Các thuốc giảm cân bị cấm sử dụng
Nhiều loại thuốc chứa chất cấm đánh vào tâm lý những người mong muốn 'giảm cân thần tốc'. Tuy nhiên, chúng có thể gây tác dụng phụ như tăng huyết áp, đau tim, đột tử.
Sản phẩm lý tưởng sẽ cho phép bạn giảm cân nhanh chóng và ổn định trong khi dung nạp rất tốt, có thể áp dụng cho tất cả nhóm bệnh nhân. Không may, một phương pháp kỳ diệu như vậy vẫn chưa được bán trên thị trường.
Để phòng ngừa và điều trị béo phì hiệu quả, chúng ta cần kết hợp giữa thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường tập thể dục, hành vi và lối sống. Trong những trường hợp nhất định, liệu pháp chữa trị bằng thuốc giảm cân sẽ được bác sĩ cân nhắc để giúp bệnh nhân đạt được kết quả tốt nhất.
Cơ chế hoạt động của thuốc giảm cân
Thuốc giảm cân hoạt động theo hai nguyên tắc khác nhau:
Ngăn chặn hấp thu chất béo từ hệ tiêu hóa: Với phương pháp này, các chất béo được liên kết và ngăn chặn sự hấp thu từ thức ăn. Tuy nhiên, các chất béo tốt và không tốt đều sẽ bị ngăn cản hấp thu. Việc hấp thu chất béo lành mạnh là điều cần thiết để có một chế độ ăn uống cân bằng. Do đó, các thuốc thuộc nhóm này thường dẫn đến triệu chứng thiếu chất và suy dinh dưỡng nếu lạm dụng thời gian dài.
Ngăn chặn sự thèm ăn: Các chất thuộc nhóm này sẽ khiến bạn ít ăn hơn và do đó tự động giảm cân. Tuy nhiên, hiệu quả của hầu hết chế phẩm này vẫn chưa được chứng minh. Thành công cũng chỉ được đảm bảo nếu bạn cũng chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Bởi các bữa ăn dù ít hơn nhưng có nhiều chất béo và đường, chúng cũng không có quá nhiều tác dụng giảm cân.
Các thuốc giảm cân được phê duyệt
Chất ức chế Lipase: Orlistat là một thành phần hoạt chất từ nhóm chất ức chế lipase được sử dụng để điều trị thừa cân và béo phì (nếu BMI ≥ 28, BMI = (cân nặng )/(chiều cao x 2), trong đó, chiều cao tính bằng m và cân nặng tính bằng kg).
Nó ức chế quá trình tiêu hóa chất béo trong ruột, qua đó chất béo không được hấp thụ mà thải ra ngoài theo phân. Orlistat có thể được uống trước, trong hoặc tối đa một giờ sau bữa ăn. Bữa ăn chỉ nên chứa một lượng nhỏ chất béo, nếu không có thể xảy ra các tác dụng không mong muốn như phân có mỡ, tiêu chảy và đau bụng.
Chất chủ vận serotonin: Lorcaserin (Belviq) đã được phê duyệt ở Mỹ vào mùa hè năm 2012. Lorcaserin có tác dụng ức chế sự thèm ăn và cảm giác no bằng cách kích hoạt có chọn lọc thụ thể 5-HT2C trên các tế bào thần kinh nhất định ở vùng dưới đồi. Các thuốc chống béo phì khác như fenfluramine và dexfenfluramine cũng gắn vào thụ thể này, nhưng không có tính chọn lọc.
Các tác dụng không mong muốn có thể có của fenfluramine trên tim và mạch (bệnh van tim, tăng áp động mạch phổi) là do thụ thể 5-HT2B và 5-HT2A. Lorcaserin được chỉ định điều trị thừa cân và béo phì ở bệnh nhân có BMI ≥ 30 kg/m2 hoặc BMI ≥ 27 kg/m2 khi có ít nhất một bệnh đi kèm (ví dụ cao huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường týp 2). Ngoài ra, chế độ ăn kiêng giảm calo và tăng cường hoạt động thể chất cũng được quy định.
Chất chủ vận thụ thể GLP-1: Liraglutide (Saxenda) được phát triển là thuốc chống đái tháo đường và đã được phê duyệt vào năm 2016 để điều trị thừa cân và béo phì.
Các tác động của thuốc dựa trên sự liên kết với thụ thể GLP-1. Liraglutide có tác dụng thúc đẩy quá trình tiết insulin từ tế bào beta tuyến tụy, giảm bài tiết glucagon từ các tế bào alpha và do đó dẫn đến giảm sản lượng glucose của gan, tăng độ nhạy insulin, làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày và do đó làm giảm tốc độ glucose đi vào máu, giảm cảm giác đói và có thể góp phần giảm cân.
Semaglutide cũng đã được chấp thuận cho chỉ định này ở Mỹ vào năm 2021.
Thuốc từng được phê duyệt và bị thu hồi
Các chất ức chế tái hấp thu Serotonin và Norepinephrine có chọn lọc (SSNRI): Sibutramine (từng được bán dưới tên thương mại Reductil) có tác dụng ức chế sự thèm ăn, tăng cảm giác no và có thể làm tăng sinh nhiệt. Hiệu quả của nó đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu lâm sàng và dựa trên sự ức chế tái hấp thu norepinephrine và serotonin.
Nó đã từng được phê duyệt như một biện pháp bổ sung cho bệnh béo phì (BMI ≥ 30). Sibutramine thường dẫn đến các tác dụng không mong muốn như đánh trống ngực, tăng huyết áp, táo bón, khô miệng, giãn mạch, đau đầu và mất ngủ.
