Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Lạm phát tại Mỹ dự kiến cho thấy ít dấu hiệu hạ nhiệt vào đầu năm, trong khi tăng trưởng việc làm lành mạnh hỗ trợ nền kinh tế đã ủng hộ lập trường của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về việc giữ nguyên lãi suất hiện tại.

Phiên điều trần của chủ tịch Fed Jerome Powell

Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ điều trần trước các nhà lập pháp vào thứ Ba (11/2) và thứ Tư (12/2), trong đó ông có thể sẽ nhấn mạnh nền kinh tế phục hồi là lý do chính khiến ngân hàng trung ương không vội vàng cắt giảm thêm lãi suất.

Với nền kinh tế đang ở vị thế tốt, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cũng có thời gian để đánh giá tác động của những thay đổi chính sách của Nhà Trắng đối với thương mại, nhập cư và thuế.

Lạm phát của Mỹ

Dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) của Mỹ công bố vào thứ Tư (12/2) dự kiến sẽ tăng 0,3% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước. So với một năm trước đó, CPI cơ bản dự kiến sẽ tăng 3,1%.

Sau khi sụt giảm đáng kể vào năm 2023 và đầu năm 2024, tiến trình hướng tới giảm phát hơn nữa về cơ bản đã bị đình trệ, giống như thị trường việc làm đã tăng tốc vào cuối năm ngoái. Dữ liệu việc làm được công bố trong tuần qua cho thấy mức tăng trưởng trong tháng 1 đạt trung bình 237.000 làm việc - mức mạnh nhất trong bất kỳ giai đoạn tương tự nào kể từ đầu năm 2023.

Điều đó giúp giải thích lý do tại sao các quan chức Fed hài lòng với việc giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vừa qua sau khi cắt giảm lãi suất 100 điểm cơ bản vào năm 2024. Hơn nữa, các chính sách được đề xuất từ chính quyền Trump có nguy cơ khiến lạm phát tăng cao.

“Chủ tịch Powell đã nói rằng Fed cần thấy tiến triển thực sự về lạm phát hoặc một số điểm yếu trên thị trường lao động để xem xét điều chỉnh lãi suất. Chúng tôi cho rằng CPI của tháng 1 sẽ đưa ra bằng chứng trái chiều. Chúng tôi kỳ vọng lạm phát CPI toàn phần và CPI cơ bản đều tăng 0,3% trong tháng 1”, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.

Thuế quan của Tổng thống Donald Trump

Thuế quan của Tổng thống Trump đối với Mexico và Canada đã bị trì hoãn ít nhất một tháng, nhưng chính xác thì điều gì sẽ xảy ra với thuế quan vẫn là một vấn đề gây lo ngại trên thị trường khi các nhà đầu tư tranh luận về tác động tiềm tàng đối với lạm phát và sau đó là chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, thông báo của Tổng thống Trump rằng ông có ý định công bố thuế quan trong đầu tuần này sẽ được theo dõi về tác động tiềm tàng của chúng đối với cả nền kinh tế Mỹ và thế giới. Những bình luận này được đưa ra trong cuộc họp với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba.

Động thái này sẽ thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump là áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ bằng với mức thuế mà các đối tác thương mại áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Mỹ.

Đồng đô la tăng giá

Đồng đô la đã tăng gần 7% so với mức thấp nhất vào tháng 9 và đang ở gần mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Ngay cả khi Mỹ đã trì hoãn thuế đối với Canada và Mexico, nhu cầu trú ẩn vào đồng đô la đã tiếp tục đẩy đồng tiền này tiến lại mức mức cao nhất trong hai năm, khi được thúc đẩy bởi các chính sách kinh tế của Tổng thống Trump.

Khi đồng đô la tăng hơn 25% vào giữa năm 2014, và sau đó tăng trở lại với cùng mức tăng này từ năm 2021 đến năm 2022, các công ty S&P 500 đã trải qua một cuộc suy thoái về lợi nhuận. Mức tăng 10% của đồng đô la cùng với các cú sốc thuế quan vào đầu năm 2018 trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Trump đã góp phần gây ra một đòn giáng nữa vào lợi nhuận và khiến S&P 500 giảm gần 20% trong năm đó.

"Thực sự là sự phục hồi bất ngờ của đồng đô la gây ra thiệt hại lớn nhất cho lợi nhuận của các công ty", Howard Du, chiến lược gia tiền tệ tại Bank of America cho biết.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/cac-su-kien-va-thong-tin-nha-dau-tu-chung-khoan-khong-the-bo-qua-tuan-nay-post363046.html