Các nước Tây Âu cải tổ quân đội

Các quốc gia thành viên NATO đang theo dõi mọi diễn biến của cuộc chạy đua giành ghế Tổng thống Mỹ. Cựu Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sắp tới. Ông Trump tuyên bố nếu thắng cử, ông sẽ cắt giảm đóng góp của Mỹ vào NATO, đồng thời tiến hành đàm phán với Moscow.

Tuyên bố này khiến các nước Tây Âu không khỏi lo lắng. Nhiều quan chức Châu Âu tin rằng đã đến lúc họ phải giảm sự phụ thuộc quân sự vào Mỹ. Câu hỏi đặt ra là: “Liệu Tây Âu có tự bảo vệ được mình?”

Khó khăn đủ đường

Cuộc chiến Ukraine là một “hồi chuông cảnh báo” đối với các nước Tây Âu. Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen cảnh báo rằng khối NATO và Nga sẽ đối đầu trực diện trong vòng 3 đến 5 năm tới. Trong khi đó thì khả năng ông Donald Trump thắng cử tổng thống và “bỏ rơi” các nước đồng minh truyền thống của Mỹ là hoàn toàn có thể. Chính phủ các nước thành viên NATO tin rằng chỉ có cách cải tổ quân đội và giảm phụ thuộc quốc phòng vào Washington thì mới bảo vệ được nền hòa bình của họ.

Mỗi quốc gia tham gia NATO đều tìm cách ỷ lại những nước thành viên khác và chỉ mong rằng nếu có chuyện gì xảy ra thì quân đội Mỹ sẽ “giải cứu” họ. Không nói đâu xa mà h

Binh lính Ukraine được huấn luyện bởi sỹ quan Na Uy ở Trondheim, Na Uy.

Binh lính Ukraine được huấn luyện bởi sỹ quan Na Uy ở Trondheim, Na Uy.

ãy nhìn ngay vào 18 tiểu đoàn EU. Khối EU thành lập 18 tiểu đoàn trên vào năm 2005 theo mô hình lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Mỗi nước thành viên EU và một số quốc gia đồng minh khác như Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cung cấp một tiểu đoàn cùng khí tài để họ làm việc gìn giữ hòa bình, cứu trợ nhân đạo... Tuy nhiên, năm nào các nước tham gia chương trình cũng “lời qua tiếng lại” về việc đóng góp, phân bổ trách nhiệm, phân cấp chỉ huy, v.v... Binh sỹ được triển khai thì liên tục phàn nàn tình trạng thiếu trang thiết bị, không có mục tiêu – nhiệm vụ rõ ràng, không được tập huấn chung. Khối EU đang bàn tính khả năng thành lập thêm một lực lượng đặc nhiệm nội khối nữa với khoảng 5.000 quân, nhưng dự báo quá trình đàm phán giữa các nước thành viên sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa.

Trở ngại lớn hơn đối với các nước châu Âu là từ hơn 20 năm trở lại đây, họ đều thu hẹp lại quy mô quân đội. Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, số quân nhân trên toàn khối EU đã giảm còn 2/3. Nước Pháp có quân đội lớn nhất trong khối EU, nhưng quân số của họ cũng chỉ bằng 1/6 so với quân đội Mỹ. Trong trường hợp quân đội Mỹ rút khỏi Tây Âu, sự lựa chọn duy nhất của các quốc gia châu Âu là tăng quân số để tự bảo vệ mình. Vấn đề nằm ở chỗ các quân đội châu Âu đều đang trải qua cuộc khủng hoảng tuyển quân. Đa số các nước thành viên NATO (ngoại trừ Estonia, Phần Lan, Lithuania và Na Uy) không có chính sách nghĩa vụ quân sự mà chỉ tuyển 100% lính chuyên nghiệp. Thời nay nghề binh nghiệp không còn quá hấp dẫn đối với người trẻ nữa, mà người dân châu Âu cũng đặt ít niềm tin vào quân đội của họ hơn.

