Các quốc gia Đông Á đau đầu với thảm họa dân số vì xu hướng không sinh con
Nhật Bản từ lâu đã phải hứng chịu cuộc khủng hoảng dân số tồi tệ nhất. Giờ đây, Hàn Quốc đã trở thành một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, trong khi tình hình ở Trung Quốc cũng không khá hơn.
Theo tờ Korea Times, vào năm 2021, trung bình một phụ nữ Hàn Quốc sinh ra 0,81 đứa trẻ, mức thấp nhất kể từ khi Cơ quan Thống kê Hàn Quốc bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 1970.
Trung Quốc không công bố tỷ lệ sinh chính thức vào năm 2021. Song theo ước tính từ một nhóm các nhà nhân khẩu học - bao gồm Liang Jianzhang, Ren Zeping và He Yafu – con số này là 1,15, giảm đáng kể so với mức 1,3 một năm trước đó.
Theo giới chuyên gia, tỷ lệ sinh thấp ở các quốc gia phát triển bắt nguồn từ nhiều yếu tố, như mức sống, chất lượng giáo dục và quá trình đô thị hóa. Trong khi đó, tỷ lệ sinh ở các nước chưa phát triển thường có xu hướng cao hơn, do các gia đình muốn có thêm lao động để kiếm tiền, cũng như có người phụng dưỡng cha mẹ lúc già yếu.
Tỷ lệ sinh thấp làm gia tăng tốc độ già hóa dân sôớ̉ Hàn Quốc
Dân số đang già hóa nhanh chóng do người dân Hàn Quốc không muốn sinh con, trong khi đó, tuổi thọ đang tăng lên đang khiến nền kinh tế nước này rơi vào tình thế nguy cấp. Hàn Quốc đã trở thành xã hội già vào năm 2017, với trên 14% người dân trên 65 tuổi. Con số này được dự đoán sẽ đạt 37% vào năm 2045, đưa Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia có dân số già nhất trên thế giới.
Dù đã cải thiện hệ thống việc làm ưu tiên cho việc chăm sóc trẻ em và nam giới ngày càng tham gia nhiều hơn vào công việc gia đình, nhưng vấn đề này vẫn được coi là chặng đường gian nan ở phía trước. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế Hàn Quốc, khi dân số già hóa và suy giảm là dấu hiệu cho thấy lực lượng lao động thu hẹp dần và nhu cầu nội địa giảm.
“Chồng tôi nói rằng có con sẽ hạn chế lựa chọn trong cuộc sống. Không chắc liệu con tôi sẽ có một tương lai hạnh phúc hay không khi môi trường tự nhiên và xã hội đang ngày càng tồi tệ, còn tôi cũng khó tiếp tục công việc khi vướng bận con cái”, nhà thiết kế nội thất 34 tuổi người Hàn Quốc Han Jia cho biết.
Các nước láng giềng cũng trong tình trạng tương tự
Tại Nhật Bản, mối lo về tỷ lệ sinh của nước này bắt đầu xuất hiện vào cuối những năm 1980. Tỷ lệ này đã chạm mức thấp nhất là 1,26 vào năm 2005, phục hồi nhẹ lên 1,45 vào năm 2015, nhưng đã giảm liên tục 6 năm qua, xuống mức 1,3 vào năm ngoái.
Nhật Bản đã ghi nhận 811.604 ca sinh vào năm 2021, mức thấp kỷ lục kể từ năm 1899. Trong khi đó, số ca tử vong tăng lên trên 1,4 triệu ca, khiến tổng dân số giảm từ 628.205 người xuống còn 125 triệu người.
Trung Quốc hiện đang đối mặt với vấn đề tương tự, khi tỷ lệ sinh của quốc gia đông dân nhất thế giới giảm năm thứ 5 liên tiếp, xuống mức thấp kỷ lục 7,52 ca sinh/ 1.000 người vào năm 2021, từ con số 8,52 vào năm 2020. Nước này cũng là một trong những quốc gia có dân số già hóa nhanh nhất thế giới. Giới phân tích dự đoán năng suất từ lực lượng lao động đông đảo của Trung Quốc cũng sẽ giảm mạnh.
Felizia Yao, 27 tuổi, phụ nữ độc thân tại Thượng Hải, cho biết: “Sinh con không phải là điều bắt buộc trong cuộc sống của tôi. Tôi cũng chưa sẵn sàng vì nuôi dạy con cái là một thử thách phức tạp và tốn kém. Với tình hình tài chính hiện tại của tôi, gánh nặng nuôi con đồng nghĩa với việc phải hy sinh chất lượng cuộc sống của bản thân. Vì vậy, hiện tại, tôi không có lý do gì để sinh con”.
