Cách gia đình hiện đại thoát khỏi bẫy đói nghèo

Trong 'Hành trình nhân loại', GS Oded Galor đưa ra 3 ví dụ để cho thấy cách con người đã thoát khỏi bẫy đói nghèo như thế nào.

 Ảnh: Sony Pictures Classics.

Ảnh: Sony Pictures Classics.

Hãy xem xét 3 gia đình hư cấu, mỗi gia đình đại diện cho trải nghiệm điển hình về tỉ lệ sinh, trình độ học vấn và mức sống trong một giai đoạn lịch sử khác nhau.

Gia đình đầu tiên sống trong kỷ nguyên Malthus, trong đó phúc lợi kinh tế của dân chúng không thay đổi trong suốt thời gian dài và thặng dư lương thực chủ yếu được dùng để nuôi dưỡng đàn con ngày một đông đúc. Gia đình thứ hai sống vào buổi bình minh của Cách mạng Công nghiệp, thời kỳ mà thu nhập tăng lên khiến người ta lại sinh con đẻ cháu nhiều hơn nhưng cũng có chút đầu tư vào việc học hành của con em. Cuối cùng, gia đình thứ ba sống trong kỷ nguyên Hậu Chuyển đổi Nhân khẩu học, với đặc điểm là giảm số con trong mỗi gia đình, tăng cường đầu tư vào giáo dục và cải thiện đáng kể mức sống.

Gia đình đầu tiên là nhà Kelly sở hữu một mảnh đất khiêm tốn ở vùng nông thôn Ireland vào thế kỷ 17. Họ có ba con - hai gái và một trai - và vẫn đang đau buồn khi đứa con gái út vừa qua đời vì bệnh viêm phổi cách đây vài tháng.

Mảnh vườn nhỏ của gia đình mang lại một khoản thu nhập ít ỏi, nên cuộc sống của họ hiếm khi được no ấm. Họ sống trong một căn nhà chật chội, dột nát, nước từ trên mái nhà nhỏ xuống dầm dề mỗi khi trời mưa và con cái của họ chẳng những phải chịu đói rét mà còn bị suy dinh dưỡng.

Bà Kelly thật khó kìm chế lòng ghen tị với cô em gái Anne, người đã kết hôn với một địa chủ giàu sụ ở làng bên và đến nay đã sinh được 5 người con khỏe mạnh hiện đỡ đần công việc đồng áng và làm lụng việc nhà.

Trong một buổi họp mặt gia đình, chồng của Anne kể cho những người lớn nghe chuyện về một loài cây kỳ diệu đầy hứa hẹn từ châu Mỹ: khoai tây. Ông Kelly có vẻ hơi nghi ngờ nhưng vợ ông thuyết phục ông chấp nhận rủi ro nhổ bỏ lúa mì để chuyển sang trồng cây khoai tây mới. Họ nhanh chóng phát hiện ra rằng, bằng cách trồng khoai tây, họ có thể gặt hái được nhiều hoa lợi hơn từ mảnh vườn nhỏ bé. Các con họ dần trở nên khỏe mạnh hơn và bắt đầu giúp cha mẹ bán sản lượng dôi dư ở một thị trấn gần đó.

Cuối cùng cũng có chút của ăn của để, gia đình Kelly có thể sửa chữa ngôi nhà dột nát, đồng thời mua sắm quần áo ấm trước khi bước vào những tháng mùa đông khắc nghiệt. Chẳng bao lâu sau, bà Kelly lại có thai. Hai vợ chồng rất vui mừng vì nhà sắp có thêm người và cuộc sống của họ đang được hàn gắn.

Vì thời gian này bà Kelly khỏe mạnh hơn nên em bé cũng cứng cáp hơn, bà có thể cho con bú và chăm sóc bé trong khi các con lớn đảm đương việc nhà. Đứa bé sơ sinh rồi sẽ đến tuổi trưởng thành giống như hai đứa còn lại trong 3 đứa con lớn bà từng sinh hạ và rồi lại đến một đứa nữa sẽ sớm chào đời.

Ông bà Kelly không nghĩ tới việc cho con cái đi học. Cả hai đều mù chữ hệt như mọi người khác, mà những người họ quen biết cũng đâu có ai biết chữ, ngoại trừ ông trưởng làng và vị cha xứ ở thị trấn gần nhất.

Đại đa số hàng xóm láng giềng của họ cũng là những nhà nông thất học, và kỹ năng của thợ rèn, thợ mộc, ngư dân hay các loại nghề nghiệp khác chỉ mang lại thu nhập nhỉnh hơn chút xíu so với họ chứ cũng không nhiều. Mà những nghề nghiệp đó cũng không cần biết chữ vì chỉ phụ thuộc vào tay nghề được trui rèn trong quá trình làm việc mà thôi.

