Chủ động phát hiện và phòng ngừa cúm mùa
Điều quan trọng trong phòng ngừa và điều trị cúm là tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Với nhiều trường hợp cúm ở trẻ nhỏ, người cao tuổi hay người mắc các bệnh nền, nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm sẽ cao hơn người khác.
Tình cờ làm test nhanh cúm mùa trong lúc khám sức khỏe định kỳ, chị Đinh Thị Phương (Đông Anh) phát hiện mình mắc cúm và chủ động đeo khẩu trang, cách ly để phòng tránh cho cả gia đình."Dạo này đang có dịch cúm nên gia đình sang làm xét nghiệm kiểm tra một thể. Ngày Tết đi du xuân nhiều, gia đình tôi cũng phải thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang", chị Phương cho biết.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng đang điều trị cho nhiều bệnh nhi mắc cúm, trong đó nhiều trường hợp có các bệnh lý nền cần phải theo dõi chặt chẽ. Thời tiết mùa xuân nồm ẩm như hiện tại cùng các hoạt động lễ hội tập trung đông người diễn ra trong dịp đầu năm là điều kiện thuận lợi cho cúm mùa lây lan và phát triển mạnh. Mặc dù là bệnh lành tính có thể tự khỏi, nhưng sự chủ động của người dân trong thực hiện phòng tránh cúm là rất quan trọng và cần thiết. Các bác sỹ cũng lưu ý, với những bệnh nhi, người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm.
Bác sỹ Phạm Thanh Bằng - Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ về sự nguy hiểm ở một số trường hợp thiếu chủ động trong điều trị bệnh cúm mùa: "Bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, tức ngực nhưng bệnh nhân không đi khám và điều trị, khiến tình trạng khó thở tăng dần. Khi vào bệnh viện huyện test cúm A dương tính thì tình trạng suy hô hấp ngày càng nặng hơn, dù bệnh nhân đã điều trị tại tuyến huyện cơ sở nhưng không cải thiện, lúc chuyển đến bệnh viện mình thì đã phải thở máy".
Theo Bác sỹ Phạm Văn Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cách phòng bệnh cúm mùa tốt nhất là tiêm vaccine hàng năm. Trong thời điểm giao mùa hiện tại, những người chưa tiêm vaccine nên tránh tụ tập nơi đông người. Người có bệnh nền liên quan đến hô hấp, tim mạch nên hạn chế ra ngoài, nếu có ra ngoài nên đeo khẩu trang để hạn chế tiếp xúc.
Các bác sỹ khuyến nghị, khi xuất hiện các triệu chứng cấp tính nghi ngờ nhiễm cúm, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định bệnh và can thiệp điều trị phù hợp. Đặc biệt, bệnh nhân không tự ý mua và sử dụng Tamiflu khi chưa có chỉ định của bác sỹ. Cần theo dõi sát diễn biến lâm sàng nhằm phát hiện sớm và xử trí kịp thời các biến chứng nguy hiểm do cúm gây ra.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/chu-dong-phat-hien-va-phong-ngua-cum-mua-286921.htm