Sự tương đồng về văn hóa - xã hội khiến tỷ lệ sinh thấp hơn
Theo nhà nhân khẩu học độc lập He Yafu, phụ nữ ở Đông Á có thể ít muốn sinh con hơn vì họ thường là người chịu trách nhiệm chính chăm sóc con nhỏ, điều này ảnh hưởng lớn, thậm chí gây bất lợi về sự nghiệp của họ.
Ông nói: “Trong văn hóa Đông Á, sau khi sinh con, phụ nữ phải cống hiến và hy sinh nhiều hơn, trong khi nam giới ít tham gia vào việc chăm sóc con cái hơn. Phụ nữ đã kết hôn và sinh con dễ bị phân biệt đối xử trong thị trường việc làm. Nhiều phụ nữ buộc phải lựa chọn sinh ít hoặc không có con để thăng tiến trong sự nghiệp”.
Lee Sang-lim, nhà nghiên cứu tại Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, cho biết phụ nữ trong khu vực hiện đã nhận thức rõ hơn về bất bình đẳng giới, nhưng hệ thống xã hội vẫn chưa tạo điều kiện cho việc chăm sóc trẻ em, khiến phụ nữ ngày càng không muốn kết hôn và sinh con.
“Rất khó để duy trì sự nghiệp khi có con. Phụ nữ được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy con cái, song nơi tôi làm việc cũng kỳ vọng phụ nữ sẽ mang lại hiệu quả tương tự trong công việc”,Kim, bác sĩ 39 tuổi, có con gái ba tuổi ở Seoul, Hàn Quốc, chia sẻ.
Bên cạnh đó, chi phí nuôi dạy con cái ở Trung Quốc và Hàn Quốc cũng rất cao. Các bậc cha mẹ trung lưu đang có xu hướng đầu tư cho con cái được giáo dục trong môi trường tư nhân đắt đỏ. Đây cũng là yếu tố chung khiến người dân trong khu vực cân nhắc việc sinh con.
Ông Yuan Xin - Phó chủ tịch Hiệp hội Dân số Trung Quốc, giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Nam Đài ở Thiên Tân - cho biết: “Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ, dù là chi phí trực tiếp hay chi phí gián tiếp, đều rất cao so với các nước phát triển ở phương Tây, đặc biệt là chi phí gián tiếp, chẳng hạn chi tiền cho con học thêm”.
Hàn Quốc và Trung Quốc cũng phải đối mặt với những vấn đề cơ bản tương tự ngăn cản nhiều người sinh con, đó là thị trường việc làm khó khăn và chi phí nhà ở đắt đỏ. Nhà nghiên cứu Lee Sang-lim cho biết thêm: “Tình trạng thiếu việc làm ổn định và những khó khăn trong thị trường việc làm, giá nhà ở cao và chi phí giáo dục tư nhân đắt đỏ là nguyên nhân của tình trạng này”.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi coi trọng thành tích cá nhân và sự tự do hơn con đường truyền thống là kết hôn và sinh con. Reona Ding, một phụ nữ 33 tuổi đã kết hôn ở Trung Quốc, cho biết: “Tôi cần thời gian để đạt được mục tiêu và hoàn thiện bản thân trước khi nuôi con nhỏ”.
Giải quyết thách thức
Từ nhiều thập kỷ trước, Hàn Quốc đã công bố loạt chính sách để giải quyết những thay đổi về nhân khẩu học, trong đó chú trọng đến việc tạo điều kiện và mở rộng thời gian nghỉ thai sản, phát triển các trung tâm chăm sóc - dịch vụ chăm sóc trẻ em, trợ cấp cho việc sinh con và chăm sóc con cái. Song những giải pháp này không có hiệu quả, vì chúng không đi kèm với việc giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề cơ bản.
Trung Quốc cũng đang thực hiện các biện pháp để giải quyết tỷ lệ sinh giảm mạnh. Năm ngoái, nước này đã cho phép các gia đình sinh con thứ ba, 5 năm sau khi áp đặt chính sách một con. Các chính quyền trung ương và địa phương ở Trung Quốc cũng đang tăng cường nỗ lực khuyến khích thế hệ trẻ sinh con bằng cách mở rộng chế độ nghỉ thai sản và áp dụng các quyền lợi về thuế.
Nhưng các chuyên gia đồng tình rằng những biện pháp này cần vượt khỏi vấn đề tài chính đơn thuần, hướng tới giải quyết các nguyên nhân cơ bản.
“Để tăng tỷ lệ sinh, đầu tiên cần xóa bỏ nạn phân biệt đối xử giới tính trong thị trường việc làm, cũng như đảm bảo quyền làm việc công bằng của phụ nữ. Thứ hai là rút ngắn thời gian làm việc một cách hợp lý. Thời gian làm việc ở các nước Đông Á quá dài, ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng sinh con của người dân”, nhà nhân khẩu học He nhận định.