Cách phân biệt hạt dẻ và hạt phỉ
Nhiều người nhầm lẫn giữa hạt dẻ và hạt phỉ (nguyên liệu quen thuộc để làm bánh, sữa...), vậy làm thế nào để phân biệt hai loại hạt giống nhau này?
Có ngoại hình tương đối giống nhau nên nhiều người thường lầm tưởng giữa hai loại hạt này. Tuy nhiên, phân biệt hạt dẻ và hạt phỉ không khó nếu bạn để ý kỹ.
Cách phân biệt hạt dẻ và hạt phỉ
Hạt phỉ tên khoa học là Corylus avellana, phần vỏ bên ngoài cứng, nhân bên trong màu trắng. Khi chế biến hạt phỉ, chúng ta cần loại bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài và lớp da, chỉ giữ lại phần nhân trắng bên trong để sấy khô hoặc nước.
Hạt phỉ thường được trồng phổ biến ở các quốc gia như Hy Lạp, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ...
Trong khi đó, hạt dẻ có tên khoa học là Castanea Mollissima hay còn được biết đến với cái tên sơn hạch đào. Hạt dẻ được trồng ở nhiều quốc gia châu Âu và châu Á, trong đó có cả Việt Nam. Mỗi năm, hạt dẻ được thu hoạch vào khoảng tháng 8 cho đến hết tháng 10.
Chi tiết hơn, bạn có thể phân biệt hạt dẻ và hạt phỉ dựa vào các đặc điểm sau:
- Phần nhân: Nhân hạt dẻ có lớp vỏ màu vàng nhưng vỏ mỏng, khi hấp/nướng lại mềm xốp, không bị cứng. Nhân hạt phỉ nhỏ hơn hạt dẻ, có màu trắng, giòn như hạt óc chó, được sấy khô và bảo quản được lâu.
- Hương vị: Hạt dẻ có mùi thoang thoảng như mùi bơ, vị ngọt đậm; hạt phỉ có vị ngọt nhẹ.
- Ứng dụng: Hạt dẻ có thể dùng được luôn sau khi hấp, nướng hoặc dùng làm bánh hạt dẻ; hạt phỉ dùng để lấy dầu, làm sữa hạt, làm bánh...
Cách chọn mua, bảo quản hạt dẻ, hạt phỉ
Bạn có thể áp dụng các cách sau cho cả hai loại hạt:
- Cách chọn mua: Với hạt còn vỏ, bạn nện chọn các hạt có vỏ mịn, bóng, không bị nứt, lỗ. Với hạt tách sẵn, phải là những hạt có độ sắc nét, hạt nhân đầy đẵn, không xỉn màu, cong queo... mới có chất lượng cao.
- Cách bảo quản: Bạn cần bảo quản hạt dẻ và hạt phỉ trong túi đóng tín và để trong ngăn mát tủ lạnh. Sử dụng sớm thì hạt sẽ ngon và tốt hơn, nếu để lâu chúng có thể bị suy giảm chất lượng và mất chất dinh dưỡng.
Cách nướng hạt dẻ
Để món hạt dẻ nướng thơm bùi, ngọt, mềm bở chứ không bị khô, bạn hãy thực hiện các bước sau:
- Ngâm hạt dẻ trong chậu nước, loại bỏ những hạt nổi lên vì đó là hạt hư hỏng.
- Luộc hạt dẻ với muối trong vòng 10-1 phút. Nếu bạn mua được mẻ hạt dẻ rất to, hãy luộc hẳn 20 phút.
- Vớt hạt ra rổ, để ráo nước rồi cho vào nồi chiên không dầu, nướng 10 phút ở nhiệt độ 130 độ C.
- Mở nồi chiên, lắc cho hạt chín đều, nướng tiếp trong 10 phút nữa rồi mang ra, hạt sẽ chín dẻo, bở, và bùi.
Nếu muốn ăn hạt dẻ rang thay vì nướng, bạn cũng ngâm nước để loại bỏ hạt hỏng, mốc rồi đem luộc như trên, sau đó rửa lại với nước sạch, để ráo và cho vào chảo đã làm nóng sẵn để rang.
Nên rang mỗi mẻ khoảng 5 lạng, nếu rang quá ít thì hạt dẻ dễ bị cháy, còn quá nhiều thì hạt sẽ chín không đều. Khi vừa cho hạt dẻ vào chảo, nên để lửa vừa vì hạt còn ướt, khi hạt khô thì hạ lửa nhỏ tránh bị cháy. Nhớ đảo đều tay liên tục cho hạt dẻ chín đều. Thời gian rang khoảng 20 phút.
Sau khi rang, bạn nên cho hạt dẻ vào ủ trong tấm vải dày, để ở nơi khô ráo và thoáng. Cách này giúp hạt dẻ được thơm, bùi và cũng dễ bóc vỏ hơn.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/cach-phan-biet-hat-de-va-hat-phi-ar839164.html