Một vấn đề khác là quân đội càng hiện đại, càng được triển khai tham gia các nhiệm vụ quốc tế thì binh lính càng gặp nhiều stress, càng nhiều khả năng giải ngũ. Chỉ trong năm 2023 đã có đến 1.537 quân nhân Đức giải ngũ, khiến quân đội nước này giảm xuống còn 181.514 binh lính. Các quốc gia châu Âu đang tìm đủ mọi cách để tăng quân số. Thụy Điển mới đây đã khôi phục lại chính sách nghĩa vụ quân sự, trong khi Latvia và Croatia cũng đang tính làm việc đó. Riêng Đan Mạch hiện thực hiện nghĩa vụ quân sự với cả phụ nữ.

Một quan chức quốc phòng Ba Lan giấu tên cho biết: “Chính phủ đang tìm cách tăng quân số thường trực lên 250.000 người và dân quân lên 50.000. Tỷ lệ thất nghiệp của Ba Lan đã lên tới mức 2%, nhưng điều đó không có nghĩa là số người nhập ngũ sẽ tăng. Không ít doanh nghiệp đang rất thiếu người lao động, trong đó có nhiều công ty sẵn sàng cho lao động làm việc tại nhà. Thật khó để quân đội cạnh tranh được với khối tư nhân”.

Warsaw tuyên bố hồi đầu năm nay là sẽ tăng lương cơ bản cho binh sỹ thêm 20%. Lương thưởng đóng vai trò lớn trong việc thu hút người nhập ngũ, nhưng để giữ họ ở lại quân đội thì còn phải cần chính sách an sinh xã hội tốt. Bộ trưởng các lực lượng vũ trang Pháp Sébastien Lecornu mới đây đã ký sắc lệnh xây thêm nhà ở và nhà trẻ tại các doanh trại quân đội Pháp. Ông Lecornu tuyên bố: “Chúng ta có thể bàn cãi đủ đường về chuyện mua sắm trang thiết bị, nhưng thiếu những con người chuyên nghiệp để vận hành khí tài thì vũ khí hiện đại cũng trở thành vô dụng”.

Vấn đề khí tài

Năm 2014, các nước thành viên NATO ký kết biên bản ghi nhớ rằng mỗi năm họ sẽ chi ra ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Mười năm sau, chỉ có đúng 10 nước thành viên NATO đạt được chỉ tiêu này, 18 quốc gia còn lại đều không đạt ngưỡng 2%. Điều lạ hơn là không phải cứ nước lớn thì đạt chỉ tiêu. Ví dụ như Latvia nhỏ bé mà chi ra đến 2,4% GDP cho quốc phòng trong năm 2023, và còn có ý định tăng lên 3% từ nay cho đến năm 2027.

Đặt sang một bên vấn đề ai chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng, khó khăn lớn mà NATO đang phải đối mặt là mỗi quốc gia lại sử dụng trang thiết bị khác nhau. Chuẩn đô đốc Rob Bauer (hải quân Hà Lan), Chủ tịch hội đồng quân sự NATO, nhận xét: “Quân đội Mỹ có khoảng 36 loại khí tài hạng nặng như xe tăng, máy bay, tàu chiến,... khác nhau. Quân đội các nước châu Âu tổng cộng dùng đến 178 loại khí tài khác nhau. Quân đội các nước thành viên NATO khó mà hợp đồng tác chiến với nhau được vì trang thiết bị quá khác nhau. Ngay cả thứ đạn pháo xe tăng cỡ 155mm mà mỗi nước lại một kiểu, thế là xe tăng nước này không bắn được đạn pháo nước kia”.

Quân đội Đức đang gặp khủng hoảng thiếu quân số.

Quân đội Đức đang gặp khủng hoảng thiếu quân số.

