Cách pha trà gừng kiểu Ấn Độ thơm ngon và tốt cho sức khỏe
Trà gừng rất phổ biến ở Ấn Độ và là loại trà ưa thích của nhiều người. Nó được gọi là Adrak chai hoặc Adrak wali chai. Loại trà này có mùi thơm tuyệt vời mang đến nhiều lợi ích sức khỏe và thực hiện đơn giản chỉ trong 15 phút.
Dưới đây là cách làm trà gừng Ấn Độ theo hướng dẫn của chuyên gia Dassana, tốt nghiệp ngành Khoa học Gia đình và được đào tạo về ẩm thực chính thống của Ấn Độ và quốc tế.
Trà gừng hay Adrak wali chai này là một loại trà Ấn Độ ấm, có gia vị và mùi thơm được làm từ rễ gừng tươi, thảo quả nghiền, đường, sữa bò (tùy chọn). Trà được làm ở hầu hết các gia đình Ấn Độ. Đối với người ăn chay, có thể chọn dùng sữa hạt điều, sữa đậu nành, sữa hạnh nhân hoặc sữa yến mạch để pha trà gừng thuần chay.
Thành phần
4 cốc nước.
3 đến 4 muỗng cà phê bột trà đen hoặc lá.
Miếng gừng khoảng 5-6 cm để có vị đậm đà hoặc 2-3 cm nếu muốn vị dịu hơn. Gừng gọt vỏ, sau đó nghiền hoặc xay.
3 đến 4 quả bạch đậu khấu xanh được nghiền hoặc nghiền thành bột trong chày (tùy chọn).
¼ đến ½ cốc sữa hoặc sữa hạt điều hoặc sữa đậu nành – thêm nhiều hơn nếu bạn muốn uống trà sữa.
8 muỗng cà phê đường thô hoặc đường mía hữu cơ chưa tinh chế, thêm nhiều hơn để có vị ngọt hơn.
Cách làm trà gừng kiểu Ấn Độ
Rửa sạch gừng, gọt vỏ và giã gừng bằng chày cối. Bạn cũng có thể xay gừng thay vì nghiền nát. Sau đó chuẩn bị tất cả nguyên liệu cho công thức này.
Nghiền 3 đến 4 quả bạch đậu khấu xanh trong cối.
Thêm 4 cốc nước, gừng nạo và bạch đậu khấu xanh đã nghiền nát cùng với vỏ.
Đun sôi hỗn hợp nước, gừng và bạch đậu khấu trong 4 đến 5 phút hoặc cho đến khi màu của nước chuyển sang màu vàng nhạt. Khi nước gừng tiết ra sẽ làm cho nước đổi màu.
Thêm 8 thìa cà phê đường thô hoặc đường trắng. Bạn có thể thêm nhiều hay ít đường tùy theo khẩu vị của mình. Đun nhỏ lửa trong 1 đến 2 phút.
Sau đó thêm 3 đến 4 thìa cà phê bột trà hoặc lá trà đen rồi đun nhỏ lửa khoảng 1 đến 2 phút cho đến khi nước có màu đỏ đậm.
Để làm cho trà của bạn đậm đà hơn, hãy đun nhỏ lửa trong khoảng 3 phút hoặc theo ý muốn. Nếu bạn thích trà nhẹ hơn thì hãy thêm lá trà vào nước ngay. Tắt lửa, đậy nắp và ngâm lá trà trong nước nóng có gia vị trong 3 đến 4 phút.
Tùy khẩu vị và sở thích có thể thêm từ ¼ đến ½ cốc sữa, đun nhỏ lửa trong một hoặc hai phút. Sữa có thể ở nhiệt độ phòng hoặc sữa nóng hay sữa lạnh tùy ý thích.
Lọc trà qua lưới lọc vào cốc.
Lời khuyên của chuyên gia nấu ăn
Dùng gừng tươi và mềm. Bạn cũng có thể sử dụng bột gừng. Nhưng hãy thêm một lượng nhỏ vì nó rất nóng. Trong công thức này, bạn có thể thêm khoảng ¼ thìa cà phê bột gừng.
Bạn có thể sử dụng bột trà hoặc lá trà.
Việc bổ sung sữa hay không và bao nhiêu là tùy chọn theo sở thích, khẩu vị. Nếu không phù hợp bạn có thể bỏ hoặc bớt đường.
Bạn cũng có thể sử dụng sữa thực vật để pha trà gừng thuần chay. Nếu bạn dùng sữa hạt điều, sữa hạnh nhân, sữa yến mạch thì đun riêng trong chảo khác cho đến khi nóng nhưng không đun sôi. Trộn sữa làm từ thực vật nóng với hỗn hợp trà. Tắt lửa. Đun sôi thêm có thể khiến hạt điều hoặc sữa hạnh nhân trở nên nhớt và tách rời.
Bạch đấu khấu (Thảo quả xanh): Nếu không có hoặc không thích quả hay bột bạch đậu khấu thì không cần phải thêm nó vào trà này. Tuy nhiên, nếu bạn muốn thêm nó vào trà thì hãy chắc chắn rằng nó đã được nghiền nát. Nếu không, bạn sẽ không có được hương vị thảo quả đầy đủ.
Gừng: Gừng là thành phần chính trong công thức này và tạo thêm hương vị ngọt, cay cho trà. Điều quan trọng là phải nghiền nát gừng trước khi cho vào trà gừng, nếu không bạn sẽ không cảm nhận được hết hương vị của gừng. Ngoài ra, bạn cũng có thể xay gừng. Bạn có thể tùy chọn thêm bao nhiêu gừng tùy thích. Nếu bạn muốn vị gừng đậm đà thì cho nhiều hơn, nếu muốn vị gừng dịu hơn thì cho ít hơn. Bạn cũng có thể dùng gừng xay (bột gừng) nhưng chỉ thêm một lượng nhỏ.
Sữa: Lượng sữa bạn thêm vào có thể thay đổi tùy theo sở thích của bạn. Nếu bạn thích trà đậm hơn thì cho ít sữa hơn và nếu bạn thích trà nhiều sữa hơn thì hãy thêm nhiều hơn.
Trà: Nếu bạn muốn pha trà gừng đặc thì đun sôi nước từ 2 đến 3 lần khi pha trà. Điều này sẽ tăng cường hương vị của từng thành phần. Ngược lại, muốn uống trà nhạt hơn thì chỉ đun sôi trà trong thời gian ngắn.
Lưu ý: Bạn có thể uống loại trà này bất cứ lúc nào trong ngày nhưng tốt nhất nên uống vào buổi sáng vì nó giúp tăng cường trao đổi chất và ngăn ngừa buồn nôn. Không nên uống vào ban đêm vì sẽ khó ngủ.