Cách nào để tỉnh giàu được đầu tư quốc lộ?
Các quy định hiện hành không cho phép địa phương là cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư quốc lộ, cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương.
Để gỡ vướng, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đang được Bộ KH&ĐT dự thảo. Báo Giao thông trao đổi với TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia xung quanh vấn đề này.
TS Lê Xuân Nghĩa Ảnh: Tạ Hải.
Mục đích cuối cùng là làm đường nhanh
Theo ông, vì sao cần phải có cơ chế thí điểm đối với việc này?
Thực tế hiện nay, nhiều địa phương có văn bản đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép được giao làm cơ quan chủ quản đầu tư, nâng cấp các đoạn tuyến quốc lộ, cao tốc thuộc địa bàn quản lý nhằm giải quyết những bức xúc về hạ tầng giao thông tại địa phương.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Xây dựng, hệ thống quốc lộ do Bộ GTVT chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng.
Theo quy định Luật Ngân sách nhà nước, việc đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến đường quốc lộ thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương do Bộ GTVT quản lý, quyết định đầu tư và bố trí vốn thực hiện.
Đối với các tuyến đường cao tốc, việc quản lý đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT theo quy định tại Nghị định số 11/2010 của Chính phủ.
Như vậy, các quy định của pháp luật nêu trên không cho phép địa phương là cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án đầu tư quốc lộ, cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương.
Trong khi đó, một số địa phương tiếp tục đề xuất làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT như quốc lộ 56 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, quốc lộ 80 tỉnh Kiên Giang, quốc lộ 54 tỉnh Vĩnh Long, các cao tốc Mộc Châu - Sơn La, Bắc Ninh - Phả Lại đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, Tuyên Quang - Phú Thọ giai đoạn 2, Tuyên Quang - Hà Giang - Thanh Thủy…
Với đề xuất của các địa phương như vừa nêu, quan điểm của ông thế nào?
Thực tế, trên cả nước có nhiều tuyến đường quốc lộ xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Điều này đã gây trở ngại cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và địa phương nói riêng.
Địa phương sốt ruột là đúng. Họ sốt sắng đề xuất dùng ngân sách tỉnh đầu tư đường ở tỉnh họ cũng hợp lý.
Vì đầu tiên là phục vụ cho lợi ích của người dân địa phương, sau đó là mục tiêu phát triển kinh tế cho cả vùng. Bởi lẽ, việc làm đường không phải ngày một ngày hai nên chờ đến lượt họ biết đến bao giờ.
Ở khía cạnh khác, do nguồn lực ngân sách phân bổ cho Bộ GTVT có hạn nên không thể cải tạo, nâng cấp tất cả tuyến đường xuống cấp.
Tôi được biết, số tiền một năm Bộ GTVT được giao chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu đầu tư xây dựng mới cũng như cải tạo, nâng cấp lại các tuyến đường hiện có.
Rõ ràng, quy định hiện nay đang làm chậm trễ sự phát triển của địa phương, tạo áp lực lên vai Bộ GTVT.
Trong khi đó, số tiền bỏ ra để xây dựng những cơ sở hạ tầng thuộc diện của Bộ GTVT quản lý trên địa bàn tỉnh không phải quá lớn. Với một số tỉnh có nguồn thu ngân sách khá cao thì tiền không phải là vấn đề.
Ở những tỉnh đó, ưu tiên số 1 vẫn là hạ tầng giao thông. Vậy, chúng ta phải nghĩ đến việc làm thế nào để cho đường sá được xây dựng nhanh nhất. Còn nguồn tiền sử dụng như thế nào là không quá quan trọng.
Chủ trương phân cấp này cũng sẽ là giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu phát triển 5.000km cao tốc đến năm 2030.
Địa phương bỏ tiền, lo mặt bằng, vật liệu
Cao tốc Hạ Long - Móng Cái là tuyến đầu tiên được thí điểm cho phép địa phương đầu tư cao tốc, giúp Quảng Ninh đột phá phát triển hạ tầng giao thông (Trong ảnh: Một đoạn cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, mới đưa vào hoạt động).
