Giá xăng dầu hôm nay 2/4/2025: giá dầu ổn định gần mức cao nhất trong 5 tuần
Giá dầu ổn định gần mức cao nhất trong 5 tuần, khi những lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp đặt thuế quan thứ cấp lên dầu thô của Nga và tấn công Iran đối chọi với những lo ngại về tác động của chiến tranh thương mại đối với tăng trưởng toàn cầu.

Giá dầu ổn định gần mức cao nhất trong 5 tuần. Ảnh: Int
Giá xăng dầu thế giới
Theo Oilprice, lúc 5h40 ngày 2/4 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI tăng nhẹ 3 cent, dầu Brent “chững” ở mức 74,49 USD/thùng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/4, giá dầu giảm nhẹ khi các nhà giao dịch chờ đợi mức thuế quan trả đũa mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến công bố trong hôm nay bởi điều này có thể làm gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến thương mại toàn cầu. Hạn chế đà giảm là gia tăng lo ngại về nguồn cung sau lời đe dọa áp thuế thứ cấp đối với dầu của Nga và tấn công Iran của ông Trump.
Giá dầu Brent giảm 28 cent, tương đương 0,37%, xuống mức 74,49 USD/thùng. Trong phiên, có thời điểm giá dầu Brent vượt mức 75 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 28 cent, tương đương 0,39%, xuống mức 71,2 USD/thùng.
Theo Reuters, Nhà Trắng không cung cấp thông tin chi tiết về quy mô và phạm vi áp dụng thuế quan dự kiến công bố vào hôm nay.
Bob Yawger, Giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho nhận xét, thị trường đang hơi lo lắng, một số nguồn cung từ Mexico, Venezuela và Canada có thể giảm, nhưng chắc chắn nhu cầu sẽ giảm nhanh hơn số thùng dầu đó.
Kết quả thăm dò của Reuters với 49 nhà kinh tế và nhà phân tích hồi tháng 3 cho thấy giá dầu sẽ vẫn chịu áp lực trong năm nay do thuế quan của Mỹ và suy thoái kinh tế ở Ấn Độ và Trung Quốc, trong khi OPEC+ tăng nguồn cung.
Tăng trưởng toàn cầu chậm lại sẽ làm giảm nhu cầu nhiên liệu, điều này có thể bù đắp cho bất kỳ sự sụt giảm nguồn cung nào do các mối đe dọa của ông Trump.
Theo nhà phân tích Ole Hvalbye của SEB, trong khi các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt hơn đối với Iran, Venezuela và Nga có thể hạn chế nguồn cung toàn cầu, thuế quan của Mỹ có thể làm giảm nhu cầu năng lượng trên thế giới và làm chậm tăng trưởng kinh tế, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ. Do đó, việc đặt cược vào một hướng đi rõ ràng cho thị trường đã và vẫn là một thách thức.
Cuối tuần trước, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung từ 25% đến 50% đối với những người mua dầu của Nga nếu Moscow cố gắng ngăn chặn nỗ lực chấm dứt xung đột ở Ukraine. Thuế quan áp dụng đối với người mua dầu từ Nga, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới, sẽ làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu và gây tổn hại cho các khách hàng lớn nhất của Moscow là Trung Quốc và Ấn Độ.
Ông Trump cũng đe dọa áp mức thuế quan tương tự đối với Iran, thậm chí ném bom nếu Tehran không đạt được thỏa thuận với Nhà Trắng về chương trình hạt nhân của nước này.
Giá dầu đã tìm thấy một số hỗ trợ sau khi Nga ra lệnh cho cảng xuất khẩu dầu chính của Kazakhstan đóng cửa 2 trong số 3 bến neo đậu trong bối cảnh căng thẳng giữa Kazakhstan và OPEC+ về tình trạng sản xuất dư thừa.
Về dữ liệu tồn kho xăng, dầu của Mỹ, theo Viện Dầu khí Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 28/3, tồn kho dầu bất ngờ tăng tới 6,037 triệu thùng; tồn kho xăng giảm 1,628 triệu thùng và tồn kho sản phẩm chưng cất giảm 11.000 thùng.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 2/4/2025 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 27/3 của liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 337 đồng/lít, lên mức 20.032 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 337 đồng/lít, lên mức 20.424 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel 0.05S: tăng 324 đồng/lít, lên mức 18.217 đồng/lít; dầu hỏa tăng 406 đồng/lít, ở mức 18.524 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 53 đồng/kg, xuống còn 16.902 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Như vậy, tính từ đầu năm 2025 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 13 phiên điều chỉnh, trong đó có 5 phiên giảm, 5 phiên tăng và 3 phiên trái chiều.