Các nước hối thúc giải pháp hòa bình cho xung đột ở Ukraine
Ngày 21-11, không quân Ukraine xác nhận Nga đã phóng 1 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa từ vùng Astrakhan ở miền Nam nước này, đánh dấu lần đầu tiên Moscow sử dụng loại tên lửa tầm xa có sức mạnh lớn như vậy trong cuộc xung đột kéo dài 33 tháng qua. Theo không quân Ukraine, cuộc tấn công của Nga nhắm vào các doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng trọng yếu ở thành phố Dnipro phía Đông - Trung Ukraine. Phòng không Ukraine đã bắn hạ 6 tên lửa hành trình Kh-101 trong đợt tấn công này.
Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine
Cuộc tấn công diễn ra sau khi Ukraine sử dụng tên lửa của Mỹ và Anh để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga trong tuần này, động thái mà Moscow đã từng nhiều lần cảnh báo sẽ bị coi là một sự leo thang nghiêm trọng.
Cùng ngày 21-11, hãng tin TASS dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Nga xác nhận các hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ 2 tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh sản xuất. Ngoài 2 tên lửa Storm Shadow, lực lượng phòng không nước này cũng đã bắn hạ 6 rocket HIMARS do Mỹ sản xuất và 67 thiết bị bay không người lái.
Trong diễn biến liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố Moscow sẵn sàng xem xét bất kỳ sáng kiến hòa bình thực tế nào về xung đột tại Ukraine có tính đến lợi ích của Nga và tình hình thực địa.
Trước đó, ngày 20-11, ngay sau khi Ukraine sử dụng tên lửa của Mỹ và Anh để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, trong tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) tại Brazil, 4 quốc gia Mỹ Latinh, gồm Brazil, Chile, Colombia và Mexico kêu gọi tất cả các bên liên quan xung đột ở Ukraine tuân thủ các cam kết quốc tế; tập trung vào đối thoại để đạt được một giải pháp hòa bình, nhằm tránh leo thang quân sự có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho khu vực và thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Brazil, đã kêu gọi thúc đẩy hành động nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Ngày 21-11, tại Hà Nội, họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của báo chí về bảo hộ công dân trước tình hình leo thang xung đột nguy hiểm hiện nay tại Ukraine, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine, trừ trường hợp thật cần thiết.
Đối với công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Ukraine, cần có phương án an toàn cho bản thân, tránh xa các khu vực nguy hiểm; cần thường xuyên theo dõi sát sao các cảnh báo của nước sở tại và Bộ Ngoại giao Việt Nam để có phản ứng kịp thời; giữ liên lạc thường xuyên với hội đoàn người Việt Nam tại Ukraine; liên hệ theo số điện thoại nóng về công tác bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine trong trường hợp cần trợ giúp.
Về việc Philippines công bố Đạo luật Vùng biển và Đạo luật Đường biển đối với các quần đảo ở Biển Đông và Trung Quốc công bố tên tiêu chuẩn của 64 thực thể ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, điều này là phù hợp với luật pháp quốc tế.