Mỹ dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu phần mềm thiết kế chip sang Trung Quốc
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay (4/7) đã dỡ bỏ các hạn chế về xuất khẩu phần mềm thiết kế chip sang Trung Quốc, trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh nỗ lực giảm căng thẳng theo thỏa thuận thương mại gần đây.
Gỡ hạn chế xuất khẩu phần mềm thiết kế chip
Ba công ty hàng đầu về phần mềm thiết kế chip - Synopsys, Cadence và Siemens - cho biết họ đã được Bộ Thương mại Mỹ thông báo rằng các hạn chế xuất khẩu được áp đặt từ tháng 5/2025 đã được hủy bỏ.

Mỹ dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu phần mềm thiết kế chip sang Trung Quốc.
Trước đó, vào cuối tháng 5, Mỹ đã cắt đứt việc bán các công cụ phần mềm quan trọng dùng để thiết kế chất bán dẫn cho Trung Quốc, nhằm đáp trả việc Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu đất hiếm, làm bùng lên căng thẳng giữa hai nước sau một thỏa thuận đình chiến thương mại đạt được tại Geneva hồi đầu tháng.
Các thông báo từ những công ty này cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tiến tới thực hiện một thỏa thuận thương mại được chính thức hóa vào tuần trước, dựa trên các cuộc đàm phán tại London vào tháng 6/2025, tập trung vào vấn đề đất hiếm. Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu đối với phần mềm chip, hóa chất ethane và động cơ máy bay, trong khi Trung Quốc sẽ phê duyệt xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ.
Công ty Cadence của Mỹ và Siemens của Đức xác nhận các hạn chế kiểm soát xuất khẩu đã được dỡ bỏ, trong lúc Synopsys, cũng là công ty Mỹ, tuyên bố lá thư trước đó từ Bộ Thương mại về lệnh hạn chế đã bị hủy bỏ. Cadence và Synopsys cho biết họ đang khôi phục quyền truy cập vào phần mềm và công cụ bị hạn chế tại Trung Quốc, đồng thời Synopsys đang đánh giá tác động của các hạn chế xuất khẩu liên quan đến Trung Quốc đối với hoạt động kinh doanh và tài chính của mình.
Trong khi đó, Siemens đã khôi phục hoàn toàn quyền truy cập vào phần mềm và công nghệ theo các quy định kiểm soát xuất khẩu trước đây, đồng thời nối lại việc bán hàng và hỗ trợ khách hàng Trung Quốc, theo một phát ngôn viên của công ty.
Các chuyên gia cho rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Washington đối với phần mềm thiết kế chip, hay còn gọi là phần mềm Tự động hóa Thiết kế Điện tử (EDA), sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, vì chúng là công cụ thiết yếu để tạo ra các vi mạch mới. Theo một báo cáo của Tân Hoa Xã hồi đầu năm, ba công ty này chiếm 70% thị trường EDA của Trung Quốc.
Việc hạn chế phần mềm chip là một bước leo thang ngắn trong nỗ lực của Mỹ nhằm siết chặt quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với các công nghệ liên quan đến bán dẫn, bắt đầu từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Các động thái này nhằm ngăn Bắc Kinh tận dụng công nghệ Mỹ để tăng cường năng lực quân sự và trí tuệ nhân tạo.
Trung Quốc dự kiến áp thuế 10% với hàng nhập khẩu từ Mỹ
Vào thứ Tư, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng gửi thư đến các nhà sản xuất ethane của Mỹ để hủy bỏ các hạn chế xuất khẩu, vốn trước đó đã dừng việc vận chuyển hóa chất này sang Trung Quốc. Theo tính toán từ dữ liệu của Cơ quan Quản lý Năng lượng Mỹ, gần 50% lượng ethane xuất khẩu của Mỹ - chủ yếu dùng để sản xuất nhựa - đã được xuất sang Trung Quốc vào năm ngoái.

Chuyên gia làm việc tại một nhà sản xuất chip ở thành phố Binzhou, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc hồi tháng 1/2025.
Ngoài ra, truyền thông đưa tin vào thứ năm rằng Bộ Thương mại Mỹ đã yêu cầu GE Aerospace và một số công ty khác nối lại việc vận chuyển động cơ máy bay sang Trung Quốc.
Hôm nay (4/7), Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, cả hai nước đang tích cực thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận London và Washington đã thông báo với Bắc Kinh về việc hủy bỏ một loạt hạn chế xuất khẩu. Về phần mình, Trung Quốc đang “xem xét các đơn xin cấp phép xuất khẩu phù hợp” cho các mặt hàng bị kiểm soát, ám chỉ đất hiếm.
“Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ nhận thức sâu sắc về bản chất đôi bên cùng có lợi của quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ-Trung, tiếp tục phối hợp với Trung Quốc và sửa chữa các hành vi sai lầm. Khung thỏa thuận London đạt được không dễ dàng, đối thoại và hợp tác là con đường đúng đắn, trong khi cưỡng chế và tống tiền không dẫn đến đâu”, phát ngôn viên này nói.
Ở đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại với Mỹ vào tháng 4/2025, Trung Quốc đã tận dụng vị thế thống trị toàn cầu trong chuỗi cung ứng đất hiếm, áp đặt yêu cầu cấp phép mới đối với xuất khẩu 7 loại khoáng sản đất hiếm và một số nam châm - cần thiết cho mọi thứ từ thiết bị điện tử, xe cộ đến vũ khí tối tân như máy bay chiến đấu. Trung Quốc kiểm soát 90% hoạt động xử lý đất hiếm toàn cầu.
Tuy nhiên, bất chấp thỏa thuận đình chiến thương mại 90 ngày với Mỹ được công bố sau các cuộc đàm phán tại Geneva vào tháng 5/2025, Bắc Kinh không nới lỏng các kiểm soát này, khiến Washington tức giận. Điều này làm căng thẳng trở lại giữa hai nước, đe dọa làm sụp đổ thỏa thuận thương mại tạm thời nhằm giảm các mức thuế trả đũa, trước khi hai bên gặp lại nhau tại London vào tháng trước.
Sau cuộc họp tại London, Trung Quốc đồng ý cho phép và đẩy nhanh dòng chảy đất hiếm theo các quy định cấp phép hiện tại, trong khi Mỹ sẽ dỡ bỏ các “biện pháp đối phó” liên quan, bao gồm kiểm soát xuất khẩu đối với phần mềm chip, ethane và động cơ máy bay.
Tuy nhiên, thỏa thuận mới nhất dường như không giải quyết các mức thuế vẫn còn cao mà cả hai nước áp đặt lên nhau và thỏa thuận đình chiến dự kiến sẽ hết hiệu lực vào tháng 8. Theo Tổng thống Donald Trump, thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc vẫn ở mức khoảng 55%, bao gồm mức thuế “tương ứng” 10% áp đặt lên các đối tác thương mại vào tháng 4/2025, thuế 20% áp lên Trung Quốc vì vai trò của nước này trong dòng chảy nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ và các mức thuế có từ trước.
Ngược lại, ông Trump cho biết trên mạng xã hội sau các cuộc đàm phán tại London rằng thuế của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ sẽ được đặt ở mức 10%. Không rõ con số này chỉ đề cập đến các mức thuế mới kể từ tháng 4/2025, vì Bắc Kinh cũng đã áp thuế lên hàng hóa Mỹ, bao gồm cả để trả đũa các khoản thuế liên quan đến nhập cư bất hợp pháp và buôn bán người.