Cách Gen Z lập quỹ dự phòng và đặt mục tiêu tài chính thông minh

Để hình thành thói quen tiết kiệm, hai chuyên gia tài chính tại Mỹ đưa ra ba lời khuyên thực tế dành cho thế hệ Gen Z, trong bối cảnh chỉ một số ít người trẻ hiện nay thực sự quan tâm đến tài chính cá nhân.

CNBC dẫn kết quả khảo sát của Ngân hàng Bank of America (BoA) với 1.000 người từ 18 tuổi trở lên cho thấy chỉ 15% thuộc thế hệ Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) có thói quen tiết kiệm thường xuyên. Ngoài ra, chỉ khoảng 20% trong nhóm này có đóng góp vào tài khoản hưu trí.

Để giúp Gen Z sớm có “của ăn của để”, hai chuyên gia tài chính Douglas Boneparth và Winnie Sun khuyến nghị ba bước để bắt đầu xây dựng thói quen tiết kiệm.

Theo dõi thu nhập hàng tháng

Bước đầu tiên, Gen Z cần kiểm soát sát sao dòng tiền cá nhân. Theo chuyên gia Douglas Boneparth - nhà sáng lập công ty tư vấn tài chính Bone Fide Wealth - việc quản lý phần tiền còn lại sau chi tiêu là rất quan trọng.

“Giả sử bạn vẫn còn 500 USD sau khi trang trải các khoản trong tháng, hãy nghĩ cách quản lý số tiền này thay vì tiêu hết cho những món đồ không thực sự cần thiết”, ông nói.

Chuyên gia Winnie Sun thì khuyên người trẻ có thể phân bổ thu nhập theo tỷ lệ 50-30-20, trong đó 50% dành cho nhu cầu thiết yếu, 30% cho các chi phí cá nhân và 20% để tiết kiệm. Với những người trong độ tuổi 20, tỷ lệ này nên được điều chỉnh theo hướng ưu tiên tiết kiệm, chẳng hạn tăng lên 25% trong ít nhất một thập kỷ.

Chuẩn bị khoản dự phòng

Bên cạnh việc tiết kiệm, Gen Z cũng nên chuẩn bị khoản dự phòng cho những tình huống bất ngờ như mất việc hoặc gián đoạn thu nhập. Mức dự phòng nên tương đương chi phí sinh hoạt trong vòng 3 đến 6 tháng.

Ví dụ, nếu thu nhập hàng tháng là 5.000 USD và mức chi tiêu là 4.000 USD, chuyên gia khuyên nên bắt đầu tiết kiệm 1.000 USD còn lại để hình thành quỹ dự phòng, thay vì dành cho việc mua sắm các món đồ giá trị cao.

Đặt mục tiêu tài chính dài hạn

Sau khi có khoản dự phòng ổn định, Gen Z cần xác định các mục tiêu tài chính tiếp theo như trả nợ vay sinh viên, tiết kiệm mua nhà hoặc lập kế hoạch hưu trí.

Chuyên gia Boneparth gợi ý người trẻ nên tự đặt ra ba câu hỏi chính: Mỗi mục tiêu tài chính cần bao nhiêu tiền và mất bao lâu để đạt được? Khi nào muốn hoàn thành từng mục tiêu? Mục tiêu nào cần ưu tiên trước?

“Việc xác định rõ thứ tự ưu tiên sẽ giúp bạn quyết định nên phân bổ ngân sách vào mục tiêu nào trước. Bằng cách cân nhắc ba yếu tố này, bạn có thể bắt đầu kế hoạch tiết kiệm hiệu quả và điều chỉnh lối sống phù hợp để hiện thực hóa các mục tiêu tài chính tương lai”, ông nhấn mạnh.

Lê Minh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/cach-gen-z-lap-quy-du-phong-va-dat-muc-tieu-tai-chinh-thong-minh-167933.html