Cách đánh hiểm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đây là bước phát triển về cách đánh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hình thành rõ nét sau đợt 2 (từ ngày 30-3 đến 30-4-1954). Lúc này địch còn hơn một vạn quân, đóng tại hơn 30 vị trí trên cánh đồng Mường Thanh. Chúng vẫn giữ được một phần các điểm cao A1, C1, sau khi được tăng viện, địch ra sức củng cố trận địa hòng bảo vệ khu vực phòng ngự then chốt trên dãy điểm cao phía Đông. Hỏa lực của địch còn mạnh, phi cơ và pháo binh của chúng vẫn hoạt động ráo riết.

Trong đợt 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, vấn đề cấp thiết đặt ra là tiếp tục đánh địch bằng cách nào để vừa hạn chế thương vong cho ta, vừa khoét sâu chỗ yếu của địch, hạn chế chỗ mạnh của chúng, tạo điều kiện chuyển sang đợt tác chiến mới, tiêu diệt toàn bộ quân địch trong tập đoàn cứ điểm. Ta chủ trương dùng lực lượng nhỏ, hoạt động rộng rãi dưới các hình thức đánh lấn, phá hủy từng ụ đề kháng, tiêu diệt các vị trí địch; bắn tỉa tiêu hao lực lượng của chúng, khiến tinh thần giặc luôn căng thẳng; đánh chiếm sân bay, thắt chặt vòng vây, thu hẹp không phận, khống chế máy bay, đoạt dù tiếp tế, hạn chế, tiến tới triệt hẳn nguồn tiếp tế và tăng viện của địch. Bởi địch chỉ còn chỗ dựa cuối cùng là tiếp tế bằng đường không. Khống chế sân bay, đánh chiếm sân bay là dập tắt hy vọng cuối cùng của địch, là cắt cái dạ dày của chúng.

Điều kiện để vận dụng được cách đánh này là phải không ngừng đưa trận địa tiến công và bao vây ngày càng áp sát địch, hạn chế uy lực máy bay và pháo binh của chúng. Thực hiện chủ trương tác chiến này, từ trung tuần tháng 4-1954, quân ta từng bước làm thay đổi hẳn cục diện chiến trường. Sân bay địch bị chiến hào ta cắt đứt từ hai hướng Đông và Tây; hai vị trí sát sân bay (cứ điểm 105 và 206) bị các đơn vị ta lấn dần, bóc gọt rồi tiêu diệt. Địch không thể thả dù tiếp tế vật chất, đạn dược cho tập đoàn cứ điểm.

 Tướng De Castries và quân Pháp bị quân ta bắt tại Điện Biên Phủ, tháng 5-1954. Ảnh tư liệu

Tướng De Castries và quân Pháp bị quân ta bắt tại Điện Biên Phủ, tháng 5-1954. Ảnh tư liệu

Phong trào bắn tỉa của các tổ thiện xạ bộ binh là nỗi kinh hoàng đối với địch. Điển hình là ở Phân khu Nam, trong vòng nửa tháng, các tổ thiện xạ của Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 đã diệt khoảng 100 tên địch, xấp xỉ bằng số địch bị bắn tỉa trên toàn phân khu Trung tâm. Đáp lời kêu gọi của Bộ tư lệnh chiến dịch "Một viên đạn một tên địch, một viên đạn mấy tên địch, kiên nhẫn tích cực, nhằm đúng mục tiêu, hễ bắn là trúng", có chiến sĩ diệt 13 tên địch bằng 15 viên đạn.

Pháo cao xạ tiến sâu xuống cánh đồng Mường Thanh, khống chế không phận, trong khi hỏa lực pháo cối thu hẹp khu vực thả dù, buộc máy bay địch phải thả dù trên độ cao lớn. Trong cuốn “Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương”, Nhà xuất bản Plon Paris 1979, Yves Gras viết: Trong tổng số 3.964 tấn hàng thả dù thì 2.297 tấn (58%) phải thả từ độ cao lớn; 1.516 tấn (39%) thả từ độ cao thấp vào ban ngày; 151 tấn (3%) thả từ độ cao thấp vào ban đêm.