Những ngành nghề đòi hỏi phải biết chữ - như thầy thuốc hay luật sư - thì khan hiếm và thường chỉ dành cho con em giới quý tộc và tư sản được đi học ở những trường lớp xa xôi của giới quyền thế. Do đó, nhà Kelly chẳng có động cơ gì để tiêu những đồng tiền ít ỏi của họ vào việc học hành của con cái, nhất là bởi vì nó còn đồng nghĩa với việc họ phải mất đi những bàn tay lao động đắc lực ở ngoài đồng cũng như trong nhà.

Vì chẳng có lý do gì để đầu tư vào việc học hành của con cái nên nhà Kelly dành chút thu nhập tăng thêm mà vụ mùa khoai tây mang lại để cải thiện không gian sống và bữa ăn của gia đình cũng như để nuôi nhiều con cái lớn khôn hơn. Nhưng vướng vào chiếc bẫy Malthus, của cải nhà Kelly nhanh chóng tiêu tan sau một thời gian ngắn ngủi.

Con cái của họ tiếp tục sinh con đẻ cái bất kỳ khi nào thu nhập vừa nhỉnh lên trên mức đủ sống lay lắt và vì gia đình chỉ sở hữu một mảnh vườn nhỏ bé nên mức sống của họ dần dần tụt giảm. Trong vòng vài thế hệ, con cháu họ lại rơi vào nếp sống kham khổ hệt như tổ tiên ngày xưa: gia tộc dừng phát triển, thu nhập lại trở về bên bờ vực đói kém và khi bệnh cháy lá khoai tây cuối cùng đã tàn phá Ireland, một số thành viên gia tộc chết thảm vì đói và những người khác di cư sang Mỹ.

Gia đình thứ hai là nhà Jones sống ở Anh đầu thế kỷ 19. Giống như nhà Kelly, họ sở hữu một ngôi nhà cũ và một mảnh vườn nhỏ. Họ cũng có ba người con - hai trai và một gái - và cũng đang thương tiếc đứa con trai út vừa trút hơi thở cuối cùng sau khi chống chọi vô vọng với bệnh đậu mùa.

Tuy nhiên, vào thời điểm bước sang thế kỷ mới, nước Anh đang trải qua một cơn lốc thay đổi do quá trình cơ giới hóa các ngành dệt may, than đá và kim loại, cũng như hoạt động thương mại xuyên Đại Tây Dương đang phát triển.

Là em gái của bà Jones, cô Ellen gần đây vừa mới kết hôn và chuyển đến thành phố lân cận Liverpool, nơi chồng cô làm giám đốc một nhà máy dệt. Tại một buổi họp mặt gia đình, anh mời Jones và hai con trai của Jones đến làm việc tại nhà máy. Ông Jones ban đầu do dự, nhưng bà Jones đã thuyết phục ông nhận lời đề nghị. Vì vậy, cặp đôi rời làng và chuyển đến Liverpool.

Công việc ở thị trấn không hề dễ dàng, nhưng tiền lương của 3 công nhân nhà máy vượt xa thu nhập đồng áng trước đây của họ. Vài tháng sau, gia đình Jones có thể mua sắm quần áo mới cho các con và chuyển đến một căn hộ rộng rãi hơn.

Không lâu sau đó, bà Jones lại mang thai và sớm sinh một bé gái khỏe mạnh. Trong khi vợ chăm sóc em bé tại nhà, ông Jones đưa con trai lớn của mình, William, đến gặp kỹ thuật viên trưởng tại nhà máy dệt và đề nghị trả tiền để cậu bé được đào tạo như một người học việc, học hỏi các kỹ xảo nghề nghiệp.

Cậu thiếu niên không hào hứng với ý nghĩ học việc với một kỹ thuật viên và những công việc mệt nhọc gắn liền với quá trình đó, nhưng bà mẹ đã thuyết phục cậu và giải thích rằng, với chuyên môn này, cậu sẽ kiếm được một mức lương cao hơn nhiều và cô con gái của gia đình bên cạnh có lẽ sẽ sẵn sàng kết hôn với cậu.

Em trai của cậu đang bực tức. Hoàn toàn nhận thức được rằng cha mẹ không đủ kinh phí để cho cậu theo học những khóa đào tạo tương tự; cậu bé sẽ phải chịu đựng nỗi cơ cực khi suốt đời chỉ là một người lao động tay chân khiêm tốn trong nhà máy. Trong khi đầu tư vào việc đào tạo tay nghề cho cậu con cả, gia đình Jones có thêm hai đứa trẻ khỏe mạnh phải chấp nhận số phận nghèo khó.

Trong suốt cuộc đời của Jones, tỉ lệ sinh vẫn tăng cao bất chấp thực tế là nhiều bậc cha mẹ cũng bắt đầu đầu tư vào giáo dục và đào tạo kỹ năng cho con cái; dù vậy, số miệng ăn ngày càng tăng chỉ làm mất đi một phần tác động tích cực của tiến bộ công nghệ đối với mức sống.

Trái với gia đình Kelly, nhà Jones đã bắt đầu cuộc hành trình mà cuối cùng đã đưa gia tộc họ thoát khỏi chiếc bẫy đói nghèo Malthus; họ, con cái họ và đặc biệt là những đứa cháu chào đời trong nhà William sẽ được hưởng sự thịnh vượng ngày càng tăng theo thời gian.

