Cách người Pà Thẻn ở Khuổi Hóp làm chè sạch

Người Pà Thẻn ở thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) trồng chè chỉ bón bằng phân bón hữu cơ, không phun thuốc diệt cỏ, từ việc trồng đến chăm sóc cây chè, thu hái chè, sao chè đều được bà con làm thủ công. Cây chè phù hợp với chất đất, khí hậu nên sản phẩm luôn có hương thơm dịu nhẹ, nước chè xanh mát.

Hợp tác xã chè Pà Thẻn là nơi đảm bảo đầu ra cho sản phẩm chè của nhân dân,
giúp người dân yên tâm mở rộng sản xuất.

Thôn Khuổi Hóp có 41 hộ dân, 100% đồng bào là người dân tộc Pà Thẻn. Theo lời kể của người lớn tuổi trong thôn, những năm trước do thiếu vốn và kinh nghiệm làm ăn nên cái đói, cái nghèo luôn đeo bám dân bản. Lúc bấy giờ có bà Triệu Thị Thóa là người Định Hóa (Thái Nguyên) về làm dâu ở đây, bà Thóa nhận thấy vùng đất đồi này có thể trồng được chè như ở quên của mình và trồng thử vài nghìn mét vuông chè trên đất đồi của gia đình. Qua quá trình theo dõi thấy cây chè sinh trưởng và phát triển tốt, chứng tỏ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở đây thích hợp cho phát triển cây chè. Từ đó, người dân trong thôn chuyển dần sang trồng chè.

Ông Tái Văn Các, thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú cho biết, được hỗ trợ nguồn vốn từ Chương trình 135, năm 2014 gia đình ông đã đưa cây chè vào trồng. Đến nay đồi chè của nhà đã phát triển với diện tích gần 1 ha. Trong đó có trên 5.000 m2 chè đã cho thu hái, thời điểm cho thu hái bắt đầu từ tháng Giêng đến hết tháng 8 âm lịch. Mỗi tháng thu hái được 2 lứa chè, chè sau khi thu hái một phần được bán cho hợp tác xã, một phần được gia đình tự sao lấy. Chè tươi có giá bán là 10 nghìn đồng/kg, chè khô có giá bán từ 100 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng/kg, nguồn thu từ bán chè tươi và chè khô đã mang lại thu nhập khá cho gia đình ông.

Sản phẩm chè Pà Thẻn được đóng gói, bảo quản trước khi đến tay người tiêu dùng.

Sản phẩm chè Pà Thẻn được đóng gói, bảo quản trước khi đến tay người tiêu dùng.

Từ năm 2014 đến năm 2017, nhờ nguồn vốn Chương trình 135, một số hộ dân trong thôn được đầu tư vốn đưa giống chè PH 8 vào trồng. Hộ trồng nhiều nhất có tới gần 2 ha, hộ trồng ít từ 4.000 đến 5.000 m2. Đến nay, toàn thôn có gần 30 ha chè, trong đó có trên 15 ha đã cho thu hái, năng suất ước đạt 50 tạ/ha. Ông Tái Văn Mùi, Bí thư Đảng ủy xã Linh Phú cho biết, diện tích chè không chỉ phát triển mạnh ở thôn Khuổi Hóp mà hướng tới sẽ được trồng nhân rộng khắp thôn trong xã, qua đó phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo thu nhập ổn định, bền vững cho nhiều hộ dân trong xã.

Trong thời gian tới, chính quyền địa phương và hợp tác xã tiếp tục mời các chuyên gia đến tư vấn cho bà con về kỹ thuật chăm sóc và thu hái, để phát triển cây chè hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm chè sạch Pà Thẻn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, giảm hộ nghèo.

Để tạo điều kiện giảm chi phí nhân công lao động và nâng cao chất lượng chè, năm 2017 xã đã chỉ đạo thành lập Hợp tác xã chè Pà Thẻn nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm chè của nhân dân, từ đó bà con yên tâm sản xuất mở rộng diện tích trồng chè. Hiện nay, cấp ủy chính quyền xã Linh Phú đang tiến hành triển khai các bước đăng ký nhãn hiệu Chè Pà Thẻn, đây cũng là sản phẩm chính trong triển khai Chương trình xây dựng “Mỗi xã một sản phẩm đặc trưng”.

Bài, ảnh: Thu Trang

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/cach-nguoi-pa-then-o-khuoi-hop-lam-che-sach-121336.html