Giảm thuế 15% với ngưỡng doanh thu 3 tỷ đồng khó mang lại hiệu quả thực tế

Liên quan đến đề xuất giảm thuế 15% cho doanh nghiệp có doanh thu 3 tỷ đồng theo dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, mức thuế suất này là quá thấp so với thực tiễn kinh doanh của nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, khó mang lại hiệu quả thực tế.

Sáng 28/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đánh giá cao việc Quốc hội đưa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) vào chương trình nghị sự, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.

Ông Thân nhấn mạnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm khoảng 97% trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp trên cả nước, vì vậy, các chính sách thuế mới sẽ có tác động lớn đến nhóm doanh nghiệp này.

Liên quan đến đề xuất giảm thuế 15% cho doanh nghiệp có doanh thu 3 tỷ đồng, Chủ tịch VINASME đánh giá, chính sách này khó mang lại hiệu quả thực tế. "Nếu tính toán, doanh thu hàng ngày của doanh nghiệp chỉ khoảng dưới 10 triệu đồng, tương đương mức của các hộ kinh doanh cá thể", ông giải thích.

Theo đó, đại biểu đoàn Thái Bình đề xuất thay vì áp dụng tỷ lệ thuế 15% cần phải quyết toán và xử lý nhiều chi phí phức tạp, nên chuyển sang cơ chế thuế khoán với mức thu cố định hàng tháng hoặc hàng năm. Điều này sẽ giúp giảm gánh nặng về thủ tục kế toán và báo cáo thuế cho doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME).

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME).

"Một cơ chế thuế đơn giản, minh bạch sẽ tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển", đại biểu Thân nhấn mạnh.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho biết, ngưỡng 3 tỷ đồng cho mức thuế 15% là quá thấp so với thực tế kinh doanh của nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ hoặc các ngành có chi phí cao. Điều này làm hạn chế số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện. Bên cạnh đó, sự chênh lệch chỉ 2% thuế suất giữa hai ngưỡng doanh thu 3 tỷ và 50 tỷ đồng tạo cảm giác bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp có quy mô khác nhau.

Việc chỉ sử dụng tiêu chí doanh thu là chưa đủ, vì lao động, vốn đăng ký hoặc tổng tài sản cũng là những yếu tố quan trọng cần được cân nhắc khi phân loại doanh nghiệp. Đồng thời có nguy cơ lách luật. Bởi vì một số doanh nghiệp có thể chia nhỏ doanh thu hoặc thực hiện các thủ thuật chuyển giá để hưởng thuế suất thấp hơn, làm giảm hiệu quả quản lý thuế và gây thất thu ngân sách.

Ngoài ra, việc áp dụng thuế suất ưu đãi cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể làm giảm nguồn thu, đặc biệt khi đây là nhóm doanh nghiệp chiếm số lượng lớn trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp có doanh thu gần ngưỡng 3 tỷ hoặc 50 tỷ đồng có thể cố tình hạn chế quy mô để tránh chịu mức thuế cao hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển dài hạn.

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh).

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh).

Để khắc phục những hạn chế này, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất tăng ngưỡng doanh thu áp dụng mức thuế 15% từ 3 tỷ lên 5 tỷ đồng, và ngưỡng 17% từ 50 tỷ lên 70 tỷ đồng, nhằm phù hợp hơn với thực tế hoạt động của doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ.

Bổ sung các tiêu chí như số lao động, vốn đăng ký hoặc tổng tài sản khi phân loại doanh nghiệp, thay vì chỉ dựa vào doanh thu. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật để tránh tình trạng doanh nghiệp lách luật, chẳng hạn thông qua thanh tra và giám sát từ cơ quan thuế.

Áp dụng lộ trình tăng thuế suất dần khi doanh nghiệp vượt ngưỡng doanh thu, ví dụ từ 15% lên 16% hoặc từ 17% lên 18%, tránh áp lực lớn khi doanh nghiệp mở rộng quy mô. Cung cấp mức thuế suất ưu đãi riêng thấp hơn cho các doanh nghiệp nhỏ trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ nông nghiệp hoặc năng lượng tái tạo, nhằm thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững.

Theo ông Bình, những điều chỉnh này không chỉ giúp chính sách trở nên công bằng và hiệu quả hơn mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm.

Cũng đề cập đến mức thuế suất trên, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc nên nâng ngưỡng doanh thu lên 5 tỷ đồng để phù hợp với thực tế hiện nay, khi chi phí sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng cao. Đồng thời đề nghị cần bổ sung thêm tiêu chí áp dụng thuế suất 17% cho doanh nghiệp mới thành lập trong vòng 3 năm đầu, nhằm hỗ trợ khởi nghiệp và giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/giam-thue-15-voi-nguong-doanh-thu-3-ty-dong-kho-mang-lai-hieu-qua-thuc-te/20241128045347868