Cách nào để người dân chủ động phân loại rác tại nguồn?

Dù Nghị định 45 quy định từ 31/12/2024 người dân phải phân loại chất thải rắn trong sinh hoạt, nhưng theo các chuyên gia nếu không làm tốt khâu chuẩn bị thì rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.

Hướng dẫn chi tiết về phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Bộ TN&MT vừa ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Theo Công văn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Để phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu thu gom, phân loại, xử lý....

Để phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu thu gom, phân loại, xử lý....

Trong đó, Nhóm I là Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chia thành 8 nhóm nhỏ gồm: Giấy thải; Nhựa thải; Kim loại thải; Thủy tinh thải; Vải, đồ da; Đồ gỗ; Cao su; Thiết bị điện, điện tử thải bỏ. Nhóm II là Chất thải thực phẩm. Nhóm III là Chất thải rắn sinh hoạt khác, được chia thành 3 nhóm nhỏ gồm: Chất thải nguy hại; Chất thải cồng kềnh; Chất thải khác còn lại. Triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt chậm nhất là ngày 31/12/2024

Phân loại rác thải tại nguồn đã được nói đến từ cách đây cả chục năm và được hiện thực trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Thế nhưng cho đến nay, việc phân loại rác tại nguồn dường như vẫn còn khá nan giải do chưa thể thực thi đến từng hộ gia đình.

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thời gian qua, mỗi ngày, cả nước phát sinh hơn 60.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khu vực đô thị chiếm 55%, khu vực nông thôn chiếm 45%. Đáng nói là 13% số rác thải phát sinh đó được đem đốt, 16% được chế biến, trong khi khoảng 71% rác là chôn lấp.

Dù vậy, việc xử lý rác theo cả 3 phương thức trên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Lý do là bởi rác thải không được phân loại, từ rác vô cơ, hữu cơ cho đến rác thải nhựa đều lẫn trộn vào nhau, nên có đến hơn 70% lượng rác buộc phải thực hiện chôn lấp.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, việc thiếu đồng bộ là nguyên nhân khiến các mô hình thử nghiệm phân loại rác tại nguồn đều không mang lại kết quả khả quan. "Chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại chuyện thất bại đó vì rõ ràng phân loại rác tại nguồn là biện pháp căn cơ. Qua một số đợt thử nghiệm có thể thấy chính sách của ta không đồng bộ. Chúng ta phải giảm sự bao cấp của nhà nước thì sẽ tổ chức được đồng bộ từ phân loại, thu gom, xử lý có trách nhiệm rõ ràng của người dân, đơn vị thu gom, xử lý có vậy mới tiến tới phân loại rác tại nguồn hiệu quả", TS Hoàng Dương Tùng nói.

Theo đại diện Tổng cục Môi trường, hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường 2020 (cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành luật như Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT) đã quy định cụ thể. Vấn đề quan trọng là việc thực thi cũng như đưa chính sách đi sâu vào cuộc sống từ phía chính quyền các cấp địa phương.

'Chìa khóa' nào để phân loại rác tại nguồn thành công?

Hơn 10 năm trước, Dự án phân loại rác thải tại nguồn (mô hình 3R) được triển khai thí điểm tại bốn quận của Hà Nội bằng nguồn tài trợ của chính phủ Nhật Bản, trong thời gian ngắn đã phải tạm dừng vì lý do vận hành "thiếu đồng bộ". Mô hình này là khởi đầu của rất nhiều mô hình phân loại rác thải tại nguồn sau đó với chung một kết quả là thất bại.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 ra đời được kỳ vọng giải quyết khó khăn khi ban hành những quy định thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Nhưng từ thời điểm Luật có hiệu lực, sự vận hành đồng bộ như kỳ vọng vẫn chưa xuất hiện để giải quyết bài toán phân loại rác thải. Và nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, cho dù thời gian có kéo dài thêm so với hạn định cũng rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, trên thế giới, nhiều nước còn phân rác tại nhà thành bốn loại như Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ba loại trên, họ tách riêng ra loại rác thải nguy hại như pin, ác quy, bóng đèn, các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật... để xử lý riêng. Một số quốc gia ở Bắc Âu, Tây Âu còn phân thành năm loại, thêm rác điện tử từ máy tính, điện thoại, tivi... không còn sử dụng và để xử lý theo phương thức riêng. Để phân loại rác thành công, cần đảm bảo đồng bộ, thống nhất từ nguồn cho tới tận nơi xử lý cuối cùng.

Để thực hiện triệt để chính sách phân loại rác tại nguồn, các quốc gia còn thực hiện một số giải pháp bổ sung như hoàn chỉnh khung pháp luật với những quy định cụ thể; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng bằng cách đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và phổ biến trên báo chí; cung cấp các thùng rác để phân loại tới từng hộ gia đình; chia sẻ lợi ích từ quá trình tái chế rác; giảm phí xử lý rác sinh hoạt đối với các hộ đã phân loại... Để phân loại rác thành công thì Việt Nam cũng phải linh hoạt áp dụng nhiều biện pháp, nhất là tạo ra lợi ích khi người dân phân loại rác tại nguồn, thay vì chỉ hô hào, tuyên truyền suông.

Trong thời gian tới, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp trong quản lý chất thải rắn, nhất là chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa. Trong đó, trọng tâm là tập trung hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Việc này được kỳ vọng sẽ giảm tải cho các bãi rác, đặc biệt là hướng tới việc biến rác thải thành tiền.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ hướng dẫn thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các bao bì, sản phẩm khó phân hủy.

Trên thực tế, Nghị định số 45 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực kể từ ngày 25/8/2022 cũng đã đề cập hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.

Mặc dù thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 31/12/2024, nhưng theo đại diện Tổng cục Môi trường cũng như ý kiến giới chuyên gia, nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, thì dù thời gian áp dụng kéo dài thêm 2 năm, không có lộ trình rõ ràng cũng rất khó đưa chính sách vào cuộc sống. Để đưa luật vào cuộc sống hiệu quả thì giải pháp quan trọng là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc phân loại rác tại hộ gia đình; huy động các tổ chức, đoàn thể tại địa phương. Nhất là nâng cao vai trò của các công ty thu gom rác trong giám sát trực tiếp việc thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-nao-de-nguoi-dan-chu-dong-phan-loai-rac-tai-nguon-169231114112225507.htm