Các nước phản ứng trái chiều với chính sách thuế của Tổng thống Trump

Chiều 2/4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và mức thuế quan đối xứng cao hơn đối với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ. Một động thái dường như được nhiều nhà kinh tế đánh giá là 'hiện thực' hơn nữa một cuộc chiến thương mại trên toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp mức thuế đối ứng mới tại Nhà Trắng, ngày 2/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp mức thuế đối ứng mới tại Nhà Trắng, ngày 2/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thông báo, Mỹ sẽ áp thuế với nhiều nền kinh tế hàng đầu trên thế giới gồm có: mức thuế 34% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (cộng với mức 20% trước đó là 54%), 20% đối với Liên minh châu Âu (EU), 25% đối với Hàn Quốc, 24% đối với Nhật Bản, 32% đối với Đài Loan.

Tại Đông Nam Á, bị Mỹ áp thuế cao nhất là Campuchia với mức 49%, tiếp đó là Lào 48%, Việt Nam 46%, Myanmar 44%, Thái Lan 36%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Philippines 17% và Singapore 10%.

Nhà Trắng cùng ngày xác nhận “mức thuế 10% sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 00h01 ngày 5/4 (11h01 cùng ngày theo giờ Hà Nội), trong khi những mức thuế cao hơn đối với các đối tác khác nhau sẽ bắt đầu từ có hiệu lực từ 00h01 ngày 9/4 (11h01 cùng ngày theo giờ Hà Nội)”.

Nhận định của các chuyên gia Mỹ và WTO về thuế quan đối xứng

Dư luận báo chí Mỹ cho rằng thuế quan dự kiến sẽ gây thiệt hại cho nhiều công ty có sản phẩm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu do họ có thể buộc phải tăng giá hoặc chịu biên lợi nhuận mỏng hơn.

Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế nhận định quá trình thực hiện thuế đối ứng sẽ rất phức tạp về mặt hành chính, do có hàng chục nghìn mã thuế quy định mức thuế suất cho nhiều loại sản phẩm khác nhau. Việc thiết lập thuế quan đối ứng cho toàn bộ danh mục sản phẩm với từng đối tác thương mại là hoàn toàn không khả thi với năng lực hành chính của Mỹ.

Một số chuyên gia khác cho rằng mục tiêu thực sự của chính sách này không hẳn là buộc các công ty chuyển sản xuất về Mỹ hay tạo thêm nguồn thu cho chính phủ, mà chủ yếu nhằm gây sức ép buộc các nước khác ký kết các thỏa thuận thương mại có lợi cho chính quyền Tổng thống Trump.

Nhiều nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối việc áp thuế quan của Tổng thống Trump. Ngày 3/4, hai Thượng nghị sĩ cấp cao trong Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ gồm của đảng Cộng hòa Chuck Grassley và của đảng Dân chủ Maria Cantwell đã cùng đề xuất một dự luật nhằm hạn chế quyền hạn của Tổng thống Donald Trump trong việc áp đặt thuế quan. Theo dự luật này, mọi khoản thuế mới do tổng thống đề xuất sẽ phải được Quốc hội phê duyệt trong vòng 60 ngày.

Trong ngày 3/4, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng kế hoạch thuế quan mới được Mỹ công bố có thể khiến tổng khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu giảm khoảng 1% trong năm nay.

Trong thông báo, Tổng giám đốc WTO cảnh báo các biện pháp về thuế mới của Mỹ sẽ "có tác động đáng kể đến triển vọng tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu". Bà cho biết động thái mới của chính quyền Mỹ có khả năng tác động làm giảm gần 4 điểm phần trăm tăng trưởng so với dự báo trước đó của WTO. Do đó, WTO kêu gọi các thành viên của tổ chức này quản lý những căng thẳng phát sinh từ các biện pháp của Mỹ một cách có trách nhiệm, tránh khả năng leo thang thành một cuộc chiến thuế quan với một chu kỳ các biện pháp trả đũa dẫn đến sự suy giảm hơn nữa trong thương mại.

Phản ứng của các nước theo đường lối “cứng rắn” với thuế quan của Mỹ

Quốc gia đưa ra động thái phản ứng mạnh mẽ nhất dường như là Trung Quốc. Đáp trả động thái của Washington, ngày 4/4, Ủy ban Thuế quan của Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, ngoài mức thuế hiện hành. Chính sách này sẽ có hiệu lực từ ngày 10/4, được xem là phản ứng trực tiếp trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 đã thông báo áp mức thuế đối ứng 34% đối với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt khác như kiểm soát nhập khẩu, điều tra chống bán phá giá, kiểm soát xuất khẩu 7 loại đất hiếm. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đình chỉ hoạt động xuất khẩu sản phẩm của 6 công ty Mỹ vào thị trường. Ngoài các biện pháp trên, Trung Quốc còn đệ đơn kiện Mỹ lên WTO về việc áp thuế đối với hàng hóa nước này.

