Các nhà điều tra chờ sẵn USS Connecticut để tìm sự thật
Theo USNI News, Mỹ đồng thời mở loạt cuộc điều tra vụ tàu ngầm USS Connecticut va chạm với vật thể chưa xác định khi hoạt động tại châu Á-Thái Bình Dương.
Những cuộc điều tra được thực hiện đồng thời bởi Bộ tư lệnh Các hệ thống Hải quân (NAVSEA) và Hạm đội 7. Trung tá Cindy Fields, phát ngôn viên lực lượng tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, cho biết:
"NAVSEA chịu trách nhiệm điều phối quá trình đánh giá thiệt hại và đề xuất phương án sửa chữa. Nhà máy đóng tàu Puget Sound sẽ giám sát và thực hiện sửa chữa tạm thời. Tàu USS Emory S. Land là cơ sở chịu trách nhiệm bảo dưỡng".
Hiện nay, nhóm điều tra của NAVSEA đã có mặt tại đảo Guam để chuẩn bị gặp kíp tàu USS Connecticut. Trung tá Cindy Fields cho biết thêm:
"Cùng với NAVSEA, Hạm đội 7 cũng mở cuộc điều tra về hệ thống chỉ huy, trong khi Bộ chỉ huy Lực lượng tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương cũng tiến hành cuộc điều tra riêng về bảo đảm an toàn".
Hải quân Mỹ chưa công bố hình ảnh tàu USS Connecticut cập cảng hoặc trên đường di chuyển về Guam, cũng như nguyên nhân khiến tàu ngầm gặp tai nạn, chỉ tiết lộ tàu đã tự trở về quân cảng Guam hôm 9/10 và bị hư hại ở phần phía trước của tàu.
Hôm 7/10, Hải quân Mỹ cho biết tàu ngầm USS Connecticut va phải một vật thể khi di chuyển ở vùng biển quốc tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khiến một số thủ thủ bị thương nhẹ.
Theo CNN, các chuyên gia nhận định sự cố có thể do môi trường ồn ào tại khu vực nhộn nhịp tàu bè qua lại như Thái Bình Dương, cũng như địa hình phức tạp dưới đáy biển khiến cảm biến trên tàu ngầm hơn 8 tỷ USD của Mỹ không phân biệt được tình huống.
"Vụ va chạm có thể đến từ vật thể đủ nhỏ khiến các hệ thống thủy âm trên tàu bỏ sót trong một môi trường quá nhiều tiếng ồn", Alessio Patalano, chuyên gia chiến sự và chiến lược tại Học viện Hoàng gia Anh ở London cho biết.
Theo tiết lộ của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, các tàu ngầm hải quân sử dụng hệ thống thủy âm thụ động để phát hiện các vật thể trong vùng nước xung quanh bằng âm thanh vọng lại.
Hệ thống thủy âm thụ động cho phép tàu ngầm giữ yên tặng và ẩn mình trước đối phương, song đồng nghĩa chiến hạm này phải sử dụng nhiều hệ thống thủy âm thụ động và các thiết bị khác để xác định vị trí một vật thể trên đường đi.
Thái Bình Dương là một trong những tuyến hàng hải và ngư trường nhộn nhịp nhất thế giới, do đó tiếng ồn từ tàu thuyền trên mặt nước có thể gây nhiễu tín hiệu thủy âm, khiến thủy thủ trong tàu ngầm không nhận biết được những vật thể gây nguy hiểm dưới lòng biển.
"Tùy thuộc địa điểm xảy ra sự cố, các loại nhiễu tiếng ồn, vốn thường đến từ hoạt động giao thông phía trên, có thể ảnh hưởng đến các cảm biến hoặc việc vận hành chúng.
Biển Thái Bình Dương là khu vực có môi trường âm thanh rất tệ. Đặc tính của vùng nước này cũng gây ra vấn đề. Tiếng ồn đến từ dòng chảy quanh các đảo và đá cùng các điều kiện hải lưu không đồng nhất ảnh hưởng tới việc tiếp nhận âm thanh", chuyên gia Patalano nói.
Vị chuyên gia này còn cho rằng địa hình gồ ghề bên dưới đáy Thái Bình Dương cũng có thể là lý do khiến tàu ngầm Connecticut gặp nạn.
Mặc dù vậy, kết luận cuối cùng về nguyên nhân xảy ra vụ va chạm cần cần phải chờ cơ quan chức năng Mỹ công bố hoặc cũng có thể đó sẽ là bí mật không bao giờ được tiết lộ.