Cách nào 'lành mạnh hóa' hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng?
Các chuyên gia cho rằng, khi hoạt động kiểm tra, giám sát được tăng cường, đi kèm với đó là chế tài xử lý vi phạm mạnh tay thì kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng nói riêng, hoạt động bán bảo hiểm nói chung sẽ đi vào khuôn khổ. Từ đó, thị trường sẽ phát triển ổn định, bền vững thay vì 'siết và cấm' hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ mất cân đối
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (BHNT) khai thác mới 3 tháng đầu năm 2024 đạt 342.844 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 40,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư – chiếm tỷ trọng lớn nhất với 58,6% – ghi nhận mức giảm 41,6%.
Phân loại cụ thể, số lượng hợp đồng bảo hiểm liên kết chung (chiếm tỷ trọng 51,6%) giảm 26%, còn bảo hiểm liên kết đơn vị (chiếm tỷ trọng 7%) giảm 77,2%.
Số lượng bảo hiểm liên kết đầu tư giảm mạnh khiến tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 5.476 tỉ đồng, giảm 34,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tại một hội thảo diễn ra gần đây, sự khó khăn thị trường BHNT được các chuyên gia, lãnh đạo một số doanh nghiệp bảo hiểm diễn tả bằng nhiều cụm từ tiêu cực. Có người gọi đó là “khủng hoảng” hoặc “cú sốc”, người khác bảo đó là “biến động” hay “sự mất cân đối nghiêm trọng”…
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng giám đốc ChubbLife Việt Nam thừa nhận rằng một bộ phận khách hàng đã cảm thấy sự mất cân đối nghiêm trọng trong mối quan hệ tam giác lợi ích ba bên, gồm doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm và khách hàng trong thời gian qua. Điều này dẫn đến tình trạng phản đối, hủy hợp đồng khi không ít trong số đó cảm thấy quyền lợi bảo hiểm nhận được không giống những gì họ hiểu và kỳ vọng.
Còn ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV dự báo khó khăn với thị trường BHNT sẽ tiếp diễn trong năm nay, do các đơn vị phải đầu tư nhiều nguồn lực để đáp ứng các quy định mới, trong đó có việc hạn chế bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng – vốn được xem là “gà đẻ trứng vàng” những năm qua.
Cụ thể, Điều 16 tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 40/2011 của NHNN quy định các ngân hàng thương mại sẽ không được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.
Dưới góc độ cơ quan soạn thảo, NHNN giải thích việc cấm bán là do sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng với các sản phẩm huy động vốn, ủy thác đầu tư mà ngân hàng thương mại cung cấp cho khách hàng.
Trước đó, Thông tư số 67/2023 của Bộ Tài chính cũng có quy định cấm các TCTD tư vấn, giới thiệu, chào bán bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.
Với những quy định trên, ông Dũng dự báo xu hướng sụt giảm của thị trường BHNT sẽ tiếp diễn.
Còn giải pháp nào ngoài “siết và cấm”?
Trong bối cảnh thị trường BHNT tồn tại nhiều khó khăn, ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng định hướng kinh doanh doanh nghiệp cần hướng tới mục tiêu cân bằng lợi ích ba bên.
“Phải đảm bảo các lợi ích của khách hàng vì họ mang tới doanh thu để nuôi sống doanh nghiệp. Họ không chỉ mua sản phẩm bảo hiểm trong một năm mà đồng hành nhiều với mình. Do đó, trước tiên phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu và lợi ích của khách hàng” ông Sơn nói và cho rằng doanh nghiệp phải hiểu rõ khách hàng muốn gì và cần gì.
Cũng theo ông Sơn, những quy định pháp luật, quy chế của IAV hay của các
doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra chỉ là định hướng. Vấn đề mấu chốt nằm ở những người thực hiện trực tiếp.
“Quy định, quy trình thì rất chặt chẽ, nghiêm túc, nhưng mà đến lúc thực thi thì rủi ro liên quan đến con người là rất cao. Cũng có những sai sót không phải do người thực thi, đại lý bảo hiểm cố tình vi phạm mà do họ chưa hiểu hết nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa ba bên nên không tìm ra giải pháp phù hợp”, ông Sơn phân tích.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đánh giá, hành lang pháp lý để quản lý mô hình bán bảo hiểm qua ngân hàng hiện rất chặt chẽ. Chẳng hạn, Nghị định 46/2023 của Chính phủ dành 17 điều (từ Điều 97 đến Điều 113) quy định về bảo hiểm liên kết đầu tư; Thông tư 67/2023 của Bộ Tài chính đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giám sát và kiểm soát chất lượng của hoạt động Bancassurance.
