Các 'ông lớn' ô tô EU đối mặt với nguy cơ chịu phạt nặng

Kể từ năm 2025, các nhà sản xuất ô tô Châu Âu có thể sẽ phải đối mặt với khoản phạt lên đến hàng triệu Euro nếu không đáp ứng được quy định mới này…

Các hãng xe hàng đầu châu Âu đang ngày càng lo lắng trước hàng loạt quy định và hình phạt nghiêm ngặt về khí thải carbon, đặc biệt là khi nhu cầu đối với xe điện liên tục giảm sút.

Chính thức kể từ năm 2025 trở đi, các nhà sản xuất ô tô hoạt động tại châu Âu sẽ phải tuân thủ một mục tiêu phát thải mới với mức giới hạn khí thải trung bình từ các xe mới bán ra phải giảm xuống còn 93,6 gram CO2 mỗi km, thấp hơn 15% so với mức 110,1 g/km năm 2021.

Mục tiêu này là một trong những nỗ lực mới nhất của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm đạt được trung hòa carbon vào năm 2025.

Nếu các công ty vượt qua mức giới hạn này, họ sẽ phải đối mặt với những khoản phạt rất lớn.

“Những khoản phạt này thực sự rất lớn. Để tính toán chi tiết, con số có thể dễ dàng lên đến hàng triệu hay hàng tỷ Euro, dựa trên số lượng xe mà họ sản xuất mỗi năm”, ông Rico Luman, nhà kinh tế cấp cao về lĩnh vực vận tải và logistics tại ngân hàng ING Hà Lan giải thích.

Theo chia sẻ của CEO Renault Luca de Meo vào tháng trước, nếu doanh số xe điện vẫn “dậm chân tại chỗ” như mức hiện tại, thì ngành công nghiệp ô tô Châu Âu sẽ phải trả tới 15 tỷ Euro (16,5 tỷ USD) tiền phạt hoặc chấp nhận từ bỏ sản xuất hơn 2,5 triệu xe.

Trong một tuyên bố mới đây, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) cho biết ngành công nghiệp đang thiếu nhiều điều kiện quan trọng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang không phát thải, trong khi đó, áp lực về việc đạt được các mục tiêu giảm CO2 vào năm 2025 cho xe ô tô và xe van đang ngày càng đè nặng lên các nhà sản xuất.

Đáp lại, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu, ông Tim McPhie trả lời trong một cuộc họp báo rằng ngành công nghiệp ô tô EU vẫn còn 15 tháng để đáp ứng các mục tiêu mới và còn quá sớm để dự đoán về quy mô các khoản phạt. "Chúng tôi thiết kế những chính sách này để ngành công nghiệp có thời gian thích ứng, để hệ sinh thái kinh tế tổng thể có thời gian thích ứng. Và tất nhiên, chúng tôi hoàn toàn nhận thấy và thông cảm với những thách thức mà các hãng xe đang phải đối mặt”, ông McPhie chia sẻ.

ACEA, nhóm lobby đại diện cho nhiều tên tuổi lớn như BMW, Ferrari, Renault, Volkswagen và Volvo, từng đưa ra cảnh báo rằng các quy định của EU không tính đến sự thay đổi sâu sắc trong tình hình địa chính trị và kinh tế trong những năm gần đây.

"Các nhà sản xuất ô tô châu Âu kêu gọi cơ quan quản lý EU đưa ra các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp trước khi mục tiêu CO2 mới cho ô tô và xe van có hiệu lực vào năm 2025”, ACEA cho biết trong một tuyên bố ngày 19/9.

Trên thực tế, phần lớn các hãng ô tô hàng đầu Châu Âu đều đang phải đối mặt với vô số thách thức trên con đường chuyển đổi sang xe điện toàn phần. Cụ thể trong đó là thiếu các mẫu xe giá cả phải chăng, việc triển khai các điểm sạc chậm hơn dự kiến và tác động tiềm tàng từ thuế quan của châu Âu đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc.

Volkswagen và một số hãng xe khác, bao gồm Mercedes-Benz Group, hầu như đều đã trì hoãn kế hoạch loại bỏ xe động cơ đốt trong (ICE) tại khu vực.

"Các nhà sản xuất hiện đang tập trung chủ yếu vào xe hybrid thông thường và xe động cơ đốt trong vì chúng mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều. Họ cần cạnh tranh với các đối thủ mới và tái cấu trúc tổ chức của mình bằng cách chuyển đổi, nhưng điều đó khó có thể mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn. Vì vậy, đây rõ ràng là một cuộc đấu tranh rất lớn”, nhà kinh tế Rico Luman của ING chỉ ra.

Thị phần xe điện chạy pin (BEV) tại Châu Âu đã giảm xuống còn 12,6% trong năm nay so với 13,9% vào năm 2023, trong khi doanh số bán xe của khối vẫn thấp hơn khoảng 18% so với mức trước đại dịch năm 2019.

“Diễn biến chậm trễ trong quá trình điện hóa vào năm 2024 là do nhu cầu suy yếu, tình hình kinh tế xấu đi trên khắp châu Âu và việc gỡ bỏ hoặc giảm các khoản trợ cấp tại một số quốc gia”, Xavier Demeulenaere, giám đốc liên kết về di động bền vững tại S&P Global Mobility nhận xét và đồng thời đề xuất biện pháp “pooling” (gộp chung) để giảm thiểu các khoản phạt tài chính.

Gộp chung (pooling) là quá trình mà các nhà sản xuất ô tô “bắt tay” với nhau để được coi như một thực thể khi tính toán hiệu suất của họ đối với mục tiêu phát thải CO2. Bởi lẽ, không phải ai cũng tin rằng thách thức doanh số mà ngành công nghiệp ô tô châu Âu đang đối mặt là một cuộc khủng hoảng toàn ngành.

Nhóm vận động chiến dịch Giao thông và Môi trường nhấn mạnh trong một phân tích mới đây rằng tình trạng hiện tại nên được coi là một "giai đoạn chuyển tiếp" mà trong đó các nhà sản xuất thích ứng với các quy định mới và động lực thị trường xe điện thay đổi. Các nhà phân tích lập luận, ngành công nghiệp ô tô châu Âu đã có từ năm 2019 để lên kế hoạch cho mục tiêu CO2 vào năm 2025 và các nhà sản xuất có thể tránh việc phải trả các khoản phạt lớn bằng cách đẩy mạnh kinh doanh xe hybrid và xe tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Khánh Ly

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/cac-ong-lon-o-to-eu-doi-mat-voi-nguy-co-chiu-phat-nang-post555046.html