Hiện, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, mục đích nhằm tháo gỡ vướng mắc như ông vừa đề cập. Theo ông, nội dung nghị quyết cần lưu ý gì để đồng bộ với các chính sách pháp luật khác?
Bất cập của cơ chế cũ là các địa phương không chủ động được trong việc phát triển hạ tầng giao thông, trong khi bản thân địa phương có đủ nguồn lực.
Vậy nên, nghị quyết lần này cần giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra. Luật hay quy định là do chúng ta đặt ra, nên cần thiết thì thay đổi, làm sao để tạo ra sự thuận lợi chung.
Trong đó, có thể có những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng giờ giao cho các bộ, ngành liên quan phối hợp với các địa phương để triển khai thực hiện.
Vì là thí điểm nên có thể đưa ra các tiêu chí ưu tiên, làm ở một vài dự án theo phương án đã chọn. Sau đó đúc kết, xem mặt được, chưa được và rút kinh nghiệm thì mới đưa ra được giải pháp tối ưu. Dựa vào đó sẽ sửa các luật tương thích. Không nên vội vã sửa luật khi chưa có những thí điểm cho kết quả tốt.
Mục đích cuối cùng là làm sao giải quyết được nhu cầu từ địa phương, đồng thời cũng giảm gánh nặng cho Bộ GTVT.
Có ý kiến cho rằng, đường cao tốc là công trình cấp đặc biệt, với tiêu chuẩn cao, đòi hỏi năng lực, kinh nghiệm quản lý và triển khai dự án ở trình độ quốc gia, trong khi năng lực quản lý dự án của các địa phương còn hạn chế. Vậy nếu để địa phương chủ động thì câu chuyện này nên giải quyết thế nào, thưa ông?
Điều đầu tiên phải thống nhất được là việc địa phương bỏ ngân sách ra, họ sẽ là chủ đầu tư, giải phóng mặt bằng, tiến hành các thủ tục cần thiết để làm đường. Và vấn đề cần bàn thảo là ai thiết kế và ai giám sát dự án?
Theo tôi, địa phương sẽ tổ chức để thi công và lo toàn bộ vật liệu cho dự án. Bộ GTVT có thể thiết kế cho họ để đúng quy chuẩn. Sau đó, Bộ GTVT có thể tổ chức giám sát hoặc thuê một công ty giám sát độc lập để giám sát theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
Ưu tiên dự án cấp bách, có tính lan tỏa
Cũng có ý kiến cho rằng, nếu cho phép địa phương là cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc sẽ nhập nhằng giữa "chủ đầu tư" và "người chịu trách nhiệm". Theo ông, lo ngại này có cơ sở hay không?
Việc này cũng có thể xảy ra, song cũng không khó giải quyết. Về góc độ chủ đầu tư, một số tỉnh sẵn sàng ứng trước vốn của địa phương để thực hiện trước dự án, sau đó chờ nhà nước bố trí vốn ngân sách trung ương để hoàn trả sau.
Tôi cho rằng, ngân sách trung ương muốn thanh toán cho địa phương thì rất đơn giản. Chẳng hạn, những tỉnh nào có ngân sách dư thừa mà phải điều về ngân hàng trung ương thì có thể điều ít đi, dành lại một phần tiền đó cho địa phương trong vòng một năm hoặc hai năm. Hoặc tỉnh nào mà không có ngân sách điều về trung ương thì phân bổ cho họ.
Tất cả những thứ đó nằm trong bút toán của Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT. Cho nên, về mặt thủ tục pháp lý và thủ tục tài chính đều có giải pháp.
Còn về góc độ người chịu trách nhiệm, nếu không có sự quản lý chặt chẽ thì ngân sách nhà nước sẽ trở nên quá tải, mất kiểm soát.
Do đó, để hệ thống quốc lộ, cao tốc được đầu tư có định hướng, đúng quy hoạch và trên cơ sở cân đối với nguồn lực, cần thể hiện vai trò của Bộ GTVT là đầu mối tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của địa phương và không xử lý riêng đề nghị từng địa phương, trừ trường hợp khẩn cấp.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và cân đối nguồn lực trong từng giai đoạn, cần rà soát, sắp xếp các dự án theo thứ tự ưu tiên đầu tư.