Điển hình là quy định “Tổ chức tín dụng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn 60 ngày trước và 60 ngày sau ngày giải ngân toàn bộ khoản vay”. Ngoài ra, Khoản 4, Điều 97 của Nghị định 46 cũng nêu rõ: “Doanh nghiệp phải thiết lập bảng minh họa trên website của doanh nghiệp để khách hàng có thể tự kiểm tra, tìm hiểu về sản phẩm liên kết đầu tư từ 1-7-2024”.
Bên cạnh đó, đại lý bảo hiểm cá nhân phải có chứng chỉ đại lý bảo hiểm do Bộ Tài chính cấp, gồm chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhân thọ cơ bản và chứng chỉ đại lý bảo hiểm liên kết đơn vị. Với đại lý tổ chức, ngân hàng thương mại phải đáp ứng một số điều kiện để hoạt động đại lý.
Tuy nhiên, theo Luật sư Đức, Nghị định, Thông tư cấm bán bảo hiểm liên kết là mâu thuẫn với quy định tại khoản 2 Điều 3, Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 8, Luật Đầu tư năm 2020; Điều 9, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022. Do đó, vị này cho rằng cần xem xét việc cấm hay hạn chế ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư.
Để hạn chế rủi ro tranh chấp hợp đồng bảo hiểm bán qua kênh ngân hàng, ông Trần Nguyên Đán, thành viên Hội Luật gia Việt Nam lưu ý cần làm rõ câu hỏi: “Vì sao khách hàng phải mua bảo hiểm khi vay vốn?”.
Thực tế, chỉ khách hàng vay hàng tín chấp mới phải mua bảo hiểm, không phải khách hàng nào cũng phải mua.
“Khách hàng có tài sản thế chấp khi vay vốn thì không cần mua bảo hiểm cho khoản vay, bởi khi vay đã thế chấp tài sản cho ngân hàng, trường hợp này thường là mua bảo hiểm tài sản. Do đó, việc mua bảo hiểm không phải là yếu tố quan trọng đến mức bắt người vay tiền phải mua”, ông Đán cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, mấu chốt của vấn đề là nhân viên ngân hàng có tư vấn đúng và đủ cho khách hàng hay không. Một vấn đề khác cần lưu tâm là khâu kiểm tra, quản lý và giám sát từ các cơ quan quản lý trực tiếp hoạt động này là Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính và NHNN.
Hiện Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm chỉ có thẩm quyền thanh kiểm tra hoạt động bán bảo hiểm của công ty bảo hiểm. Với các ngân hàng, thẩm quyền này thuộc về NHNN. Trong khi đó, có nhiều sai phạm cần các bên phối hợp xử lý.
Theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Bộ Tài chính – đại diện là Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm – chỉ được phép giám sát hoạt động đại lý là các ngân hàng thông qua công ty bảo hiểm trong trường hợp ngân hàng ký hợp đồng đại lý với công ty bảo hiểm và chỉ gói gọn trong hoạt động đại lý bảo hiểm tại ngân hàng đó.
Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát hoạt động chào bán bảo hiểm tại các ngân hàng thông qua các công ty bảo hiểm là một việc làm chưa đầy đủ để đảm bảo tính tuân thủ của các ngân hàng trong việc kinh doanh đại lý bảo hiểm.
“Tôi cho rằng, Bộ Tài chính có cơ sở pháp lý để tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động đại lý bảo hiểm của ngân hàng có ký kết hợp tác bán bảo hiểm với công ty bảo hiểm. Chỉ bằng cách đó mới có thể bảo vệ được lợi ích của người tiêu dùng dịch vụ bảo hiểm, bởi nếu chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra tại công ty bảo hiểm sẽ khó phát hiện ra các sai phạm theo kiểu ‘ép vay’ hay ‘lừa’ khách hàng chuyển từ sổ tiết kiệm sang hợp đồng bảo hiểm nhân thọ”, ông Đán nêu quan điểm.
Vị này cho rằng thay vì cấm bán, các cơ quan quản lý nên xem xét lại mức xử phạt với các hành vi sai phạm khi bán bảo hiểm qua ngân hàng. Theo đó, có thể học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường tiên tiến, như áp dụng xử phạt theo tỷ lệ doanh thu, lợi ích kiếm được.
Chẳng hạn, nếu doanh thu thu từ việc bán bảo hiểm “ẩu” đạt 1.000 tỉ đồng thì có thể xem xét phạt tới 100% doanh thu hoặc cao hơn.
“Khi hoạt động kiểm tra, giám sát được tăng cường, đi kèm với đó là chế tài xử lý vi phạm mạnh tay, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng nói riêng, hoạt động bán bảo hiểm nói chung sẽ đi vào khuôn khổ, thị trường bảo hiểm sẽ ổn định, bền vững”, ông Đán nhấn mạnh.