Các 'ông lớn' phân phối ô tô đang đối mặt với khó khăn gì?
Quý I, các đơn vị phân phối ô tô trên thị trường phải đối mặt với hai 'gọng kìm' bóp nghẹt lợi nhuận khi nhu cầu yếu làm sụt giảm doanh thu và hầu hết các khoản chi phí hoạt động đều gia tăng, đặc biệt là chi phí lãi vay.
Theo nhận định vào đầu năm của các nhà phân tích từ SSI Research, thị trường tiêu thụ ô tô Việt Nam năm 2023 sẽ giảm tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh điều kiện kinh tế xấu đi, lượng tiêu thụ và giá bán tại các đại lý có thể không còn cao như trong năm ngoái do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Bên cạnh đó, việc mua trả góp cho một phương tiện mới sẽ đắt và khó khăn hơn. Các hỗ trợ từ Chính phủ (bao gồm giảm lệ phí trước bạ và hoãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt) cũng đã kết thúc, do mức tiêu thụ đã trở lại trước COVID-19.
Cầu suy yếu
Ba tháng đầu năm, theo dữ liệu của Hiệp hội các nhà sản suất Ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán xe cả nước đạt 70.292 chiếc, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh số xe du lịch là 52.712 chiếc, giảm 26%; xe thương mại và chuyên dụng 17.680 chiếc, giảm 8%.
Sự sụt giảm doanh số bán hàng đã khiến cho doanh thu quý I của 5 trong số 7 nhà phân phối xe ô tô trên sàn được thống kê ghi nhận tăng trưởng âm so với cùng kỳ.
Trong đó, CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico – Mã: SVC), nhà phân phối ô tô lớn nhất Việt Nam, ghi nhận doanh thu 4.792 tỷ đồng tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sự tăng trưởng về doanh thu của Savico có phần đến từ việc gia tăng số đơn vị hợp nhất vào báo cáo tài chính kể từ quý II và quý III/2022.
Doanh nghiệp này còn đẩy mạnh mảng dịch vụ nên có doanh thu lĩnh vực này tăng gần gấp đôi, đạt 636 tỷ đồng. Song, lãi ròng của công ty sụt giảm đến 95%, về còn 3 tỷ đồng, một phần do sụt lãi ở công ty liên kết giảm từ 33 tỷ đồng ở cùng kỳ về còn hơn 6 tỷ đòng.
Công ty cho biết, quý I, nguồn cung các hãng ô tô dồi dào tuy nhiên sức mua chậm do ảnh hưởng chung từ sự sụt giảm của toàn thị trường, làm gia tăng giá trị hàng tồn kho; mặt khác các chi phí duy trì hoạt động tăng và chi phí lãi vay cao đã làm giảm lợi nhuận.
Còn với đại lý phân phối xe Mercedes-Benz hàng đầu Việt Nam, CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco – Mã: HAX) ghi nhận doanh thu sụt giảm hơn 40%, xuống còn 993 tỷ đồng. Lãi ròng cũng “bốc hơi” 94%, về mức 3 tỷ đồng bởi chi phí tăng cao.
Chung nhận định với Savico, doanh nghiệp này cho rằng thị trường ô tô Việt Nam trong quý I vẫn đang bị ảnh hưởng bởi lãi vay cao và nền kinh tế khó khăn dẫn đến nhu cầu về xe ô tô phân khúc cao cấp suy giảm so với cùng kỳ.
Trong khi đó, CTCP City Auto (Mã: CTF), đại lý ủy quyền của Ford Việt Nam thì ghi nhận doanh thu tăng trưởng ấn tượng với mức 67%, đạt 1.627 tỷ đồng nhờ các phiên bản mới của Ford Ranger.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn kéo biên lợi nhuận gộp về còn 6,1% so với 8,4% của quý I/2022 và các chi phí hoạt động cũng gia tăng khiến lãi ròng giảm 21%, còn gần 11 tỷ đồng.
Theo thống kê của VAMA, ba tháng đầu năm, có 8.668 chiếc xe thương hiệu Ford được bán ra thị trường Việt Nam, gấp 2,6 lần cùng kỳ. Đây cũng là thương hiệu đứng thứ hai về mức tăng trưởng doanh số, nhưng dẫn đầu về lượng tiêu tiêu thụ trong quý đầu năm (quý I có 4 thương hiệu tăng trưởng doanh số dương, đẫn đầu mức tăng trưởng là Daewoo Bus, doanh số 23 chiếc, gấp 3,3 lần cùng kỳ).
