Cách Mỹ ngăn chặn dịch đậu mùa khỉ
Dữ liệu từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy số lượng ca mắc đậu mùa khỉ tại nước này đã giảm mạnh, gần như không phát sinh ca mới.
Một vài tháng trước, đợt bùng phát đậu mùa khỉ dường như đe dọa đến mọi địa phương ở Mỹ. Thậm chí, ở thời điểm nhất định, một số địa phương ghi nhận số ca mắc tăng gấp đôi mỗi tuần mà không có dấu hiệu chậm lại.
Tuy nhiên, sự bùng phát đã có một bước ngoặt đáng kể theo đúng hướng. Số ca mắc trung bình hàng ngày đã giảm xuống còn 6 ca kể từ ngày 7/12, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ. Hơn nữa, chính quyền Tổng thống Biden đã thông báo việc tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp do dịch đậu mùa khỉ kể từ tháng 2/2023.
Các chuyên gia y tế công cộng nói với ABC News rằng sự kết hợp giữa việc mọi người thay đổi hành vi và chiến dịch tiêm chủng mạnh mẽ đã giúp đẩy lùi căn bệnh này.
Tiến sĩ Dana Mazo, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, phó giáo sư y khoa lâm sàng tại NYU Langone Health, nói: “Tôi nghĩ đây thực sự là câu chuyện thành công tốt đẹp của bệnh nhân, cũng như công chúng nói chung, trong việc thực hiện các bước để bảo vệ chính họ. Bệnh nhân đã theo dõi dữ liệu, tuân thủ khuyến nghị và thực hiện việc cần làm để bảo vệ bản thân và cộng đồng”.
Triển khai vaccine
Hiện tại, vaccine Jynneos - vaccine hai liều được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để ngăn ngừa bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ, là vaccine duy nhất được sử dụng ở Mỹ.
Trong khi đó, dữ liệu từ châu Phi cho thấy hai liều Jynneos mang lại hiệu quả tối thiểu 85% trong việc ngăn ngừa nhiễm đậu mùa khỉ.
Để tăng số lượng liều Jynneos có sẵn, FDA đã phê duyệt chiến lược tiêm vaccine trong da, ngay dưới lớp da đầu tiên thay vì tiêm dưới da hoặc dưới tất cả lớp da. Điều này cho phép một lọ vaccine được chia thành 5 liều riêng biệt thay vì một liều duy nhất.
Tiến sĩ Daniel Kuritzkes, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Brigham and Women's, nói với ABC News rằng trong những tuần đầu của đợt bùng phát, có những lo ngại về việc cung cấp vaccine, vì vậy chỉ những người bị phơi nhiễm hạn chế hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh mới được khuyến nghị tiêm chủng.
Ông nói: “Nhưng sau đó, khi nguồn cung được mở rộng thông qua liều tiêm trong da, việc tiêm chủng trở nên khả thi hơn, đặc biệt là ở những thành phố có số lượng lớn nhất, để mở rộng tiêm chủng cho những người có nguy cơ mắc bệnh, ngay cả khi không biết phơi nhiễm hoặc nghi ngờ phơi nhiễm. Và tôi nghĩ điều đó đóng vai trò quan trọng”.
Dữ liệu của CDC cho thấy tính đến ngày 6/12, hơn 1,1 triệu liều vaccine đậu mùa khỉ đã được sử dụng ở Mỹ.
Công chúng thay đổi hành vi
Các chuyên gia cho biết một lý do khác cho sự suy giảm số ca mắc đậu mùa khỉ là những người Mỹ có nguy cơ cao nhất đã thay đổi hành vi của họ.
Tiến sĩ Kuritzkes nói: “Yếu tố quan trọng nhất là thông điệp thực sự hiệu quả từ các cơ quan y tế cộng đồng phối hợp chặt chẽ với cộng đồng bị ảnh hưởng, nhằm giúp giáo dục mọi người về đậu mùa khỉ theo cách không kỳ thị”.
Ông nói tiếp nhờ đó, mọi người nhận biết dấu hiệu, triệu chứng mắc đậu mùa khỉ nhằm điều trị cho mình, ngăn ngừa lây truyền cho người khác. Bản thân người khỏe mạnh cũng biết cách phòng tránh, có thể giảm thiểu khả năng bị nhiễm đậu mùa khỉ”.
Sự bùng phát chủ yếu tập trung ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới, một nhóm bao gồm những người xác định là đồng tính nam, song tính, chuyển giới và không song tính, mặc dù các quan chức y tế đã nói rằng bất kỳ ai - bất kể khuynh hướng tính dục nào - đều có nguy cơ mắc bệnh nếu họ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Nhưng nhóm này đã lắng nghe lời khuyên của các bác sĩ về cách giảm thiểu rủi ro và làm theo, các chuyên gia cho biết.
Một cuộc khảo sát chung từ CDC, Đại học Emory và Đại học Johns Hopkins cho thấy khoảng một nửa số người đồng tính nam, song tính và những người đàn ông khác có quan hệ tình dục với nam giới đã giảm số lượng bạn tình, tình một đêm và giảm sử dụng các ứng dụng hẹn hò.
“Vì vậy, thực sự, mọi người đã tiếp nhận thông tin từ dữ liệu về việc phần lớn ca lây nhiễm đậu mùa khỉ là do quan hệ tình dục và đã thay đổi hành vi của họ”, tiến sĩ Mazo nói.
Không lơ là cảnh giác
Các chuyên gia nói với ABC News rằng ngay cả khi số ca mắc đậu mùa khỉ đã giảm đáng kể, điều đó không có nghĩa là mối đe dọa của dịch bệnh này đã được loại bỏ.
Tiến sĩ Kuritzkes cho hay: “Tôi sẽ thận trọng khi tuyên bố chiến thắng dịch bệnh. Tôi nghĩ điều đó có nghĩa là chúng ta đã thực sự thành công trong việc dập tắt dịch bệnh này, nhưng chúng ta cần phải cảnh giác”.
Họ cũng khuyến khích người Mỹ tiêm phòng đậu mùa khỉ nếu họ có nguy cơ mắc bệnh.
Mặc dù bệnh không lây lan qua các giọt bắn trong không khí mà qua tiếp xúc gần, thường là da kề da, bao gồm ôm, chạm và tiếp xúc trực diện trong thời gian dài, nguy cơ vẫn cao hơn khi người Mỹ tụ tập cùng nhau trong kỳ nghỉ lễ.
Tiến sĩ Mazo nói: “Việc tiêm phòng vẫn rất quan trọng, đặc biệt là vì chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra vào mùa đông, khi mọi người có lẽ sẽ ở trong nhà nhiều hơn, chia sẻ không gian chung và tham gia nhiều tiệc tùng hơn. Tôi vẫn sẽ khuyến nghị bệnh nhân, những người có nguy cơ cân nhắc việc tiêm phòng. Đó sẽ là cách tốt nhất để bảo vệ chính họ”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-my-ngan-chan-dich-dau-mua-khi-post1384310.html