Trên thực tế chiến trường, gần một nửa số dù rơi sang trận địa của ta hoặc rơi vào khoảng trống giữa ta và địch. Đó là thời cơ xuất hiện phong trào đoạt dù, góp phần triệt nguồn tiếp tế của địch. Có đơn vị, trong một tuần, đoạt 776 chiếc dù, với một khối lượng hàng mà nếu chở bằng máy bay dacota, địch phải dùng tới 30 chuyến. Đối với pháo binh của ta, đoạt dù địch là một biện pháp tích cực để khắc phục nạn thiếu đạn. Trong đợt này, ta thu được khoảng 5.000 viên đạn lựu pháo và đạn súng cối. Điển hình ở Phân khu Nam, các đơn vị bộ binh đã đoạt dù đem về cho Đại đội 805 lựu pháo gần 2.000 viên đạn pháo.

Chọn cách đánh hiểm, phát huy hiệu lực của các loại binh khí, quân ta đã khoét sâu nhược điểm cơ bản của địch là tinh thần ngày càng sa sút, tiếp tế ngày càng khó khăn. Đến cuối tháng 4-1954, tức là vào cuối đợt hoạt động bổ sung (sau đợt 2) của ta, quân số địch ở Điện Biên Phủ tuy còn khoảng một vạn tên nhưng chỉ có 42% đủ sức chiến đấu (3.000 ở Phân khu Trung tâm, 1.200 ở Phân khu Nam); vũ khí, trang bị thiếu thốn nghiêm trọng, trong điều kiện nguồn tiếp tế bị ta bóp nghẹt.

Chọn cách đánh thích hợp với điều kiện thực tế cụ thể chiến trường (sau đợt 2) nhưng rất hiểm, ta đã làm cho địch quân còn đông mà hóa ít, trang bị còn mạnh mà hóa yếu, tinh thần, vật chất và thế trận đã hoàn toàn bất lợi. Bằng cách đánh hiểm và sáng tạo đó, cuối tháng 4-1954, mặc dù quân ta chưa hoàn toàn làm chủ dãy điểm cao phía Đông, nhưng đã uy hiếp mạnh Phân khu Trung tâm và chuẩn bị đầy đủ điều kiện chắc thắng để chuyển sang đợt tiến công cuối cùng.

Điểm phát triển đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch trong đợt 3 là xác định đúng thời cơ đánh đòn quyết định cuối cùng. Trước những triệu chứng đột biến của địch, Bộ tư lệnh chiến dịch đã thay đổi kế hoạch, kịp thời ra lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận trước giờ quy định, tức là ngay chiều 7-5-1954 (không chờ đến tối). Theo lệnh của Cogny ở Hà Nội, địch dự định tháo chạy sang hướng Thượng Lào vào 19 giờ ngày 7-5, theo kế hoạch "chim biển", nhưng quân ta đã thọc thẳng vào sở chỉ huy địch, bắt tướng De Castries chỉ huy tập đoàn cứ điểm và toàn ban tham mưu của hắn. Từ Hà Nội, Cogny ra lệnh cho Đại tá Lalande, phó chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đặc trách Phân khu Nam: "Tự quyết định lấy việc thực hiện một phần kế hoạch chim biển". Nhưng ý đồ đó cũng không thành. Gần 2.000 quân địch vừa rời khỏi Phân khu Nam đã bị quân ta truy kích bắt gọn.

Với cách đánh hiểm cùng các hoạt động vây hãm, thu hẹp phạm vi chiếm đóng, chia cắt thế liên hoàn, khống chế và cắt đứt cầu hàng không, chặn đường tiếp vận của địch cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ... được các lực lượng của ta hiệp đồng chặt chẽ, triển khai nhịp nhàng tạo thành thế trận liên hoàn, vững chắc. Từng bước làm suy yếu quân địch cả về lực lượng và thế trận, tiến tới tổng công kích giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược.

HOÀNG VĂN TẤN - LÊ TRUNG TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/cach-danh-hiem-trong-chien-dich-dien-bien-phu-826765