển khai xây dựng công trình, hạ tầng trọng yếu, bội chi ngân sách và nợ công tăng lên, nên nguồn thuế phải tập trung.
Xu hướng thế giới là thắt chặt chính sách tài khóa, tăng thuế suất lên đảm bảo sự vững mạnh tài chính công. Song, do chúng ta vừa trải qua đại dịch, cần ủng hộ và tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, nên vẫn thực hiện chính sách tài khóa mở rộng.
Nguyên tắc với thuế thu nhập doanh nghiệp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định mọi khoản thu nhập phải chịu thuế kể cả sản xuất kinh doanh và các thu nhập khác. Vì vậy, những doanh nghiệp nước ngoài dù không có địa chỉ thường trú tại Việt Nam nhưng có phát sinh thu nhập đều phải nộp thuế. Thực tế thời gian qua, sàn thương mại điện tử, mua bán online dù có trụ sở ở nước ngoài nhưng đã được thu thuế.
Hiện, khoảng 102 nhà cung cấp nước ngoài như Meta (Facebook), Google, Tiktok, Netflix, Google... đã kê khai, nộp thuế qua cổng thông tin điện tử của ngành. Lũy kế từ tháng 3/2022, thời điểm cổng thông tin dành cho các nhà cung cấp nước ngoài vận hành đến nay, các doanh nghiệp ngoại đã nộp trên 18.600 tỷ đồng. Ngoài ra, số thuế do Việt Nam khấu trừ nộp thay nhà cung cấp từ khi vận hành cổng khoảng 4.050 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng cho hay ngành thuế đã áp dụng nhiều biện pháp chống thất thu thuế trong thương mại điện tử. Công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) mới được cơ quan thuế đưa vào ứng dụng, để kiểm soát doanh thu, mua bán trên các sàn thương mại điện tử.
Liên quan tới kiến nghị của các đại biểu về tăng ưu đãi thuế với báo chí, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ tiếp thu, rà soát lại. Nếu Quốc hội đồng ý, với báo in và các loại hình khác (điện tử, truyền hình), mức thuế là 10%.
Ban soạn thảo đã trao đổi với Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất nội dung này để giúp đỡ các cơ quan báo chí.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, với cơ quan báo chí có nhiều hình thức hỗ trợ như đặt hàng, quảng cáo... Đối với cơ quan báo chí chưa tự chủ thì Nhà nước vẫn cấp kinh phí bình thường.