Đối với các công ty phân phối xe thương mại và xe chuyên dụng, Tổng Công ty máy Động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM - Mã: VEA) có doanh thu 1.010 tỷ đồng, giảm 11%, mức giảm thấp hơn các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực. Biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ, giúp cho lãi ròng chỉ giảm hơn 7%, còn 1.359 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, hầu như lợi nhuận của doanh nghiệp này không đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính mà đến từ các công ty liên kết. Hiện nay, VEAM đang sở hữu 30% vốn của Honda Việt Nam, 20% vốn của Toyota Việt Nam, 25% vốn của Ford Việt Nam và thường thu về khoảng 4.500 – 7.000 tỷ đồng mỗi năm từ các doanh nghiệp liên kết.
Trong khi đó, CTCP Ô tô TMT (TMT Motors – Mã: TMT) có doanh thu 701 tỷ đồng, giảm 30% nhưng lãi ròng giảm đến 92%, xuống còn 2 tỷ đồng do chi phí lãi vay tăng cao (39 tỷ đồng, tăng 42%).
Công ty cho biết nhu cầu thị trường trong quý I suy giảm, khách hàng khó tiếp cận vốn tín dụng. Đồng thời, doanh nghiệp đã thực hiện các chính sách giảm giá để bán hàng từ đó làm giảm lợi nhuận gộp.
CTPC Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (Mã: HTL) thì có doanh thu giảm 62%, xuống mức 103 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết trong quý I phải đối mặt với loạt khó khăn gồm tác động của suy thoái toàn cầu và xung đột địa chính trị ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, các dự án đầu tư mua sắm trong năm 2023 hầu hết tạm dừng để đánh giá rủi ro.
Bên cạnh đó, việc gián đoạn nguồn cung một số dòng xe Euro 4 từ phía Hino Motors Việt Nam làm ảnh hưởng đến kinh doanh của công ty.
Lãi ròng công ty đạt hơn 2 tỷ đồng (giảm 35% so với cùng kỳ) nhờ có khoản hỗ trợ từ nhà máy Hino Việt Nam 1,5 tỷ đồng.
Chi phí tăng cao ăn mòn lợi nhuận
Bên cạnh sụt giảm doanh số, lợi nhuận của các đơn vị phân phối xe du lịch còn phải chịu áp lực về gia tăng chi phí hoạt động khi cả ba công ty có chi phí bán hàng - quản lý doanh nghiệp tăng trung bình khoảng 20% so với cùng kỳ.
Savico ghi nhận các khoản chi phí này ở mức 292 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ và chiếm đến 91% lãi gộp của doanh nghiệp. Tương tự, City Auto và Haxaco cũng có khoản chi phí này chiếm tỷ lệ cao so với lãi gộp ở quý I lần lượt là 91% và 77%.
Trong khi đó, các nhà phân phối xe thương mại và chuyên dụng (trừ VEAM) có chi phí bán hàng - quản lý doanh nghiệp không quá lớn và cho thấy sự sụt giảm nhẹ về mặt số tuyệt đối so với cùng kỳ.
Ngoài ra, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp phân phối ô tô cũng đã gia tăng đáng kể trong quý I. Tính chung cả 7 doanh nghiệp được thống kê, chi phí lãi vay của quý I đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và chỉ có Hoàng Huy, Trường Long là duy trì chi phí lãi vay tương đối thấp.
Các doanh nghiệp ghi nhận chi phí lãi vay tăng mạnh cũng có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao tại cuối quý I. Như City Auto có dư nợ vay tăng 12% so với đầu năm, lên 1.473 tỷ đồng và chiếm đến 56% nguồn vốn. Điều này khiến cho phi phí lãi vay quý I gấp 3,7 lần cùng kỳ, ghi nhận gần 35 tỷ đồng.
TMT Motors có tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản ở mức 48% (nợ vay 1.344 tỷ đồng) khiến cho chi phí lãi vay tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lên 39 tỷ đồng. Chi phí lãi vay và chi phí hoạt động đã lớn hơn lợi nhuận gộp của công ty.
Savico cũng có 2.592 tỷ đồng nợ vay, chiếm 41% nguồn vốn. Qua đó, khiến chi phí lãi vay của doanh nghiệp tăng 2,5 lần so với cùng kỳ, ghi nhận 47 tỷ đồng. Các chi phí hoạt động cũng đã ăn mòn lợi nhuận của công ty và Savico chỉ có lãi nhờ khoản thu nhập khác hơn 27 tỷ đồng.
Bước sang tháng 4, theo báo cáo từ VAMA, tình hình tiêu thụ ô tô tiếp tục đà giảm. Doanh số bán hàng trên cả nước đạt 22.409 chiếc, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước. Ford tiếp tục là điểm sáng khi bán ra được 3.298 chiếc, tăng 71% so với cùng kỳ.
Lũy kế 4 tháng, doanh số bán hàng toàn thị trường giảm 30% so với cùng kỳ, đạt 92.801 sản phẩm.