Ngay cả việc liên lạc giữa các quân đội đồng minh NATO cũng không khỏi gặp khó. Không những thiết bị radio của mỗi lực lượng khác nhau, mà bộ tiêu chuẩn thông tin vô tuyến cũng khác. NATO buộc phải lấy một bộ tiêu chuẩn cũ làm thước đo chung nhằm đảm bảo thông suốt liên lạc, nhưng điều này lại khiến tín hiệu radio dễ bị đánh chặn. Cơ quan nghiên cứu của không quân Mỹ đang phát triển một loại radio mới vừa đảm bảo được an toàn thông tin, vừa giữ cho liên lạc giữa quân đội các nước NATO trở nên thông suốt. Tuy nhiên quá trình phát triển loại radio mới sẽ mất nhiều năm và chưa chắc liệu quốc gia nào cũng có đủ ngân sách để mua – một bộ radio quân sự có thể đắt từ hai đến ba lần so với radio dân sự.

Đằng sau sự bất cập về khí tài là chính sách bảo hộ công nghiệp của các nước Châu Âu. Chính phủ nào cũng ưu tiên chi ngân sách cho các tập đoàn sản xuất vũ khí trong nước thay vì hợp tác chung với những quốc gia khác. Với những quốc gia không đủ khả năng tự nghiên cứu, phát triển vũ khí, họ lại mua trang thiết bị khí tài từ rất nhiều đối tác khác nhau. Như quân đội Ba Lan hiện đang sở hữu xe tăng Đức, trực thăng Mỹ, pháo cao xạ Hàn Quốc, tên lửa Đức, tàu khinh hạm Anh,... Pháp và Đức, hai quốc gia có ngành công nghiệp quốc phòng phát triển nhất Tây Âu, đang thúc đẩy các chính sách nhằm khiến những nước thành viên NATO khác tiêu chuẩn hóa hệ thống vũ khí của họ. Có thể kể đến chương trình “Khiên Trời” được Berlin khởi xướng nhằm xây dựng mạng lưới tên lửa đánh chặn trên khắp châu Âu. Đến nay đã có 20 quốc gia khác nhau đồng ý tham gia chương trình này. Mới đây, ngày 26/4/2024, Berlin và Paris đã cùng ký vào biên bản hợp tác phát triển một loại xe tăng mới sẽ thay thế xe tăng Leclerc của Pháp và Leopard 2 của Đức.

Ngày càng có nhiều nước Tây Âu nhận ra họ phải thay đổi chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng tăng cường hợp pháp quốc tế. Đây là tiền đề để tháng 3/2024, Ủy ban châu Âu đã đề xuất thành lập một quỹ tài trợ nghiên cứu, phát triển vũ khí “Made in Europe” có sự đóng góp của tất cả các thành viên EU. Tuy vậy đề xuất này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía Hà Lan và Đan Mạch. Họ lo ngại quỹ trên sẽ cho phép Ủy ban Châu Âu thao túng các tập đoàn công nghiệp quan trọng của hai đất nước này.

Ông Gaspard Schnitzler, chuyên gia Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại của Pháp, nhận xét về đề xuất của Ủy ban Châu Âu: “Cách duy nhất để tiêu chuẩn hóa hệ thống vũ khí, trang thiết bị khí tài của châu Âu là hợp nhất các tập đoàn vũ khí với nhau lại, giống như cách mà các tập đoàn hàng không EU đã hợp nhất để thành lập Airbus. Nhưng bao giờ việc hợp nhất doanh nghiệp cũng sẽ đẩy rất nhiều người lao động vào cảnh thất nghiệp. Không chính phủ châu Âu nào muốn việc này xảy ra, nhất là khi thất nghiệp và lạm phát đang tăng mạnh như hiện nay”.

Các nước Tây Âu lúng túng trong việc lấp đầy chỗ trống mà Mỹ để lại cho thấy họ đã để mình bị suy yếu quá nhiều vì phụ thuộc vào Washington. Mặt khác họ cũng phải tự mình trả lời câu hỏi: Không có sự lãnh đạo của Mỹ, liệu các nước thành viên NATO khác có thể đặt sang một bên lợi ích riêng để hợp tác vì an ninh chung của toàn khối?

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/cac-nuoc-tay-au-cai-to-quan-doi-i735377/