Gia đình thứ ba là Olsson sống trong một ngôi nhà khiêm tốn ở Stockholm đầu thế kỷ 20. Họ có hai con trai và một con gái. Tuy nhiên, không giống như hai nhà Kelly và Jones, họ không phải đau lòng than khóc cho sự ra đi của bất kỳ đứa con nào.

Trải qua một thời gian tồn tại, công nghệ đã phát triển với tốc độ chóng mặt trên khắp thế giới phương Tây. Những tòa nhà mới xung quanh đã được hòa vào lưới điện và hàng xóm láng giềng của họ hiếm có người nào còn gắn bó với công việc nhà nông. Đầu máy hơi nước cùng với tàu hơi nước giúp kết nối Thụy Điển với phần còn lại của châu Âu và những chiếc ôtô đầu tiên đã bắt đầu lăn bánh trên đường phố Stockholm.

Hệt như hầu hết người họ quen biết, ông bà Olsson đều biết đọc biết viết. Họ kết hôn muộn hơn gia đình Jones và Kelly vì muốn tích lũy đủ tài sản trước khi ổn định cuộc sống. Ông Olsson sở hữu một chiếc tàu đánh cá nhỏ và bà Olsson trước khi lấy chồng từng làm việc trong một nhà máy dệt, hiện làm việc bán thời gian cho một tờ báo địa phương và dành thời gian rảnh rỗi để thúc đẩy sự nghiệp nữ quyền. Con gái của Olsson sẽ sớm bắt đầu đi học; hai cậu con trai lớn đã tốt nghiệp đại học và hiện đi làm, một cậu làm công việc giao báo, cậu kia làm việc tại một nhà kho ở bến tàu.

Ingrid, em gái của bà Olsson, đã kết hôn với một chủ ngân hàng giàu có, mua một ngôi nhà rộng rãi ở vùng ngoại ô và cho con cái theo học ở một trường trung học tư thục đắt tiền.

Vào bữa trưa Giáng sinh, chồng của Ingrid quay sang ông Olsson và gợi ý rằng ông nên vay ngân hàng của mình để đầu tư vào một chiếc tàu đánh cá mới chạy bằng hơi nước. Thoạt đầu do dự nhưng cuối cùng ông Olsson quyết định theo đuổi cơ hội.

Con tàu mới giúp gia tăng đáng kể sản lượng đánh bắt, và với khối tài sản mới tậu được, cặp vợ chồng quyết định cho hai con trai học lên trung học và chấp nhận bỏ lỡ những khoản thu nhập mà lẽ ra bọn trẻ có thể mang về nếu đi làm chứ không đi học, với hy vọng rằng việc học hành của chúng sẽ dẫn đến một nghề nghiệp đáng kính và kiếm ra tiền.

Nhà Olsson đang sống trong thời kỳ mà tầm quan trọng của nguồn vốn nhân lực đang biến giáo dục thành một biểu tượng địa vị cao sang, thể hiện đẳng cấp của con người trong hệ thống giai tầng xã hội, ảnh hưởng đến khả năng tìm được người bạn đời môn đăng hộ đối, thiết lập các mối quan hệ xã hội và thương mại có ý nghĩa...

Vì việc học hành của con cái rất tốn kém và thời gian của bà Olsson rất quý giá, nên hai vợ chồng không muốn có thêm con. Tỷ lệ sinh ở Stockholm vẫn cao hơn tỷ lệ tử vong, nhưng sự gia tăng mức sống với tốc độ chóng mặt dư sức chu toàn cuộc sống cho một nền dân số tăng trưởng vừa phải.

Hàng trăm nghìn năm sau khi Homo sapiens xuất hiện trên hành tinh này, ông bà Olsson may mắn thuộc về một trong những thế hệ đầu tiên thoát khỏi chiếc bẫy đói nghèo Malthus và gia đình họ là một trong hàng triệu người ở Tây Âu và Bắc Mỹ đã thoát nghèo trong giai đoạn này.

Là một thành tựu trực tiếp của tiến bộ công nghệ, mức sống cải thiện của gia đình Olsson không hề sa sút trong vài thế hệ tiếp theo mà chỉ ngày càng tăng lên. Hậu duệ của gia đình Jones sẽ bước vào quá trình Chuyển đổi Nhân khẩu học và thoát khỏi chiếc bẫy Malthus sớm hơn đôi chút so với nhà Olsson, vào cuối thế kỷ 19, trong khi thế hệ con cháu nhà Kelly sẽ thoát khỏi chiếc bẫy ấy ngay sau đó, vào đầu thế kỷ 20. Cuối cùng, nhờ Chuyển đổi Nhân khẩu học nên loài người đã trải qua quá trình chuyển đổi trạng thái từ trì trệ sang tăng trưởng.

Oded Galor/NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-gia-dinh-hien-dai-thoat-khoi-bay-doi-ngheo-post1365233.html