Ngày 3/4, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích chính sách thuế quan mới của Mỹ là "đòn giáng mạnh" đối với kinh tế toàn cầu, đồng thời tuyên bố khối này chuẩn bị đáp trả. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố EU đã sẵn sàng đáp trả động thái của Mỹ nếu các cuộc đàm phán thất bại.

"Chúng tôi đã hoàn thiện gói biện pháp đầu tiên để đáp trả thuế quan đối với thép. Chúng tôi đang chuẩn bị cho các biện pháp đối phó tiếp theo nhằm bảo vệ lợi ích và doanh nghiệp nếu các cuộc đàm phán thất bại", bà Leyen nói.

Ngày 2/4, Quốc hội Brazil đã nhất trí thông qua dự luật cho phép chính phủ nước này đưa ra các giải pháp đáp trả mức thuế quan 10% của Mỹ đối với hàng hóa nước này. Song song với động thái trên, ngay sau khi Tổng thống Trump công bố mức thuế 10% đối với hàng hóa của Brazil, Chính phủ Brazil đã ra thông cáo nêu rõ đang xem xét mọi hành động có thể để ứng phó với quyết định thuế mới của Mỹ, trong đó có cả phương án thông qua WTO nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia hợp pháp.

Đàm phán vẫn được nhiều quốc gia lựa chọn trong giải quyết thuế quan với Mỹ

Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Jonathan Reynolds ngày 2/4 ra tuyên bố khẳng định London vẫn kiên trì mục tiêu ký thỏa thuận kinh tế với Washington để có thể “giảm nhẹ” mức thuế 10% áp dụng đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Cùng ngày, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã lên tiếng chỉ trích mức thuế mới của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ EU là “sai lầm”, nhưng cảnh báo thương chiến sẽ chỉ làm phương Tây suy yếu. Bà cho biết: “Việc Mỹ công bố các mức thuế quan đối với EU là biện pháp mà tôi cho là sai lầm và không phù hợp với bất kỳ bên nào. Chúng tôi sẽ làm mọi việc có thể để đạt được thỏa thuận với Mỹ nhằm ngăn chặn một cuộc chiến thương mại chắc chắn sẽ làm phương Tây suy yếu theo hướng có lợi cho các bên tham gia khác trên toàn cầu”.

Từ Sydney, Thủ tướng Anthony Albanese lên tiếng khẳng định chính sách thuế quan thương mại của Tổng thống Mỹ đối với đồng minh thân cận Australia là “hoàn toàn không có cơ sở”, không phải là “hành động của một người bạn” và sẽ thay đổi nhận thức về mối quan hệ song phương. Tuy vậy, ông Albanese khẳng định Australia sẽ không áp thuế trả đũa đối với Mỹ.

Ngày 3/4, Hội đồng Liên bang thông báo Thụy Sĩ quyết định không áp dụng các biện pháp đối phó ngay lập tức đối với mức thuế quan cao của Mỹ đối với hàng hóa nước này. Theo thông báo, việc gia tăng căng thẳng thương mại không có lợi cho Thụy Sĩ. Hội đồng Liên bang lo ngại rằng các biện pháp đối phó từ phía Thụy Sĩ sẽ liên quan đến chi phí cho nền kinh tế nước này, đặc biệt, hàng nhập khẩu từ Mỹ sẽ trở nên đắt đỏ hơn.

Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru cho biết: “Nhật Bản quan ngại nghiêm trọng về sự nhất quán giữa các biện pháp thương của Mỹ với các quy định của WTO và Hiệp định thương mại Nhật - Mỹ”. Tuy nhiên, ông Ishiba cũng cho biết. "Tôi sẽ không ngần ngại thảo luận trực tiếp với Tổng thống Trump để thúc đẩy đàm phán với Mỹ vào thời điểm thích hợp nhất, theo cách thích hợp nhất".

Tại Hàn Quốc, quyền Tổng thống Han Duck-soo ngày 3/4 đã yêu cầu triển khai các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok đã tổ chức cuộc họp khẩn với các bên liên quan và nói rõ: "Chúng tôi sẽ dồn mọi sức lực vào các cuộc đàm phán với Mỹ để giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế Hàn Quốc, dựa trên các phân tích cẩn trọng về chính sách thuế quan của Mỹ”.

Bên cạnh đó, kể cả với các quốc gia đưa ra những đòn trả đũa hoặc tuyên bố mạnh mẽ cũng để ngỏ khả năng tiến hành đàm phán để giải quyết vấn đề thuế quan với Mỹ.