Sibutramine đã bị rút khỏi thị trường ở nhiều quốc gia vào năm 2010. Các thành phần hoạt tính khác từ nhóm SSNRI như thuốc chống trầm cảm venlafaxine (Efexor, generics) và duloxetine (Cymbalta) cũng ức chế sự thèm ăn, nhưng không được chấp thuận cho chỉ định này.
Thuốc đối kháng thụ thể cannabinoid: Rimonabant (từng được bán dưới tên thương mại Acomplia) là chất đối kháng thụ thể cannabinoid. Thuốc có tác dụng đảo ngược tác dụng của hệ thống endocannabinoid. Các tác động của thuốc phần lớn trái ngược với cần sa. Thuốc đối kháng thụ thể cannabinoid có tác dụng ức chế sự thèm ăn, chống béo phì và hạ lipid máu và được sử dụng để điều trị thừa cân và béo phì.
Các tác dụng ngoại ý thường gặp là rối loạn tâm thần như tâm trạng trầm cảm. Đại diện duy nhất của nhóm thuốc cho đến nay là rimonabant và đã bị rút khỏi thị trường ngay sau khi được giới thiệu vào năm 2008 do tỷ lệ rủi ro - lợi ích thấp.
Các loại bị cấm sử dụng
Nhiều loại thuốc khác có thể làm giảm trọng lượng cơ thể nhưng không được chấp thuận ở châu Âu cho các chỉ định thừa cân và béo phì. Tác dụng giảm cân của chúng có thể hữu ích đối với chỉ định đã được phê duyệt, ví dụ như đái tháo đường hoặc trầm cảm với đồng thời béo phì. Tuy nhiên, do các tác dụng không mong muốn, vẫn còn nghi vấn liệu chúng có nên được kê đơn để điều trị riêng bệnh béo phì hay không.
Thuốc giao cảm, amphetamine và giống amphetamine: Amphetamine, Ephedrine, Phentermine, Phenylpropanolamine, Amfepramone, Aminorex, Mazindol, Methylphendiate và những dẫn xuất khác. Chúng chủ yếu hoạt động như một chất ức chế sự thèm ăn và không còn được bán trên thị trường ở châu Âu do khả năng gây ra tác dụng không mong muốn.
Bệnh nhân thường hay lạm dụng và trở nên phụ thuộc vào thuốc. Amphetamine có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Quá liều sẽ đe dọa đến tính mạng. Các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra bao gồm huyết áp cao, bệnh tim, đau tim, đột quỵ, đột tử.
Thuốc cũng tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây lo lắng, chóng mặt, mất ngủ, hưng phấn, khó nói, run. Trầm trọng hơn, thuốc cũng gây phụ thuộc, nghiện ngập, thay đổi tính cách, rối loạn tâm thần.
Thuốc ức chế tái hấp thu Norepinephrine và Dopamine: Bupropion (Zyban, Wellbutrin) được phê duyệt để điều trị trầm cảm và cai thuốc lá. Nó làm tăng cảm giác no và có vẻ hiệu quả vừa phải trong việc giảm cân. Các tác dụng phụ phổ biến nhất có thể xảy ra bao gồm nhức đầu, khô miệng, các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn và nôn và mất ngủ.
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin: Fluoxetine (Fluctine) được kê đơn để điều trị trầm cảm và có tác dụng phụ là ức chế sự thèm ăn. Tuy nhiên, hiệu quả lâm sàng, đặc biệt là đối với việc giảm cân trong thời gian dài, vẫn còn nhiều tranh cãi.
Fenfluramine cũng là một chất tái hấp thụ serotonin. Nó được coi là rất hiệu quả, đặc biệt là khi kết hợp với phentermine ("Fen-Phen"), nhưng đã bị rút khỏi thị trường do tác dụng phụ không mong muốn (tăng áp động mạch phổi, rối loạn van tim).
Hormone tuyến giáp: Các hormone tuyến giáp levothyroxine và liothyronine đã được sử dụng làm chất hỗ trợ giảm béo từ thế kỷ 19. Chúng thúc đẩy giảm mỡ và tăng tỷ lệ trao đổi chất cơ bản tuy nhiên cũng có rất nhiều tác dụng phụ. Nếu liều quá cao hoặc tăng liều quá nhanh, có thể xảy ra các tác dụng không mong muốn như, căng thẳng, mất ngủ, tiêu chảy, run, đổ mồ hôi, đau đầu, giảm cân, đánh trống ngực và rối loạn nhịp tim.
Thuốc chống động kinh mới hơn: Topiramate (Topamax) được phê duyệt để điều trị chứng động kinh và dự phòng chứng đau nửa đầu và có tác dụng ngăn chặn sự thèm ăn. Hiệu quả của nó như một tác nhân chống béo phì đã được chứng minh nhưng bị hạn chế bởi các tác dụng không mong muốn thường xuyên xảy ra như buồn ngủ, kiệt sức, gây mê, đau đầu, chóng mặt và buồn nôn. Điều tương tự cũng áp dụng cho zonisamide (Zonegran).
Thuốc đối kháng opioid: Naltrexone (Naltrexin) ức chế việc hấp thụ các chất dinh dưỡng từ hệ tiêu hóa. Nó được phê duyệt để hỗ trợ y học trong việc điều trị cắt cơn cho những người nghiện thuốc phiện trước đây. Chán ăn là một tác dụng phụ thường gặp. Naltrexone cũng được sử dụng cho các chứng nghiện khác.
TS.DS Tạ Thanh Sơn (từng học tại Đại học Philipps Marburg; tốt nghiệp tiến sĩ tại Viện công nghệ dược sinh học, Đại học Marburg, CHLB Đức).
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-thuoc-giam-can-bi-cam-su-dung-post1318236.html