Cách nào giải bài toán rút BHXH một lần?

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng BHXH một lần.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2022, cả nước có hơn 17 triệu người tham gia BHXH, độ bao phủ mới đạt 38% lực lượng lao động trong độ tuổi và còn khoảng 28,4 triệu người chưa vào hệ thống. Độ bao phủ BHXH tăng chậm trong khi số người về một cục lại tăng, bình quân cứ hai người vào hệ thống thì một người rời đi. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng BHXH một lần. Khoảng 10% lao động rút một lần có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên.

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, nội dung được nhiều người lao động quan tâm nhất là quy định giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.

Liên quan đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết chỉ ra những bất cập của Luật BHXH hiện hành và nhận được phản hồi tích cực của bạn đọc. Một bạn đọc giấu tên viết: "Tôi thiết nghĩ sẽ không có bao nhiêu người tham gia BHXH ở tuổi 45 - 47. Nguyên tắc của BHXH là đóng hưởng nên đóng ít hưởng ít. Luật nên bỏ quy định tuổi nghỉ hưu đi, ai đóng BHXH đủ 20 năm là có quyền được nghỉ hưu, ai đủ sức khỏe thì tiếp tục làm việc và đóng thêm nhiều năm để hưởng mức lương hưu tối đa. Các nhà làm luật nên lắng nghe ý kiến của người lao động để có những quyết sách phù hợp tránh tình trạng ngày càng nhiều người rút BHXH một lần khi đó chính sách an sinh xã hội ngày càng khó đạt được".

Một bạn đọc giấu tên khác bộc bạch: "Tôi 18 tuổi đi làm, nay 54 tuổi, 36 năm đóng bhxh, đợi 8 năm nữa lĩnh lương hưu, sức khỏe đã mệt mỏi, doanh nghiệp muốn sa thải, hỏi sống bằng gì để chờ đến năm 2031?". Một bạn đọc tên Hùng Trần chia sẻ: "Tôi năm nay 49 tuổi. Năm 20 tuổi đi làm doanh nghiệp tư nhân nhưng có được đóng bảo hiểm đâu nên 5 năm chỉ có lương thôi. Sau đó làm nhà nước nên cũng được 20 năm đóng bảo hiểm. Năm 46 tuổi bị đột quỵ sức khỏe suy giảm nghiêm trọng thấy không còn đủ sức khỏe làm nữa mặc dù công việc làm hành chính văn phòng. Bây giờ chỉ mong muốn nghỉ hưu mà chờ đến năm 62 tuổi thì lâu quá".

Theo bạn đọc Gia Hoàng, nên có lối mở cho người đóng BHXH hưởng lương hưu sớm hơn. Như người lao động trên 50 tuổi nếu đủ thời gian tham gia BHXH thì có quyền được nghỉ hưu. Tiền lương hưu căn cứ vào mức đóng trên nguyên tắc là đóng nhiều hưởng nhiều. Không nhất thiết phải giảm năm đóng BHXH xuống 15 năm khi phải chờ đến 62- 60 tuổi mới được hưởng lương hưu. Bạn đọc Đình Huy góp ý: "Nên đóng bảo hiểm 25 năm, 45- 50 tuổi người lao động được nghỉ hưu. Như vậy mới có nguồn lao động trẻ tiếp cận. Ngành điện chúng tôi không biết 45 tuổi thì mấy người trèo được cột?".

Ở một góc nhìn sâu sắc hơn, bạn đọc Chu Thanh Tân góp ý: "Luật bảo hiểm thay đổi quá bất lợi cho người lao động, vừa tăng tuổi nghỉ hưu vừa điều chỉnh mức phần trăm được hưởng từ 15 năm tăng kên 20 năm mới được hưởng 45%. Tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 người lao động thiệt kép vì phải đóng tăng thêm 2 năm, thời gian được hưởng giảm đi 2 năm". Cũng theo bạn đọc này, luật thay đổi không tính đến mức độ ảnh hưởng quá lớn đến quyền lợi người lao động nên họ phản ứng rút 1 lần nhiều, vì họ biết tính toán vì quyền lợi của họ. Theo tôi nên thay đổi từ từ, chỉ thay đổi hoặc tăng tuổi nghỉ hưu thì giữ nguyên mức 15 năm đầu hưởng 45% hoặc thay đổi 20 năm đầu hưởng 45% thì giữ nguyên 60 tuổi nghỉ hưu

Bạn đọc Trần Đạt cho rằng tuổi nghỉ hưu như hiện nay là không phù hợp và người lao động không còn lựa chọn phải rút một lần thôi. Vì thực tế đời sống của công nhân hiện nay rất chật vật khó khăn, môi trường làm việc kém thực phẩm bẩn tràn lan. Thời gian làm việc ở công xưởng kéo dài tới 10 – 12 giờ/ngày vì lương thấp mà chi phí thuê nhà, điện. nước, học hành cao nên lực lương công nhân bắt buộc phải cày tăng ca 12 giờ/ngày mới bù đủ vào chi phí sinh hoạt để sống hàng ngày. Với điều kiện như vậy thì chỉ 45 tuổi là giảm sức khỏe và sẽ bị đẩy đi. Không thể xin việc ở tuổi 45 thì người lao động bắt buộc rút bảo hiểm để giải quyết khó khăn. Ngồi chờ tới 60 nữ 62 nam thì ai có thể chờ được hưu và nếu chưa đủ năm đóng thì cũng khó có cơ hội đóng tiếp...

Một bạn đọc tên Minh góp ý: "Ngành nghề nào cũng vậy thôi, trực tiếp thì không đủ sức khỏe, gián tiếp thì không đáp ứng được nhu cầu tiên tiến của công nghệ, làm cầm chừng, ì ạch chờ nghỉ hưu thôi. Người già thì bắt đi làm, người trẻ thì sức cống hiến và năng lượng nhiều thì thất nghiệp". Theo bạn đọc Nguyễn Trọng, với tuổi thọ của người Việt bây giờ xu hướng tăng tuổi nghỉ hưu là tất yếu nhưng không phải tại thời điểm này. Trước khi nhà nước quy định tuổi nghỉ hưu phải có chính sách bảo vệ người lao động. Nếu chưa cho họ nghỉ hưu phải cho họ" có quyền được làm việc và có việc làm cho họ". Nếu bị vứt ra khỏi thị trường lao động thì người lao động sẽ làm gì để kiếm sống? Kể cả nhà nước cho họ quyền rút BHXH thì sau khi hết số tiền đó họ sẽ sống như thế nào?".

Một bạn đọc tên Huỳnh đề xuất: "Nếu chính phủ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có chủ trương cho người lao động đã đóng bảo hiểm 20 trở lên thì được tự quyết định nhận lương hưu theo % nhà nước qui định là giải quyết được rất nhiều lợi ích cho nhà nước và người lao động.

Bài và ảnh: An Chi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/cach-nao-giai-bai-toan-rut-bhxh-mot-lan-20230426085321723.htm