Cách bảo vệ trẻ chưa được tiêm vaccine khỏi nguy cơ mắc Covid-19
Các nghiên cứu đã chỉ ra tiêm vaccine Covid-19 cho người lớn là cách gián tiếp hiệu quả nhất giúp bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ lây nhiễm nCoV.
Khi các bậc phụ huynh hỏi làm thế nào để giữ an toàn cho trẻ nhỏ chưa được tiêm vaccine trước Covid-19, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, TS Amy Edwards, cho hay điều này rất đơn giản. Theo Phó giám đốc của UH Rainbow Babies và Bệnh viện Nhi Cleveland, Mỹ, những người xung quanh cần được tiêm phòng để giảm nguy cơ lây nhiễm nCoV xuống tối thiểu.
“Nó không thể bảo vệ hoàn toàn trẻ khỏi nguy cơ mắc Covid-19, song, đây là cách tốt nhất mà chúng ta có thể làm”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Tiêm chủng làm giảm sự lây lan của nCoV
Theo CNN, từ khi Học viện Nhi khoa Mỹ bắt đầu theo dõi trẻ em mắc Covid-19, lần đầu tiên, số F0 là trẻ nhỏ của nước này đạt ngưỡng 1 triệu người vào cuối tháng 1. Con số hiện tại cao gấp 5 lần đỉnh dịch của mùa đông năm 2021. Điều đáng lo là trẻ em dưới 5 tuổi vẫn chưa đủ điều kiện tiêm chủng. Dù vậy, nhiều bằng chứng mới cho thấy cách hiệu quả để bảo vệ gián tiếp trẻ khỏi nguy cơ lây nhiễm đó là người xung quanh được tiêm chủng đầy đủ.
Theo kết quả của hai nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science ngày 27/1, thực hiện tại Israel, việc tiêm phòng cho những người trong một gia đình làm giảm sự lây truyền của nCoV.
Một nghiên cứu xem xét thời điểm từ tháng 1 đến tháng 3/2021, khi biến chủng Alpha xuất hiện rộng rãi và từ tháng 7 đến tháng 9/2021 – thời điểm Delta hoành hành ở Israel. Trong giai đoạn 1, không trẻ em nào của nước này đủ điều kiện tiêm phòng vaccine Covid-19. Đến giai đoạn 2, chỉ trẻ em từ 12 tuổi trở lên mới được chích ngừa.
Nghiên cứu đã xem xét khoảng 582.000 trẻ em chưa được tiêm chủng từ 232.000 hộ gia đình ở Israel. Kết quả cho thấy cha mẹ được tiêm vaccine Covid-19 không chỉ có ít nguy cơ bị nhiễm bệnh hơn, họ còn ít có khả năng truyền bệnh cho những người khác trong nhà hơn.
Các nhà nghiên cứu phát hiện những trẻ sống trong gia đình có cha hoặc mẹ đã được tiêm phòng có nguy cơ mắc Covid-19 thấp hơn 26%. Vaccine vẫn bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ lây nhiễm khi Delta xuất hiện. Trong gia đình có cha hoặc mẹ đã được tiêm vaccine Covid-19, nguy cơ trẻ nhiễm biến chủng Delta thấp hơn 20,8%.
Đặc biệt, những trẻ sống trong gia đình có cha mẹ đều đã tiêm chủng, nguy cơ mắc Covid-19 của trẻ giảm xuống đáng kể. Tỷ lệ này ở thời điểm Alpha, Delta bùng phát lần lượt là giảm 71,1% và 58,1% nguy cơ.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard (Mỹ), Viện nghiên cứu Clalit, Đại học Ben Gurion, Đại học Tel Aviv (Israel) và Bệnh viện Nhi Boston (Mỹ) khẳng định: “Tiêm vaccine Covid-19 cho cha mẹ mang lại sự bảo vệ đáng kể cho trẻ em khi chúng chưa đủ điều kiện tiêm chủng”.
Cách bảo vệ gián tiếp hiệu quả nhất
Nghiên cứu khác xem xét tỷ lệ lây truyền giữa những người tiếp xúc trong gia đình và lần nữa củng cố tác dụng bảo vệ gián tiếp của vaccine Covid-19 cho trẻ em. Nghiên cứu do nhóm chuyên gia tại Đại học Yale và Viện Nghiên cứu - Đổi mới Maccabi, thực hiện.
Nhóm tác giả phát hiện trước khi biến chủng Delta xuất hiện, những người được tiêm vaccine Pfizer và mắc Covid-19 có khả năng lây truyền sang người khác nhẹ hơn nhóm không được tiêm chủng.
Hiệu quả của vaccine được ước tính là 91,8% trong vòng 10-90 ngày sau khi tiêm chủng và 61,1% trong hơn 3 tháng sau liều thứ hai. Một số bằng chứng cho thấy khả năng bảo vệ đã suy yếu sau khoảng thời gian này và nghiên cứu không tính toán dữ liệu của mũi tiêm tăng cường.
Khi biến chủng Delta chiếm ưu thế trong số các ca mắc Covid-19 tại Đan Mạch, hiệu quả của vaccine Pfizer giảm xuống 65,6% trong vòng 10-90 ngày và 24,2% trong hơn 3 tháng sau liều thứ hai.
Nhưng ngay cả khi hiệu quả giảm đi, khi các nhà nghiên cứu vẫn nhận thấy tác dụng mà nó mang lại cho trẻ. Họ phát hiện nguy cơ lây nhiễm của trẻ có cha mẹ được tiêm phòng và mắc Covid-19 giảm đáng kể, bất kể với biến chủng nào.
Trong khi đó, bảo vệ trẻ ngay trong chính gia đình là “hạt nhân” đầu tiên để giảm nguy cơ lây nhiễm nCoV cho bé. Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ lây nhiễm từ một thành viên trong gia đình cao hơn 100 lần từ cộng đồng.
TS Edwards, người không tham gia cả hai nghiên cứu trên, nhấn mạnh: “Các dữ liệu hiện có cho thấy trẻ em không phải đối tượng truyền virus chính mà là người lớn. Đó là lý do chúng ta luôn phải có trách nhiệm hơn để bảo vệ bản thân và chính con cái mình. Bạn cần đeo khẩu trang thường xuyên, hạn chế nơi đông người, sát khuẩn tay để tránh trở thành nguồn lây nhiễm cho trẻ”.
Ngoài việc tiêm chủng, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, phụ huynh cũng cần dạy con chủ động bảo vệ bản thân bằng thói quen đeo khẩu trang, tránh tụ tập nơi đông đúc, rửa tay bằng xà bông trước và sau khi đi vệ sinh. Cha mẹ cũng nên tăng cường sức đề kháng của trẻ bằng những bữa ăn dinh dưỡng, khoa học, đủ chất và cho con tiêm vaccine Covid-19 khi có cơ hội.