Cách tận dụng tối đa pin smartphone trong kỷ nguyên AI

Trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI), cách chúng ta nghĩ về pin smartphone đang thay đổi nhanh chóng.

Dù là game thủ, nhà sáng tạo nội dung hay chỉ đơn giản muốn smartphone hoạt động cả ngày, nhiều người từng trải qua cảm giác lo lắng về chuyện hết pin. Khi nhu cầu ngày càng tăng cho các ứng dụng AI, màn hình tần số quét cao và chip hiệu suất mạnh mẽ, ngay cả những smartphone tiết kiệm năng lượng nhất cũng có thể cạn pin trước giờ ăn tối.

Tuy nhiên, công nghệ pin cũng đang phát triển. Chúng ta đang chứng kiến sự ra đời của pin silicon-carbon, phần mềm quản lý năng lượng thông minh hơn và hệ thống sạc nhanh ít ảnh hưởng đến tuổi thọ pin hơn. Dù vậy, nếu không chú ý đến cách sử dụng smartphone của mình, tất cả những cải tiến đó cũng không thể cứu bạn khỏi tình trạng hoảng loạn vì hết pin trước bữa tối.

Vậy làm gì để tận dụng tối đa pin smartphone trong kỷ nguyên AI, dù bạn đang dùng thiết bị cao cấp hay tầm trung? Chỉ cần vài điều chỉnh nhỏ, bạn có thể tạo ra sự khác biệt lớn.

Loại bỏ ứng dụng nền và việc đồng bộ dữ liệu vô tội vạ

“Kẻ thù” lớn nhất của pin smartphone thường là những ứng dụng mà bạn không hề để ý đến. Mạng xã hội, ứng dụng theo dõi sức khỏe và thậm chí cả bàn phím có thể âm thầm ngốn pin ở chế độ nền. Bạn nên kiểm tra thống kê sử dụng pin trong Cài đặt > Pin để xác định ứng dụng nào đang ngốn năng lượng nhất. Sau đó, bạn vô hiệu hóa hoạt động nền với những ứng dụng không cần thiết.

Ngoài ra, bạn nên xem lại các dịch vụ đồng bộ dữ liệu tự động như Gmail, lịch và lưu trữ đám mây. Nếu smartphone của bạn rung lên vài phút một lần vì có thông báo mới, đó cũng là nguyên nhân gây tốn pin âm thầm ở chế độ nền. Bạn nên giảm tần suất đồng bộ dữ liệu hoặc tắt hẳn với những ứng dụng không quan trọng.

Thiết lập chế độ độ sáng, tần số làm tươi màn hình

Màn hình gần như luôn là yếu tố ngốn pin smartphone nhiều nhất. Với các smartphone dùng tấm nền AMOLED, màn hình có thể chiếm hơn 50% tổng thời lượng pin khi sử dụng. Bạn nên thiết lập chế độ độ sáng tự động thay vì chỉnh tay, để hệ thống tối ưu theo điều kiện ánh sáng thực tế.

Dù tần số làm tươi 120Hz trông rất tuyệt, bạn nên giữ ở mức 60Hz khi không chơi game hoặc xem nội dung tốc độ cao. Điều này có thể kéo dài thời lượng pin thêm vài giờ.

Chế độ tối (Dark mode) không chỉ là lựa chọn thẩm mỹ. Trên màn hình OLED, chế độ này giúp tiết kiệm năng lượng bằng cách tắt các điểm ảnh (pixel) riêng lẻ. Ngoài ra, việc sử dụng hình nền đen và bật chủ đề (theme) tối toàn hệ thống sẽ giúp bạn tiết kiệm thêm được một lượng pin đáng kể cho smartphone.

Áp dụng thói quen sạc thông minh

Hầu hết smartphone hiện nay đều có tính năng bảo vệ sức khỏe pin, như Optimized Charging (Sạc tối ưu) trên iPhone hoặc Battery Protection (Bảo vệ pin) trên Samsung Galaxy và Google Pixel. Tính năng này sẽ trì hoãn việc sạc smartphone vượt quá 80 - 85% cho đến khi bạn thực sự cần đầy pin, giúp kéo dài tuổi thọ pin lâu dài. Bạn hãy đảm bảo tính năng này đang được bật.

Tính năng sạc không dây hay sạc ngược không dây tuy tiện lợi nhưng không hiệu quả bằng sạc có dây. Khi ở nhà hoặc ngồi tại bàn làm việc, bạn nên sạc smartphone có dây. Trừ khi đang vội, bạn nên tránh sạc nhanh liên tục dù tiện lợi. Sạc chậm sinh ít nhiệt hơn và ít gây hao mòn pin smartphone theo thời gian.