Đặc biệt, ngoài các dự án nhằm xử lý khẩn cấp để đảm bảo ATGT trước mắt, cũng cần tập trung nguồn lực để đầu tư các dự án mang tính dài hơi, có tính động lực, phát triển vùng, liên vùng.
Cảm ơn ông!
Địa phương mong sớm tháo gỡ
Ông Ngô Tân Phượng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh đang được giao đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 Hà Nội, đoạn nối từ tỉnh Hưng Yên, đi qua các thị xã Thuận Thành và Quế Võ và TP Bắc Ninh.
Để thuận tiện lưu thông, Bắc Ninh cũng đã đầu tư tuyến đường nối từ dự án Vành đai 4 Hà Nội với quốc lộ 18, tại thị xã Quế Võ.
Hiện, quốc lộ 18 qua huyện Quế Võ dài khoảng 10km quá nhỏ hẹp, thường xuyên ùn tắc, mất ATGT. Do đó, Bắc Ninh đã nhiều lần đề nghị Bộ GTVT đầu tư, nâng cấp thành đường cao tốc, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Do nguồn vốn khó khăn, Bộ GTVT chưa bố trí được để triển khai thực hiện theo đề xuất của địa phương. Do thời gian chờ đợi sẽ khá lâu nên Bắc Ninh đã đề xuất giao tuyến đường cho địa phương đầu tư, nâng cấp. Tuy nhiên, các quy định hiện hành không cho phép.
"Quy định hiện hành đang rất bó buộc địa phương. Trong lúc Trung ương chưa thể bố trí nguồn lực để thực hiện thì địa phương lại có nhu cầu bức thiết. Do đó, chúng tôi đề xuất sớm tháo gỡ vấn đề này", ông Phượng nói.
Trong khi đó, Quảng Ninh được biết đến là địa phương chủ động, vận dụng sáng tạo các quy định để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh, cho biết, đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh là địa phương sở hữu tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam.
Cụ thể, tuyến cao tốc từ Hải Phòng qua TP Hạ Long và ra TP Móng Cái có tổng chiều dài 176km, chiếm 16,8% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước (176/1.700km).
Tuy nhiên, để làm được tuyến cao tốc này, ban đầu Quảng Ninh đã gặp nhiều khó khăn do vướng cơ chế, chính sách. Cùng với đó, nếu dùng nguồn ngân sách địa phương thì phải nhiều năm nữa, Quảng Ninh mới có đủ nguồn lực để làm tuyến cao tốc này.
Do vậy, để gỡ "nút thắt" về thể chế, tỉnh đã chủ động báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đề xuất giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư từ ngoài ngân sách để thực hiện tuyến cao tốc này.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương đầu tư tuyến đường Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái theo các hình thức BOT, PPP… Và Quảng Ninh cũng được vận dụng cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư đường cao tốc.
Từ đó, tỉnh khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành đề xuất và triển khai ngay dự án cao tốc từ Hải Phòng - Hạ Long - Quảng Ninh bằng các hình thức BOT, PPP.
Còn dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái ban đầu được đầu tư theo hình thức BOT. Nhưng trong quá trình triển khai, chủ đầu tư đã đề xuất với Quảng Ninh để địa phương trình Thủ tướng chấp thuận phương án điều chỉnh tách tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thành hai dự án với 2 mô hình đầu tư khác biệt.
Trong đó, đoạn cao tốc Tiên Yên - Móng Cái dài 63,26km, tổng vốn đầu tư 9.113 tỷ đồng được triển khai theo hình thức BOT, ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình phụ trợ khoảng 490 tỷ đồng. Đoạn Vân Đồn - Tiên Yên dài 16,08km có tổng vốn là 3.658 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách.
Theo ông Minh, việc cho phép địa phương được giao làm cơ quan chủ quản đầu tư, nâng cấp các đoạn tuyến quốc lộ, cao tốc thuộc địa bàn quản lý là chủ trương đúng đắn.
Tuy nhiên, việc thực hiện đối với các tỉnh có tiềm lực thì sẽ rất thuận lợi. Nhưng đối với những địa phương còn khó khăn thì cùng với giao quyền cần phải bố trí ngân sách từ trung ương thì mới thực hiện được…