Cách ăn bánh trung thu an toàn, không sợ tăng đường huyết và không sợ tăng cân
Bánh trung thu nếu ăn không đúng cách có thể gây ra các vấn đề như tăng đường huyết, tăng cân, tăng huyết áp, tăng cholesterol... gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Bánh trung thu có thành phần chính là bột, đường, bơ, mỡ lợn. Vỏ của các loại bánh trung thu truyền thống cũng như các loại nhân đậu, nhân hạt sen... đều được tẩm ướp rất nhiều mỡ và đường. Chính vì vậy bánh trung thu có độ béo và ngọt rất cao.
Mặc dù là món ăn ngon, quen thuộc của nhiều gia đình nhưng cần cẩn trọng với món bánh này. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bánh trung thu truyền thống thường chứa lượng lớn đường, chất béo và muối. Mỗi chiếc 250 g có thể cung cấp 800-1.100 kcal, là món ăn có năng lượng cao.
Đặc biệt, bánh dẻo thường nhiều đường hơn bánh nướng, khi ăn rất có thể dẫn đến tăng đường huyết, ảnh hưởng đến người bệnh tiểu đường. Ngoài ra, nếu ăn bánh trung thu thường xuyên có thể gây ra các vấn đề như tăng cân, tăng huyết áp, cholesterol, không tốt cho bệnh nhân tim mạch.
Ăn bánh trung thu bao nhiêu là đủ?
Xét về thành phần dinh dưỡng, 1 chiếc bánh nướng trung thu đậu xanh nhân trứng trọng lượng 176 g sẽ cung cấp khoảng 648 calo cho cơ thể. Trong 1 chiếc bánh trung thu nhân khoai môn sẽ chứa khoảng 700calo cao hơn lượng calo trong bánh trung thu nhân đậu xanh. Trong 1 cái bánh dẻo nhân thập cẩm trọng lượng 170g sẽ cung cấp cho cơ thể 566 calo và 1 cái bánh nướng nhân thập cẩm 170g có 706 calo.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết: ở người trưởng thành trung bình sẽ cần 2000 calo/ ngày, cần 667 calo trong mỗi bữa ăn nếu ăn đủ 1 ngày 3 bữa. Và trung bình trong 1 chiếc bánh trung thu cỡ vừa sẽ có khoảng 565 calo. Nếu như bạn ăn 2 cái bánh trung thu này thì sẽ cung cấp cho cơ thể 1130 calo.
Mỗi lần chỉ ăn 1/6 đến 1/8 hoặc cùng lắm là 1/4 chiếc bánh trung thu cỡ vừa. Vì với ¼ chiếc bánh trung thu đã có hơn 200kcal, tương đương với một bữa sáng. Hơn nữa, chúng ta chỉ ăn thưởng thức khoảng 1 lần/1 tuần hoặc lâu hơn nữa, chứ không nên ngày nào cũng ăn.
Ngoài ra, nếu ăn bánh trung thu thì cần giảm lượng đồ ăn khác. Chứ không thể đã ăn bánh trung thu thoải mái, xong vẫn ăn vặt, uống trà sữa, ăn bún, ăn phở thoải mái thì năng lượng nạp vào sẽ rất nhiều.
Cách ăn bánh trung thu an toàn cho sức khỏe
Nên ăn buổi sáng, không ăn buổi tối
ThS.BS Dzoãn Thị Tường Vi (nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198) cho biết: Do chứa nhiều calo nên bánh trung thu là một lựa chọn tốt cho bữa sáng khi mọi người cần bổ sung thêm năng lượng sau một đêm ngủ ngon. Tuy nhiên, không nên ăn bánh trung thu vào buổi tối và ngay sau khi ăn no vì sẽ làm năng lượng tích tụ, dễ gây thừa cân, béo phì và tăng chorestorol trong máu.
Nên ăn 1 miếng bánh, bớt 1 bát cơm
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bánh trung thu thường chứa hàm lượng đường và tinh bột rất lớn, vì vậy, nếu ăn một nửa bánh dẻo hoặc bánh nướng thì trong ngày nên bớt khoảng 1 bát cơm và lượng thức ăn tương ứng, tăng lượng rau xanh để chất béo được đào thải ra ngoài. Cần lưu ý rằng bánh trung thu chỉ nên ăn cho vui chứ không nên ăn để no.
Nên cắt thành miếng nhỏ, ăn chậm rãi
Khi ăn bánh trung thu nên cắt từng miếng nhỏ, nên ăn chậm rãi để kiểm soát lượng đường trong máu, làm cân nặng tăng nhanh hơn.
Theo China Daily, trà xanh và trà bạc hà có thể giúp đẩy nhanh quá trình chuyển hóa đường và giảm vị ngọt, rất phù hợp với bánh trung thu.
Nên tập thể dục nhiều hơn
Bản thân một chiếc bánh trung thu chứa lượng calories cực nhiều, hơn hẳn một bữa cơm thịnh soạn. Để tránh tăng cân khi ăn bánh trung thu đó là chỉ nên ăn một lượng vừa phải và tập thể dục nhiều hơn. Những bài tập đơn giản như chạy bộ, xe đạp... giúp tiêu thụ calo sau khi nạp vào cơ thể.
6 nhóm người nên hạn chế ăn bánh trung thu
- Nếu đang uống thuốc Đông y thì không nên ăn bánh trung thu nhân đậu xanh. Lý do là đậu xanh kỵ với nhiều bài thuốc Đông y, có thể vô hiệu hóa các loại dược thảo, có khi còn gây phản ứng phụ, hậu quả khó lường.
- Người đang bị viêm thận không ăn bánh trung thu nhân mặn, vì có nhiều lạp xường, trứng muối trong đó sẽ gây hại cho thận thêm. Ăn mặn làm tuần hoàn máu tăng sẽ buộc thận phải làm việc nhiều hơn, dễ dẫn tới suy thận.
- Người có tiền sử bệnh dạ dày, tim mạch, viêm túi mật, sỏi mật, huyết áp, tim mạch, cholesterol cao… hạn chế ăn bánh trung thu, vì nguy cơ tái phát bệnh nặng hơn, hoặc ảnh hưởng tới lưu thông máu, mệt tim, nhồi máu cơ tim, chữa trị khó hơn.
- Những người hay bị dị ứng, nổi mụn, trứng cá, các bệnh về da… cần hạn chế ăn vì có thể làm tăng thêm bài tiết của tuyến bã nhờn.
- Người bị bệnh tiểu đường, tăng mỡ máu, tim mạch, huyết áp… hạn chế ăn vì có thể khiến bệnh xơ vữa động mạch tồi tệ hơn, gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
- Người béo, người muốn giảm nên tránh vì bánh có độ béo và ngọt rất cao, ăn nhiều sẽ tăng cân, béo phì nặng hơn.