Cuộc đua ứng dụng sinh trắc học tại các sân bay quốc tế

Ngày càng nhiều sân bay trên thế giới áp dụng công nghệ sinh trắc học để xác minh danh tính nhằm tăng cường an ninh và trải nghiệm tổng thể của du khách.

Việc ứng dụng công nghệ sinh trắc học vào quy trình làm thủ tục hàng không đang mang lại lợi ích thiết thực, giúp hành khách di chuyển thuận tiện và nhanh chóng hơn rất nhiều. Xu hướng này không còn giới hạn ở một vài nơi mà hiện nay, nhận dạng khuôn mặt đã và đang được triển khai rộng rãi tại nhiều sân bay trên khắp thế giới. Mục tiêu chung là nhằm tăng cường hiệu quả kiểm soát an ninh, đồng thời nâng cao đáng kể trải nghiệm cho mỗi hành khách.

Cuối tháng 3 vừa qua, sân bay quốc tế Soekarno-Hatta hay còn được gọi là sân bay quốc tế Jakarta tại thành phố Tangerang, tỉnh Banten, Indonesia đã đưa vào vận hành 98 cổng tự động nhằm đẩy nhanh quy trình kiểm tra nhập cảnh. Việc triển khai hệ thống này nhằm rút ngắn thời gian kiểm tra nhập cảnh, giảm tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu. Đây được xem là một bước tiến trong nỗ lực số hóa và hiện đại hóa hoạt động hàng không của nước này.

Tại sân bay Changi, Singapore hành khách không cần xuất trình hộ chiếu để làm thủ tục nhập cảnh mà có thể đi qua các làn tự động và sử dụng công nghệ sinh trắc học. Công nghệ này giúp giảm thời gian nhập cảnh xuống 40% so với trước. Theo chương trình nhập cảnh không cần hộ chiếu, cư dân Singapore không cần xuất trình giấy tờ tại các trạm kiểm soát hàng không và đường biển. Người nước ngoài cũng có thể tham gia chương trình, nhưng chỉ khi xuất cảnh Singapore. Du khách nước ngoài cần đăng ký sinh trắc học ở mống mắt, khuôn mặt và dấu vân tay tại các quầy. Trẻ em dưới 6 tuổi không được phép sử dụng hệ thống thông quan sinh trắc học hoặc các làn đường tự động.

Thủ tục nhập cảnh không cần hộ chiếu là một phần của "khái niệm thủ tục nhập cảnh mới", đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên kiểm tra hộ chiếu do con người thực hiện. Cơ quan Kiểm soát Nhập cư Singapore cho biết, dự kiến đến đầu năm 2026, 95% du khách sẽ sử dụng các làn tự động để làm thủ tục nhập cảnh, trong khi 5% còn lại là những người không đủ điều kiện, ví dụ như trẻ nhỏ.

Cũng tại Đông Nam Á, nhận dạng khuôn mặt sinh trắc học cũng đã được triển khai tại nhiều sân bay tại Thái Lan như Suvarnabhumi, Don Mueang, Chiang Mai, Chiang Rai, Phuket và Hat Yai.

Tại Mỹ, Cục Hải quan và Biên phòng cũng đã triển khai công nghệ sinh trắc học tại các khu vực đến của 96 sân bay quốc tế. Một số sân bay tiêu biểu áp dụng công nghệ này gồm Hartsfield-Jackson Atlanta (ATL), Salt Lake City (SLC), Los Angeles (LAX). Hành khách có thể làm thủ tục check-in, gửi hành lý, qua cổng an ninh và lên máy bay chỉ bằng khuôn mặt, không cần xuất trình hộ chiếu hay vé giấy.

Tại sân bay Heathrow, Vương Quốc Anh, hệ thống ePassport gates sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác minh danh tính hành khách dựa trên dữ liệu sinh trắc học trong hộ chiếu điện tử. Hành khách từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, có thể sử dụng hệ thống này để nhập cảnh nhanh chóng mà không cần tiếp xúc trực tiếp với nhân viên hải quan.

Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), sân bay quốc tế Abu Dhabi và Dubai cũng đang tích cực ứng dụng công nghệ sinh trắc học trong lộ trình xây dựng dự án du lịch thông minh. Hệ thống cảm biến nhận diện khuôn mặt và mống mắt được lắp đặt xuyên suốt tại các điểm kiểm tra danh tính như quầy làm thủ tục, khu vực nhập cảnh, hoàn thuế, phòng chờ và cổng lên máy bay. Sau khi dự án hoàn tất, toàn bộ quá trình từ lúc vào nhà ga đến khi ra cửa lên máy bay chỉ mất khoảng 15 phút.

Mặc dù công nghệ sinh trắc học mang lại nhiều tiện ích, đẩy nhanh quy trình tại các sân bay và nâng cao trải nghiệm du lịch, việc triển khai ngày càng rộng rãi trên toàn cầu cũng đặt ra những lo ngại đáng kể. Vấn đề lớn nhất nằm ở bảo mật và quyền riêng tư đối với dữ liệu cá nhân nhạy cảm như khuôn mặt, mống mắt hay dấu vân tay. Việc thu thập, lưu trữ và xử lý khối lượng lớn dữ liệu sinh trắc học này tiềm ẩn nguy cơ bị lộ, lạm dụng hoặc sử dụng sai mục đích nếu không có các biện pháp bảo vệ đủ mạnh. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý và đơn vị khai thác phải xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cùng hạ tầng công nghệ bảo mật để đảm bảo an toàn cho thông tin của hành khách.

Hoàng Nhung

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/cuoc-dua-ung-dung-sinh-trac-hoc-tai-cac-san-bay-quoc-te-329640.htm