Các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới đang nộp thuế thay cho người bán, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc

Các sàn thương mại điện tử lớn nhất trên thế giới như: eBay, Amazon, Bestbuy... hiện nay đều đang thực hiện nghĩa vụ tính thuế doanh thu (hoặc thuế giá trị gia tăng) đối với từng đơn hàng, sau đó nộp vào ngân sách thay cho người bán trên sàn của mình.

Bộ Tài chính cho biết theo thông tin từ các website sàn giao dịch quốc tế, các bài báo quốc tế và tài liệu của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) thì các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất trên thế giới như: eBay, Amazon, Bestbuy... thông báo công khai trên website của mình thông tin về quy định tính và nộp thuế thay cho người bán.

Đơn cử như trường hợp eBay: tại mục thông tin về thuế dành cho người bán hàng, eBay thông báo rõ người bán hàng có trách nhiệm phải chịu các khoản thuế và phí bao gồm: thuế doanh thu, thuế thu nhập và thuế nhập khẩu (với người mua ở nước ngoài). Số tiền thuế từ các đơn hàng này, eBay có trách nhiệm thu hộ và nộp cho cơ quan thuế thay cho người bán.

Ngoài ra, từ năm 2018, 2019, cơ quan thuế các nước phát triển như: Anh, Mỹ, Úc, Đức đã triển khai các biện pháp để thu thuế doanh thu thông qua các sàn TMĐT.

Nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử trên thế giới thực hiện khai thay và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh.

Nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử trên thế giới thực hiện khai thay và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh.

Theo số liệu quản lý thu thuế, trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2024, kết quả tổng số thu thuế của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT có xu hướng tăng (năm 2022 là 83 nghìn tỷ đồng, năm 2023 là 97 nghìn tỷ đồng và năm 2024 là 116 nghìn tỷ đồng). Trong đó, số thu từ hộ, cá nhân kinh doanh rất thấp (năm 2022 là 183 tỷ đồng và năm 2023 là 67 tỷ đồng, năm 2024 dự kiến đạt 2,5 nghìn tỷ đồng).

Theo đó, khi người mua thực hiện mua hàng từ người bán ở nước ngoài, thì giao dịch này phải thuộc đối tượng chịu thuế ở nơi tiêu thụ (nơi người mua ở). Tuy nhiên, người bán không phải lúc nào cũng xác định được số thuế họ phải nộp cho mỗi quốc gia mà họ bán hàng tới. Các nước đã ban hành các đạo luật yêu cầu các sàn giao dịch điện tử phải có nghĩa vụ xác định nghĩa vụ thuế của người bán và thu hộ rồi nộp cho cơ quan thuế.

Tại Trung Quốc, ngoài việc thực hiện thu hộ, nộp hộ thuế cho người bán, cơ quan thuế còn yêu cầu lưu trữ các thông tin về giao dịch, thuế trong tối thiểu 3 năm.

Tại Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Tài chính, thị trường TMĐT Việt Nam ngày càng phát triển. Hoạt động TMĐT đã và đang trở thành lĩnh vực có ảnh hưởng quan trọng đến tăng trưởng kinh tế. Quy mô thị trường TMĐT các năm gần đây đã tăng trưởng mạnh (từ 16,4 tỷ USD năm 2022 lên đến 20,5 tỷ USD năm 2023 và đạt 25 tỷ USD trong năm 2024).

Tuy nhiên, tổng số thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nước và nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% quy mô doanh thu thị trường TMĐT và tỷ trọng này đang có xu hướng giảm từ 20,1% năm 2022 xuống 17,4% năm 2024.

Như vậy, có thể thấy rằng nhiều đối tượng kinh doanh chưa thực hiện việc kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật thuế đối với doanh thu từ hoạt động TMĐT.

Bộ Tài chính cũng cho biết OECD khuyến nghị các nước nên thống nhất cách thức và có chế độ quy định người tạo lập nền tảng kỹ thuật số (các sàn giao dịch điện tử) là người có trách nhiệm đầy đủ và duy nhất trong việc xác định số thuế phải nộp của các đơn hàng, thu hộ và nộp cho cơ quan thuế.

Từ cơ sở thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc xây dựng Nghị định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định tại Luật số 56/2024/QH15 là rất cần thiết.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/cac-san-thuong-mai-dien-tu-lon-tren-the-gioi-dang-nop-thue-thay-cho-nguoi-ban-viet-nam-khong-the-dung-ngoai-cuoc-1105713.html