Các nước đang đàm phán với Mỹ rút ra điều gì từ hiệp định thương mại mà Anh vừa ký kết

Khi các quốc gia đang 'đau đầu' tìm cách đàm phán với Tổng thống Trump, thỏa thuận đầu tiên giữa Mỹ và Anh mới được công bố đã mang đến một vài manh mối về mức độ nhượng bộ từ phía Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Washington D.C. ngày 27/2/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Washington D.C. ngày 27/2/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

“Nếu bạn từng nghĩ rằng một thỏa thuận thực chất phải được hoàn tất trong vòng 90 ngày, thì giờ bạn đã thấy từ trường hợp Anh rằng điều đó không nhất thiết đúng. Bạn có thể chỉ cần một bản phác thảo ý tưởng về một kế hoạch”, bà Deborah Elms, giám đốc chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich ở Singapore, nhận định.

Theo hãng tin Bloomberg, thông báo hôm 8/5 về khung thỏa thuận thương mại tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump cho thấy ông sẵn sàng thúc đẩy một kết quả rõ ràng ngay cả khi chưa có thỏa thuận cuối cùng – một điều có thể giúp ông ghi điểm về mặt chính trị tại Nhà Trắng. Nhiều người kỳ vọng về các mức thuế mà phía Mỹ tuyên bố áp đặt sẽ có thể được đàm phán giảm xuống trong thời gian tới.

Theo Tổng thống Trump, khung thỏa thuận mà ông gọi là một “đột phá” sẽ giúp hàng hóa Mỹ được thông quan nhanh hơn tại hải quan Anh và giảm bớt rào cản đối với “hàng tỷ USD” xuất khẩu khác. Trong khi đó, chính phủ Anh cho biết thuế nhập khẩu đánh vào ô tô của Anh sẽ giảm xuống 10%, còn thuế quan với kim loại sẽ về mức 0. Các chi tiết cuối cùng vẫn đang được đàm phán trong vài tuần tới.

Việc đàm phán chưa thực sự ngã ngũ khiến các kết luận về một thỏa thuận giữa hai bên vẫn đang được đề cập một cách thận trọng. Hiện nay, giới phân tích đang chú ý đến 3 vấn đề chính liên quan sau khi thỏa thuận ký kết gồm: ông Trump vẫn giữ lại một số mức thuế đã từng tuyên bố áp đặt; Mỹ chấp thuận với một ngoại lệ cụ thể với hàng hóa Anh; Mỹ không đưa ra yêu cầu đối với Anh trong vấn đề thương mại với phía Trung Quốc.

Giới phân tích nhận định rằng thỏa thuận Mỹ - Anh không phải là mô hình dễ áp dụng cho các nền kinh tế khác. Thặng dư thương mại của Mỹ với Anh và mối quan hệ lâu đời giữa hai quốc gia đồng minh này khiến cho thỏa thuận thương mại mới được ký kết không thực sự là “một kinh nghiệm” tốt cho các đối tác như Nhật Bản hay Liên minh châu Âu (EU) đang bước vào các cuộc đàm phán riêng.

“Bạn không thể lạc quan chỉ vì thông báo của Mỹ và Anh. Mỹ không thâm hụt thương mại với Anh, nên đạt được thỏa thuận dễ hơn”, ông Hiroshi Namioka, chiến lược gia trưởng tại T&D Asset Management ở Tokyo, nhận định.

Nhiều quốc gia ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc - những nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ - đã nhanh chóng khởi động đàm phán nhưng chưa có những tiến triển rõ rệt.

Phát biểu ngay sau thông báo về thỏa thuận thương mại, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết đàm phán với Hàn Quốc và Nhật Bản “tốn rất nhiều thời gian.” Ông nói thêm rằng Ấn Độ có thể là nước tiếp theo đạt được thỏa thuận, nhưng cũng cảnh báo rằng vẫn còn nhiều việc phải làm.

EU cũng chưa đạt được quá nhiều tiến triển trong các cuộc tiếp xúc với chính quyền Mỹ. Ông Sam Lowe, chuyên gia thương mại tại công ty tư vấn Flint Global ở London cho biết rằng quy mô kinh tế nền kinh tế khác nhau đang là nguyên nhân chính.

