Các nhà nhập khẩu Mỹ đổ xô tìm kho ngoại quan, ứng phó đòn thuế quan của Tổng thống Trump

Các kho ngoại quan đang trở thành một giải pháp an toàn cho các nhà nhập khẩu hàng hóa tại Mỹ trước tình hình kinh tế biến động do các đề xuất chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump.

Quang cảnh cảng Los Angeles ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Quang cảnh cảng Los Angeles ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, các công ty nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ đang gấp rút chuyển đổi các kho lưu trữ của họ thành kho ngoại quan để không phải chịu mức thuế cao ngất ngưởng mà chính quyền Tổng thống Trump đe dọa áp lên Trung Quốc.

Kho ngoại quan (Bonded Warehouse) là khu vực kho, bãi lưu giữ hàng hóa đã làm thủ tục hải quan được gửi để chờ xuất khẩu hoặc hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào Mỹ. Tại các cơ sở này, hàng hóa nhập khẩu có thể được lưu giữ mà không phải trả ngay các khoản thuế hải quan như thuế quan, hiện là 30% đối với các lô hàng từ Trung Quốc. Các khoản phí như vậy chỉ được thanh toán khi hàng hóa rời khỏi kho, cho phép các doanh nghiệp quản lý dòng tiền hiệu quả hơn trong bối cảnh chính sách thương mại vẫn còn cực kỳ biến động. Hiện Mỹ có hơn 1.700 kho ngoại quan.

Việc gấp rút biến các kho hàng có sẵn thành kho ngoại quan tại Mỹ đối với các mặt hàng từ quần áo đến phụ tùng ô tô là một canh bạc đối với một số công ty cho rằng quyết định tăng thuế của Mỹ chỉ là chính sách ngắn hạn của chính quyền Tổng thống Trump.

Dẫn 4 nguồn tin trong ngành, báo Business Insider cho biết cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Trump đã khiến nhiều kho ngoại quan hiện hoạt động hết công suất và giá thuê không gian những kho này tăng vọt. Cuộc chiến cũng thúc đẩy các công ty nộp đơn đăng ký lên Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) để xin mở các kho ngoại quan để có thêm chỗ chứa hàng.

Bà Maggie Barnett – Giám đốc điều hành công ty vận tải hàng hóa LVK Logistics có trụ sở tại Utah – cho biết công ty bà đang trong quá trình chuyển đổi một trong những kho hàng của mình thành kho ngoại quan "để ứng phó với chính sách thuế quan". Dự kiến quá trình chuyển đổi này sẽ mất từ ba đến bốn tháng.

Chris Rogers, quản lý nhóm nghiên cứu chuỗi cung ứng tại công ty tư vấn S&P Global Market Intelligence, cho hay: "Bạn có thể chuyển đổi đối với bất kỳ kho hàng nào, nhưng sẽ mất chi phí và thời gian. Nếu công ty đủ lớn và dự kiến thuế quan tiếp tục vở mức cao trong một thời gian dài, công ty bạn có thể chuyển đổi các kho hàng hiện có thành kho ngoại quan".

Chris Huwaldt, Phó Chủ tịch giải pháp tại WarehouseQuote - một công ty nghiên cứu hậu cần, cho biết đơn đăng ký của các công ty hậu cần và công ty vận tải khác vẫn còn chất đống tại CBP. Một số công ty thậm chí mất tới 6 tháng mới xin được cấp chuyển đổi. Để chứng nhận kho lưu trữ thành kho ngoại quan "có thể tốn hàng nghìn USD hoặc chi phí lên tới sáu con số", tùy thuộc vào tiểu bang nơi kho đặt trụ sở.

"Nhiều công ty nhập khẩu hàng từ Trung Quốc đang tận dụng kho ngoại quan để hỗ trợ dòng tiền. Mặc dù việc này không giúp họ tiết kiệm tiền vì thuế quan vẫn phải được trả khi hàng hóa được lấy ra khỏi kho. Nhưng nó cho phép các công ty trả thuế theo mức tăng nhỏ hơn khi chúng được bán ra trong bối cảnh chưa có gì chắc chắn cả", bà Cindy Allen, cố vấn vận chuyển tại Trade Force Multiplier và là cựu giám đốc điều hành của FedEx Logistics, giải thích.

Vào hồi tháng 4, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, sau các cuộc đàm phán, hai bên đã đạt thỏa thuận về việc tạm dừng tăng thuế trong 90 ngày và giảm đáng kể mức thuế quan. Trong khoảng thời gian hòa hoãn, Mỹ áp thuế 30% lên hàng Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc đánh thuế đối ứng 10% đối với hàng Mỹ.

“Cơn sốt” kho ngoại quan

Theo dữ liệu của WarehouseQuote, đầu năm 2024, chi phí thuê kho ngoại quan cao gấp đôi giá thuê kho trữ hàng thông thường, nhưng từ đầu năm 2025, giá thuê kho ngoại quan đã tăng gấp 4 lần.

"Cơn sốt kho ngoại quan để quản lý dòng tiền là chưa từng có", bà Allen cho biết.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump, nhiều công ty chấp nhận các khoản thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Nhưng điều này có nghĩa là các công ty phải trả nhiều tiền hơn trong một thời gian dài trong khi cũng buộc phải đầu tư vào các nguồn thay thế cho hàng hóa Trung Quốc. “Các nhà nhập khẩu không muốn lặp lại những sai lầm trong quá khứ", bà Allen lý giải.

Việc thành lập các kho ngoại quan mới được đánh giá mang theo rủi ro, vì Mỹ có thể quay lại mức thuế quan cao hơn sau khi thời gian hòa hoãn 90 ngày.

Ông Vladimir Durshpek, đồng sáng lập công ty kho bãi và lưu trữ CargoNest tại Venice, bang Florida, cho biết ông vẫn đang rất thận trọng khi mở thêm một kho ngoại quan thứ ba cho đến khi các cuộc đàm phán về thuế quan của Mỹ hoàn tất.

Công ty lưu trữ DCL Logistics tại Fremont, bang California vẫn chưa đưa ra kế hoạch chắc chắn mở kho ngoại quan vì không rõ nhu cầu có duy trì ở mức cao như vậy không.

Bảo Hà/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cac-nha-nhap-khau-my-do-xo-tim-kho-ngoai-quan-ung-pho-don-thue-quan-cua-tong-thong-trump-20250521135700138.htm