Bạn có thể tận dụng tối đa pin smartphone chỉ với vài điều chỉnh nhỏ - Ảnh: Internet

Bạn có thể tận dụng tối đa pin smartphone chỉ với vài điều chỉnh nhỏ - Ảnh: Internet

Tính năng AI và hiệu quả năng lượng

Với nhiều tính năng AI hoạt động ngay trên thiết bị, như trợ lý giọng nói, phiên âm thời gian thực hay nhận diện vật thể, smartphone ngày nay phải cân bằng giữa hiệu năng và thời lượng pin. Nhiều giao diện Android hiện đã tích hợp chế độ Pin AI (AI battery) hoặc Pin thích ứng (adaptive battery) để học thói quen sử dụng của bạn và giới hạn năng lượng cho các ứng dụng ít dùng. Đừng bỏ qua các tùy chọn này vì chúng đang âm thầm giúp kéo dài thời lượng pin mà không cần bạn làm gì cả.

Pin silicon-carbon là bước đột phá

Sự chuyển dịch sang pin silicon-carbon hứa hẹn tăng 10 - 15% mật độ năng lượng và khả năng chịu được sạc nhanh tốt hơn. Từ năm 2024, các hãng như Xiaomi, Honor và Vivo đã tích hợp loại pin này vào các mẫu flagship. Đến 2025, pin silicon-carbon bắt đầu xuất hiện trong smartphone phân khúc tầm trung. Đây không còn là nâng cấp xa vời nữa mà đang dần trở thành tiêu chuẩn mới trong thế giới thiết bị Android.

Cho đến lúc đó, những thói quen sử dụng thông minh vẫn là cách tốt nhất để kéo dài thời lượng pin smartphone của bạn. Chủ động điều chỉnh cài đặt, quản lý ứng dụng chạy nền và sạc một cách hợp lý sẽ giúp bạn kéo dài thời lượng pin hơn bất kỳ thông số kỹ thuật nào.

Pin silicon-carbon là một loại pin lithium-ion tiên tiến, sử dụng hợp chất silicon-carbon làm vật liệu chính cho cực dương (anode), thay vì than chì (graphite) truyền thống thường dùng trong hầu hết loại pin lithium-ion hiện nay.

Điểm mấu chốt khiến pin silicon-carbon trở thành bước đột phá:

- Mật độ năng lượng cao hơn: Silicon có khả năng lưu trữ ion lithium cao hơn gấp nhiều lần so với than chì theo lý thuyết. Bằng cách sử dụng silicon hoặc hợp chất silicon-carbon ở cực dương, các nhà sản xuất có thể đưa được nhiều năng lượng hơn vào cùng một kích thước pin, hoặc tạo ra viên pin dung lượng tương đương nhưng nhỏ và nhẹ hơn. Đây chính là lý do giúp tạo ra pin dung lượng lớn 6000mAh, 7500mAh hay thậm chí 10000mAh trong thân máy điện thoại mà vẫn giữ được độ mỏng.

- Tiềm năng sạc nhanh hơn: Công nghệ này cũng có tiềm năng hỗ trợ sạc nhanh hơn.

Tuy nhiên, silicon cũng gặp thách thức lớn là có xu hướng giãn nở thể tích đáng kể khi hấp thụ ion lithium trong quá trình sạc, điều này có thể gây ra sự suy giảm cấu trúc và tuổi thọ pin. Hợp chất silicon-carbon (kết hợp silicon với carbon) giúp khắc phục một phần nhược điểm này bằng cách tạo cấu trúc ổn định hơn và dẫn điện tốt hơn.

Tóm lại, pin silicon-carbon giúp tăng đáng kể dung lượng pin trong khi vẫn có thể giữ kích thước tương đối nhỏ gọn. Đó là yếu tố quan trọng đằng sau việc các smartphone hiện đại có thời lượng pin nhiều hơn mà không quá dày.

Tuần trước, hãng Realme đã ra mắt mẫu smartphone ý tưởng (concept) với viên pin 10.000mAh trong một thân máy mỏng chỉ 8,5mm và nặng 212 gram, hỗ trợ sạc nhanh 320W. Kỳ tích này đạt được nhờ công nghệ pin silicon-anode, mang lại mật độ năng lượng lên đến 887Wh/L. Đây là một bước nhảy vọt so với thiết kế lithium-ion truyền thống mà hầu hết smartphone hiện nay vẫn dùng.