Ông nhận định rằng khác với Anh – một nền kinh tế nhỏ hơn và không “đủ sức trả đũa”, EU có thể gây thiệt hại cho Mỹ thông qua thuế quan và các biện pháp khác. “Điều này có thể giúp EU có thêm đòn bẩy, nhưng cũng đồng nghĩa rằng việc đạt được thỏa thuận sẽ mất nhiều thời gian hơn”, ông cho biết thêm.

Một chi tiết trong thỏa thuận với Anh thu hút sự chú ý là việc Mỹ giảm thuế nhập khẩu ô tô từ Anh từ 27,5% xuống còn 10% cho tối đa 100.000 xe mỗi năm. Kim ngạch xuất khẩu ô tô của Nhật Bản và Hàn Quốc sang Mỹ đều gấp hơn 10 lần so với Anh, chiếm khoảng 1/3 doanh số bán hàng tại thị trường Mỹ. Dù thỏa thuận với Anh có thể mang lại hy vọng về việc Mỹ sẽ giảm thuế 25% với ô tô Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng Tokyo vẫn khẳng định muốn Mỹ xóa bỏ hoàn toàn thuế suất này.

Trưởng đoàn đàm phán thương mại Nhật Bản, ông Ryosei Akazawa, cho biết hôm 9/5 rằng Tokyo sẽ tiếp tục yêu cầu Mỹ xem xét lại hàng loạt biện pháp thuế quan hiện hành.

Tương tự, thỏa thuận với Anh khó có thể trở thành khuôn mẫu cho Hàn Quốc bởi ngành công nghiệp ô tô cũng có vai trò lớn với nền kinh tế của Seoul. “Để đảm bảo mức thuế quan thấp hơn từ Mỹ đối với ô tô, Hàn Quốc có thể phải đưa ra những nhượng bộ như tăng nhập khẩu khí đốt hóa lỏng từ Mỹ và nới lỏng rào cản phi thuế đối với hàng nông sản Mỹ,” ông Hyosung Kwon, nhà phân tích của Bloomberg Economics, cho biết.

Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích thương mại nhận định rằng mức thuế cơ bản 10% được Mỹ áp dụng cho mọi quốc gia gần như sẽ là cố định. Tuy vậy, phía Anh cũng cho biết nước này sẽ tiếp tục đàm phán để điều chỉnh mức cái gọi là mức thuế đối ứng này. Với các quốc gia như Australia và Singapore, bà Elms từ Quỹ Hinrich cho biết rằng vào thời điểm hiện tại, các nước này dường như chưa có cơ sở để đàm phán về một mức thuế thấp hơn 10% từ chính quyền Mỹ.

Tuy nhiên, trong một ngoại lệ, Mỹ đã dành cho Anh những ưu đãi lớn khi xóa bỏ thuế thép và nhôm từ 25% xuống còn 0%, trong khuôn khổ “liên minh thương mại mới” theo cách gọi của Mỹ. Hiện chưa rõ điều khoản thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng thế nào tới mức thuế với các nước khác.

Trong một bất ngờ, khung thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh không đề cập nhiều đến các rào cản thương mại như quy định kỹ thuật hay trợ cấp sản xuất – những vấn đề mà phía Washington đã từng nhấn mạnh. Phía Anh cho biết sẽ không nới lỏng các tiêu chuẩn an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu, dù đã gỡ bỏ thuế với thịt bò và một số sản phẩm nông nghiệp khác.

Một số nhà phân tích cũng lưu ý đến việc không có bất kỳ đề cập nào đến Trung Quốc trong khung thỏa thuận Mỹ - Anh, bất chấp việc các quan chức Mỹ từng cho biết họ muốn được Anh hỗ trợ trong nỗ lực gây sức ép với Bắc Kinh. Trong khi đó, các quan chức Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ gặp nhau tại Thụy Sĩ vào cuối tuần này để khởi động vòng đàm phán đầu tiên.

Võ Thanh Bình/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cac-nuoc-dang-dam-phan-voi-my-rut-ra-dieu-gi-tu-hiep-dinh-thuong-mai-ma-anh-vua-ky-ket-20250510105219423.htm