Các thuốc điều trị Hội chứng Budd-Chiari

Hội chứng Budd Chiari là một rối loạn mạch máu của gan, gây ứ máu gan nên biện pháp điều trị chủ yếu là làm tan cục máu đông, giúp cải thiện lưu lượng máu trong gan...

1. Những biến chứng nguy hiểm khi bị Hội chứng Budd Chiari

Nội dung

1. Những biến chứng nguy hiểm khi bị Hội chứng Budd Chiari

2. Điều trị Hội chứng Budd-Chiari

2.1 Dùng thuốc

2.2 Thủ thuật

2.3 Phẫu thuật

3. Lưu ý khi dùng thuốc

Hội chứng Budd-Chiari đặc trưng bởi tình trạng tắc nghẽn dòng máu ở bất kỳ vị trí nào từ tĩnh mạch nhỏ trong gan đến tâm nhĩ phải. Sự tắc nghẽn này gây ra ứ máu gan có thể dẫn đến ngay lập tức làm tắc tĩnh mạch gan, do có nhiều dòng chảy vào hơn là chảy ra, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Trong đó, sự tắc nghẽn làm cho chất lỏng rò rỉ từ gan vào ổ bụng - đây là một trong những biến chứng phổ biến nhất của hội chứng Budd-Chiari. Người bệnh có thể thấy bụng phình ra và cảm thấy không thoải mái, khó thở... Nếu tắc nghẽn lan rộng và chặn các mạch máu lớn đưa máu về tim từ nửa dưới của cơ thể, có thể khiến cho nơi khác cũng bị phù, thường gặp ở mắt cá chân, chân và được gọi là phù ngoại biên.

Hội chứng Budd-Chiari nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến suy gan và tỉ lệ tử vong cao...

Hội chứng Budd-Chiari nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến suy gan và tỉ lệ tử vong cao...

Tùy mức độ, thời gian tắc tĩnh mạch gan và tĩnh mạch bàng hệ xuất hiện để giải áp cho gan. Hội chứng Budd-Chiari cấp tính có thể phát triển nhanh chóng với các triệu chứng:

Đau bụng ở phía trên bên phải của bụng người bệnh
Gan to lên do sự tích tụ của máu
Cổ trướng
Sưng chân và mắt cá chân
Chuột rút ở chân và bàn chân
Ngứa...

Hội chứng Budd-Chiari có tỉ lệ phát triển ở dạng mạn tính khá cao, khi bệnh tiến triển đến bệnh cổ trướng lâu dài và gan to. Rất hiếm khi xảy ra kịch phát, nhưng nếu xảy ra kèm theo cổ trướng, suy gan và suy thận có thể xảy ra...

2. Điều trị Hội chứng Budd-Chiari

Có nhiều lựa chọn để điều trị Hội chứng Budd Chiari và hiệu quả điều trị phụ thuộc vào giai đoạn. Do đó, điều quan trọng là bệnh cần được chẩn đoán, điều trị sớm trước khi gây tổn thương gan hoặc suy gan.

Các phương pháp điều trị thường là bằng thuốc, thủ thuật và phẫu thuật:

2.1 Dùng thuốc

Hội chứng Budd-Chiari cần được xác định sớm và sử dụng thuốc làm tan cục máu đông. Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm bệnh thường có ít triệu chứng và không rõ rệt, nên không phải trường hợp nào cũng được chẩn đoán sớm.

Thuốc chống đông như heparin được chỉ định đầu tiên, sau đó chuyển dần sang warfarin, mục tiêu giữ INR (là một loại xét nghiệm máu để đo thời gian đông máu) khoảng 3. Đây là 2 thuốc được chỉ định phổ biến và đầu tay giúp ngăn ngừa cục máu đông. Điều trị Hội chứng Budd Chiari cần phải lâu dài, do đó thuốc chống đông cũng có thể cần dùng dài hạn. Ngoài ra, thuốc warfarin cũng được chỉ định để ngăn ngừa hình thành cục máu đông trong tương lai.

Trong trường hợp đông máu cấp tính và tắc không hoàn toàn lòng mạch, có thể chỉ định thuốc tiêu sợi huyết như urokinase truyền qua tĩnh mạch đùi hoặc cổ.

2.2 Thủ thuật

Hai thủ thuật được sử dụng trong điều trị Hội chứng Budd-Chiari là:

- Phương pháp tạo đường thông cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh trong, được chỉ định cho các trường hợp chảy máu do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản mà các biện pháp nội khoa và nội soi thất bại; dự phòng chảy máu tái phát ở bệnh nhân xơ gan tăng áp lực tĩnh mạch cửa đã điều trị bằng các biện pháp nội soi không đạt hiệu quả; cổ trướng dai dẳng và Hội chứng Budd-Chiari.

- Nong tĩnh mạch gan bằng bóng hoặc đặt stent tĩnh mạch gan hoặc tĩnh mạch chủ dưới.

2.3 Phẫu thuật

Trường hợp bệnh nhân bị suy gan, phẫu thuật ghép gan sẽ được chỉ định.

Phẫu thuật ghép gan được chỉ định khi bệnh nhân bị suy gan nặng...

Phẫu thuật ghép gan được chỉ định khi bệnh nhân bị suy gan nặng...

3. Lưu ý khi dùng thuốc

Trong quá trình điều trị người bệnh cần lưu ý:

- Người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định, dùng đúng liều, đủ thời gian theo khuyến cáo và tái khám đúng hạn (nếu được bác sĩ hẹn).

- Các thuốc chống đông có thể gây chảy máu hoặc các vết bầm tím bất thường. Tác dụng phụ này có thể hết sau vài tuần sau khi ngừng sử dụng. Tuy nhiên, hãy gọi cho bác sĩ hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất nếu phát hiện những triệu chứng bất thường như:

Chảy máu không ngừng.
Buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi
Phát ban, ngứa ngáy, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng...

- Không tự ý dùng thêm các thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ, để tránh tương tác bất lợi.

- Chú ý đến ăn uống các loại thực phẩm có thể tương tác bất lợi với thuốc chống đông...

BS.Tiến Thịnh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-thuoc-dieu-tri-hoi-chung-budd-chiari-169250413124155077.htm