Cách nào ngăn rác thải cho hơn 100 tuyến sông, kênh, rạch ở TP.HCM?

TP.HCM có hơn 100 tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy, tuy nhiên tình trạng rác thải, lục bình, rong cỏ xuất hiện nhiều đã gây ô nhiễm môi trường.

Ngày 20-9, Sở TN&MT TP.HCM cùng chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy các giải pháp bền vững thu gom rác thải trên sông, kênh, rạch”.

Hội thảo với mục tiêu tìm kiếm các giải pháp hiệu quả cho công tác thu gom rác trên sông. Từ đó đưa ra những khuyến nghị và gợi ý chính sách để giảm thiểu ô nhiễm tại các thủy vực, bảo vệ môi trường.

 Hội thảo thúc đẩy các giải pháp bền vững thu gom rác thải trên sông, kênh, rạch. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Hội thảo thúc đẩy các giải pháp bền vững thu gom rác thải trên sông, kênh, rạch. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

TP.HCM và Hà Nội chiếm gần 1/3 tổng lượng rác phát sinh cả nước

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trường Huynh, Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT), cho biết ở Việt Nam, 80% rác thải nhựa trên biển xuất phát từ đất liền. Trong đó, những hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người chiếm 20%, còn lại xuất phát từ hoạt động nghề cá, nuôi trồng thủy sản, tàu bè trên biển...

 Đủ loại rác thải trên, dưới tuyến kênh Đôi - kênh Tẻ ở TP.HCM. Ảnh NGUYỄN CHÂU

Đủ loại rác thải trên, dưới tuyến kênh Đôi - kênh Tẻ ở TP.HCM. Ảnh NGUYỄN CHÂU

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) cũng đánh giá, chất thải phát sinh tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đó là sức ép rất lớn lên sức khỏe người dân và môi trường sống.

Hiện nay cả nước phát sinh khoảng 68.000 tấn rác sinh hoạt/ngày, trong đó lượng rác sinh hoạt phát sinh tại TP.HCM và Hà Nội chiếm gần 1/3 tổng lượng phát sinh của cả nước.

"Hiện nay, năng lực của chúng ta mới chỉ thu gom, vận chuyển và xử lý đạt tỉ lệ 88,34%, nghĩa là còn gần 12% tổng lượng rác sinh hoạt phát sinh hàng ngày chưa được thu gom và xử lý. Đây chính là nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ phát tán vào sông, ngòi, kênh rạch"- ông Hồ Kiên Trung nói.

Bằng cách thu gom rác thải trên các con sông, sẽ giúp ngăn chặn nhựa từ đất liền ra biển. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ thu gom rác thải ở các tuyến đường thủy là rất quan trọng.

Tôi tin rằng việc cải thiện quản lý rác thải trong thành phố sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa trong môi trường. UNDP mong muốn tiếp tục hợp tác với TP.HCM trong các dự án về quản lý chất thải rắn, đặc biệt là phân loại rác tại nguồn và xây dựng các cơ sở thu hồi vật liệu (MRF).

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam

30 tấn rác được vớt mỗi ngày bằng công nghệ mới tại TP.HCM

Tại hội thảo, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định ô nhiễm chất thải nhựa đại dương được xem là vấn nạn toàn cầu và cần sự chung tay hành động của mỗi địa phương.

Ông Bùi Xuân Cường cho hay thời gian qua, TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng vệ sinh môi trường, kiểm soát ô nhiễm. Đặc biệt là ngăn chặn tình trạng thải bỏ rác bừa bãi, xử lý và chuyển hóa các điểm ô nhiễm do rác thải, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể của từng Sở ngành, địa phương, đơn vị.

 Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Đến nay với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự tham gia cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân TP, sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, TP đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng thải bỏ rác bừa bãi ra đường phố, kênh rạch chưa được giải quyết một cách triệt để.

"Để đạt các mục tiêu về cải thiện chất lượng môi trường sông kênh rạch, thì việc kiểm soát nguồn thải, bao gồm thu gom, xử lý nước thải, rác thải đô thị là nhiệm vụ TP đang nỗ lực thực hiện. Đối với vấn đề rác thải trên sông kênh rạch, một mặt, TP tăng cường các giải pháp ngăn ngừa xả thải bừa bãi, duy trì thường xuyên công tác thu gom, xử lý rác thải trên sông, kênh, rạch.

Mặt khác, TP đặt trọng tâm triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải từ nguồn, từng bước chuẩn hóa, nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn TP, đảm bảo 100% rác thải phát sinh được thu gom, xử lý theo quy định. Đặc biệt là đẩy mạnh phân loại chất thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn đối với chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa"- ông Bùi Xuân Cường nói.

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, TP có 101 tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy bao gồm tuyến đường thủy nội địa và tuyến hàng hải (tổng chiều dài lên tới khoảng 912,9 km).

Tuy nhiên, tình trạng rác thải, lục bình, rong cỏ xuất hiện nhiều trên các tuyến sông, kênh, rạch làm ô nhiễm môi trường, cản trở lưu thông dòng chảy, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông thủy gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách và du lịch bằng đường thủy.

 Công nhân vớt rác trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Công nhân vớt rác trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Nhằm khắc phục tình trạng trên, thời gian qua TP đã nghiên cứu ứng dụng các phương tiện thiết bị với công nghệ hiện đại để thực hiện công tác vớt, thu gom rác trên các tuyến sông rạch.

 TP.HCM dùng máy móc để vớt rác trên kênh. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

TP.HCM dùng máy móc để vớt rác trên kênh. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

"Từ năm 2020, Sở GTVT đã nghiên cứu, đề xuất và được UBND TP chấp thuận ứng dụng phương tiện, công nghệ hiện đại để tổ chức thực hiện thí điểm vớt rác trên tuyến sông Vàm Thuật - Trường Đai - Tham Lương và sông Sài Gòn. Việc sử dụng thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại do con người điều khiển đem lại hiệu quả cao, nâng cao năng suất lao động, vớt được các mảng rác lớn, có kích thước cồng kềnh. Kết quả thực hiện vớt đạt trung bình 30 tấn rác mỗi ngày"- ông Bùi Hòa An nói.

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, nhận thức được vấn đề cấp bách giải quyết ô nhiễm môi trường do chất thải, và chất thải nhựa gây ra, Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều chính sách, giải pháp quan trọng.

Một trong những chính sách đó là biến chất thải thành nguồn tài nguyên, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế của đất nước; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng từ chất thải.

"Trong một thời gian ngắn kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể là giảm tỉ lệ chất thải phải chôn lấp từ 75% năm 2020 xuống thành 62%; xử lý bằng phương pháp đốt có phát điện chiếm tỉ lệ 10,25%; xử lý chất thải thực phẩm thành mùn, phân hữu cơ chiếm tỉ lệ 16,15% tổng khối lượng rác sinh hoạt.

Nhận thức của người dân về phân loại rác đã được tăng lên đáng kể, lượng chất thải nhựa thải vào môi trường, phát tán ra môi trường biển giảm đáng kể. Theo các báo cáo mới nhất của các tổ chức quốc tế thì Việt Nam không còn nằm trong danh sách các quốc gia phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất thế giới"- ông Hồ Kiên Trung nói.

NGUYỄN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/cach-nao-ngan-rac-thai-cho-hon-100-tuyen-song-kenh-rach-o-tphcm-post811011.html