Các trường đại học đua nhau đề nghị được trở thành đại học trọng điểm quốc gia!
Theo Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Hoàng Minh Sơn, về lý thuyết, càng đưa được nhiều trường vào danh sách đại học (ĐH) trọng điểm càng tốt, nhưng thực tế nếu đưa quá nhiều, sẽ không còn 'trọng điểm nữa', đầu tư phải hiệu quả mới là đầu tư, trong đó đầu tư vào lĩnh vực trọng điểm và đầu tư để tăng cơ hội tiếp cận giáo dục ở vùng khó khăn...
*Cả nước sẽ có 5 đại học quốc gia, 20 đại học trọng điểm quốc gia
Ngày 30/11, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến góp ý về "Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050". Tại hội thảo, nhiều cơ sở GDĐH đua nhau đề nghị đưa trường mình vào quy hoạch, trở thành ĐH quốc gia, ĐH trọng điểm quốc gia.
Theo báo cáo Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ GD&ĐT, sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH theo hướng cơ bản giữ ổn định về số lượng và cơ cấu, tập trung tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô của các cơ sở GDĐH.
Đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở GDĐH và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở GDĐH đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng trong đó:
Khoảng 30 cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia, bao gồm 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng và từ 18 đến 20 cơ sở GDĐH trọng điểm ngành quốc gia;
Khoảng 100 cơ sở GDĐH đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; ít nhất 70 cơ sở GDĐH tư thục, bao gồm cả các cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia căn cứ tiềm lực và uy tín gắn với vai trò, sứ mạng trong hệ thống GDĐH.
Theo đó, các cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia đến 2030 như sau:
Có 5 ĐH quốc gia; 5 ĐH vùng và 18 - 20 cơ sở GDĐH trọng điểm ngành quốc gia. Đây là các đơn vị đầu tàu với quy mô đào tạo ĐH trên toàn quốc là 30%; thạc sĩ 60% và tiến sĩ là 80%.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là ĐH quốc gia nằm trong trung tâm của vùng kinh tế động lực, có sứ mạng dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia về phát triển nhân tài, nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu cả nước về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và một số lĩnh vực, ngành trọng điểm khác của quốc gia.
Tới năm 2030, phát triển thêm 3 đại học quốc gia trên cơ sở Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trở thành các đại học thuộc nhóm hàng đầu châu Á, có ít nhất 20 lượt lĩnh vực nằm trong tốp 1.000 thuộc các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.
*Tiêu chí nào để trở thành “đại học trọng điểm”?
Góp ý về Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) Trần Thanh Vân cho biết, về cơ bản nhất trí với nội dung và định hướng của Bộ GD-ĐT trong dự thảo Quy hoạch, đồng thời đề xuất một số vấn đề liên quan đến quy hoạch mạng lưới phát triển của Đại học vùng, trong đó có ĐH Thái Nguyên.
Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên đề nghị đưa ĐH Thái Nguyên trở thành đại học quốc gia, đại học trọng điểm quốc gia trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở những căn cứ: ĐH Thái Nguyên là Đại học vùng được thành lập theo Nghị định số 31/CP ngày 04 tháng 4 năm 1994 của Chính phủ trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các trường đại học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.
Đến nay, ĐH Thái Nguyên đã có 7/7 trường đại học thành viên đạt chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục đại học chu kỳ II, 13 chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GDĐT và 15 chương trình được công nhận đạt chuẩn chất lượng của AUN-QA. Ngoài ra, có 14 chương trình đào tạo đại học, 04 chương trình đào tạo thạc sĩ đã được đánh giá chờ công nhận (VNU-CEA).
GS.TS Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội cho rằng, cần có Chương trình quốc gia các trường ĐH trọng điểm, khi đó sẽ được bố trí nguồn ngân sách, điều này rất quan trọng vì các trường này sẽ dẫn dắt trường ĐH khác, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội. Nói về ngành Dược, theo GS Nam, đây là ngành rất quan trọng đối với xã hội, toàn quốc hiện chỉ có 1 trường ĐH dược, do đó, “trong danh sách các trường ĐH trọng điểm quốc gia, nên bổ sung Trường ĐH Dược Hà Nội”.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội Đinh Công Tuấn đề xuất, xác định thế nào là trường ĐH trọng điểm phải có tiêu chí cụ thể. Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 9 trường ĐH, 4 học viện, tuy nhiên, trong danh mục quy hoạch có 2 cơ sở đào tạo văn hóa, thể thao và du lịch vào nhóm “trường trọng điểm quốc gia” và theo ông Tuấn, sự lựa chọn 2 trường này chưa mang tính chất đại diện, bao quát.
Nếu nhìn nhận quy hoạch trường ĐH trọng điểm trong lĩnh vực văn hóa, thì theo phân cấp quản lý văn hóa có nhiều ngành khác nhau, nếu chọn 2 trường nghệ thuật đào tạo đơn ngành để trở thành "trọng điểm" thì sẽ thiếu các ngành khác như múa, xiếc, trong đó nhiều trường có bề dày truyền thống đào tạo nguồn nhân lực nghệ thuật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại quản lý cả văn hóa dân tộc thiểu số, gia đình, du lịch (du lịch là ngành mũi nhọn), quản lý di sản văn hóa, thông tin, sáng tác văn hóa. Nếu nhìn nhận trường ĐH trọng điểm trong lĩnh vực văn hóa thì khái niệm văn hóa phải được đề cập theo nghĩa rộng, góp phần xây dựng giá trị văn hóa con người, đạo đức, lối sống.
“Chúng tôi đề xuất lựa chọn xác định các cơ sở đào tạo trọng điểm về văn hóa theo tiêu chí sau: Chọn cơ sở đào tạo văn hóa thành trường trọng điểm phải theo đa ngành, phải có tiêu chí về tuyển sinh, đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo, cơ sở vật chất, kiểm định, chất lượng đào tạo, năng lực và xu hướng phát triển của nhà trường…", ông Đinh Công Tuấn nói.
Cũng đề nghị được bổ sung vào danh sách trường đại học trọng điểm còn có Trường ĐH Tây Bắc, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, Trường ĐH Mỏ địa chất... Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Hoàng Minh Sơn, về lý thuyết, càng đưa được nhiều trường vào danh sách ĐH trọng điểm càng tốt, nhưng thực tế nếu đưa quá nhiều, sẽ không còn “trọng điểm nữa”, đầu tư phải hiệu quả mới là đầu tư, trong đó đầu tư vào lĩnh vực trọng điểm và đầu tư để tăng cơ hội tiếp cận giáo dục ở vùng khó khăn. Bộ GD & ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến để hoàn thiện dự thảo quy hoạch các trường ĐH…