Kết hợp với kiến trúc Mini Diamond của Realme – nơi đặt bo mạch chủ Android hẹp nhất thế giới (23,4mm), mẫu smartphone ý tưởng này hỗ trợ sạc nhanh 100W và tăng độ an toàn nhờ quy trình ép lạnh ba lớp giúp ngăn hiện tượng phồng pin.

Mẫu smartphone ý tưởng của Realme có pin 10000mAh và sạc nhanh 320W

Mẫu smartphone ý tưởng của Realme có pin 10000mAh và sạc nhanh 320W

Đó không chỉ là khoảnh khắc của riêng Realme mà là một phần trong sự thay đổi rộng lớn hơn trên toàn ngành.

Việc chuyển sang dùng cực dương silicon-carbon là một trong những cải tiến lớn nhất trong công nghệ pin những năm gần đây. Vật liệu này mang lại mật độ năng lượng cao hơn nhiều, khả năng ổn định nhiệt tốt hơn và tiềm năng sạc nhanh vượt trội. Quan trọng hơn, nó cho phép các nhà sản xuất tích hợp nhiều năng lượng hơn vào những thân máy mỏng, biến pin dung lượng lớn thành hiện thực ngay cả trên các thiết bị nhỏ gọn.

Điều đó đã được hiện thực hóa trong các sản phẩm thương mại. Ví dụ, Xiaomi đang tích cực ứng dụng công nghệ này. Mẫu smartphone Redmi Turbo 4 Pro của Xiaomi sở hữu pin 7.550mAh -con số từng là điều không tưởng với một chiếc điện thoại mỏng và thiên về hiệu năng. Dự kiến nhiều thiết bị sắp tới của Xiaomi cũng sẽ có pin vượt qua mốc 6.500 - 7.000mAh mà không làm tăng đáng kể độ dày hay trọng lượng.

Các nhà sản xuất smartphone Android khác như Vivo, iQOO, Oppo và Infinix cũng đang đồng loạt nâng dung lượng pin trong cả dòng tầm trung lẫn cao cấp. Công nghệ này thậm chí đang định hình lại thị trường điện thoại gập, đặc biệt là dòng gập vỏ sò.

Cho đến năm 2023, hầu hết điện thoại gập kiểu vỏ sò đều gặp khó khăn để tích hợp pin dung lượng lớn hơn 4.000mAh do hạn chế không gian bên trong. Song đến năm 2024 và 2025, nhiều mẫu điện thoại gập mới đã ra mắt với pin dung lượng lớn hơn rõ rệt, nhờ vào bước tiến của silicon-carbon.

Apple và Samsung vẫn chưa áp dụng pin silicon-carbon cho các dòng smartphone hàng đầu. Dù cả hai thương hiệu này đều tập trung vào tối ưu hóa phần mềm và bộ vi xử lý tùy biến để kéo dài thời lượng sử dụng, nhưng dung lượng pin thực tế vẫn khá khiêm tốn.

Apple lên kế hoạch sử dụng công nghệ AI để giải quyết một trong những vấn đề gây khó chịu cho người dùng: Thời lượng pin của iPhone. Theo những nguồn tin của Bloomberg, công ty đang phát triển một chế độ quản lý pin dựa trên AI cho iOS 19, bản cập nhật phần mềm iPhone dự kiến ra mắt vào tháng 9. Tính năng mới này sẽ phân tích cách người dùng sử dụng máy và điều chỉnh để tiết kiệm năng lượng.

Để xây dựng công nghệ này, Apple sử dụng dữ liệu pin thu thập từ các thiết bị của người dùng để hiểu xu hướng và dự đoán thời điểm cần giảm mức tiêu thụ năng lượng với một số ứng dụng hoặc tính năng nhất định. Ngoài ra, iOS 19 sẽ hiển thị trên màn hình khóa khoảng thời gian còn lại để sạc đầy pin iPhone, giúp người dùng biết được cần đợi bao lâu.

Động lực đằng sau tính năng quản lý pin bằng AI này là do mẫu iPhone 17 Air siêu mỏng trình làng cùng dòng iPhone mới vào tháng 9 tới. Do thiết kế siêu mỏng, iPhone 17 Air sẽ có pin nhỏ hơn nhiều và thời lượng sử dụng ngắn hơn so với các mẫu iPhone 17 khác.

Bằng cách tối ưu hóa thời lượng pin bằng AI, Apple đặt mục tiêu bù đắp những giới hạn vật lý này. Không riêng iPhone 17 Air, tính năng quản lý pin bằng AI sẽ khả dụng với tất cả iPhone chạy iOS 19.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cach-tan-dung-toi-da-pin-smartphone-trong-ky-nguyen-ai-232579.html