Trong ngày 4/4, Bộ Thương mại Trung Quốc vẫn khẳng định rằng chiến tranh thương mại không có bên thắng cuộc và chủ nghĩa bảo hộ không phải là giải pháp. Bộ này kêu gọi Mỹ ngay lập tức dỡ bỏ các biện pháp thuế quan đơn phương và giải quyết bất đồng thông qua đối thoại bình đẳng. Chính phủ Brazil cũng bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Mỹ và nhấn mạnh việc áp thuế đối ứng của Nhà Trắng không phản ánh thực tế quan hệ thương mại giữa hai nước.

Phản ứng của các quốc gia Đông Nam Á trước chính sách thuế quan mới của Mỹ

Trong thông điệp đưa ra vào ngày 4/4 gửi tới Tổng thống Trump, Thủ tướng Campuchia Hun Manet nêu rõ nước này đề xuất đàm phán với chính quyền Mỹ vào thời điểm sớm nhất và mong muốn đề nghị Washington xem xét hoãn việc thực hiện mức thuế quan nêu trên.

Ông nhấn mạnh mức thuế quan tối đa hiện tại của Campuchia áp với hàng hóa Mỹ là 35%. Để thể hiện thiện chí của Campuchia và với tinh thần muốn tăng cường quan hệ thương mại song phương, Phnom Penh cam kết thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm tại Mỹ bằng cách giảm ngay lập tức 19 loại sản phẩm từ mức thuế ràng buộc tối đa 35% xuống mức thuế áp dụng 5%.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho biết chính phủ nước này sẽ đàm phán với Mỹ về vấn đề thuế quan. Phát biểu trước báo giới, bà Paetongtarn khẳng định: “Chúng tôi đã chuẩn bị một số bước… Tôi nghĩ chúng ta vẫn có thể đàm phán”. Thủ tướng Thái Lan cho biết chính phủ nước này đã có một kế hoạch vững chắc nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay sẽ không bị ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Về phía Malaysia, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp (MITI) nước này cho biết đang thực thi các biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động đối với hàng hóa xuất khẩu, đồng thời sẽ không áp thuế trả đũa, tiếp tục hợp tác với các cơ quan chức năng của Mỹ về quan hệ thương mại công bằng. Bộ trên nhấn mạnh việc áp dụng chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra thách thức đáng kể đối với động lực thương mại toàn cầu. Malaysia tin tưởng vào sự tham gia mang tính xây dựng đối với các mối quan hệ kinh tế cùng có lợi.

Ngày 3/4, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Singapore, ông Gan Kim Yong cũng bày tỏ "thất vọng" khi bị Mỹ áp thuế 10%. Theo Bộ trưởng Yong, Singapore có thể thực hiện các biện pháp đáp trả theo FTA có hiệu lực từ năm 2004, nhưng đã chọn không làm như vậy. Ông nói: "Trả đũa thuế sẽ chỉ làm tăng thêm chi phí nhập khẩu của chúng tôi." Ông cũng cho biết Singapore sẽ cố gắng tiếp cận Mỹ để hiểu các vấn đề mà Tổng thống Trump quan tâm và xem liệu có thể giải quyết được hay không.

Việt Nam sẵn sàng đàm phán vì lợi ích của hai bên

Tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Trump về quan hệ hai nước. Tổng Bí thư đánh giá cao cuộc trao đổi, trong đó hai nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Về quan hệ thương mại song phương, hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy việc giao thương, trong đó Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, đồng thời đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ cùng trao đổi để sớm ký một thỏa thuận song phương giữa hai nước để cụ thể hóa những cam kết trên.

Trong một tuyên bố gần như được đưa ra ngay sau cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Trump đã đăng tải một bài viết trên mạng xã hội Truth Social, trong đó nhấn mạnh ông vừa “có một cuộc điện đàm rất hiệu quả” với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm.

Tổng thống Trump viết: “Tôi vừa có một cuộc điện đàm rất hiệu quả với ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông ấy nói với tôi rằng Việt Nam muốn giảm thuế quan xuống MỨC 0 nếu có thể đạt được một thỏa thuận với Hoa Kỳ. Tôi đã thay mặt đất nước chúng ta, gửi lời cảm ơn đến ông ấy và nói rằng tôi mong được gặp trực tiếp trong thời gian tới”.

Tuy tuyên bố tiến hành áp thuế đối xứng với hàng chục quốc gia trên toàn cầu nhưng Tổng thống Mỹ Trump cũng đã đưa ra những động thái để ngỏ khả năng đàm phán. Khi được phỏng vấn trên chuyên cơ Không lực Một về khả năng sẵn sàng giải quyết với những quốc gia gọi điện cho ông không, ông Trump trả lời: "Tùy thuộc vào từng quốc gia. Nếu ai đó nói rằng sẽ cung cấp cho chúng ta một thứ gì đó phi thường, miễn là họ cung cấp cho chúng ta thứ gì đó, thì sẽ rất tốt".

Bình Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cac-nuoc-phan-ung-trai-chieu-voi-chinh-sach-thue-cua-tong-thong-trump-20250405100107405.htm