Cách tiếp cận mới về quản lý điểm đến du lịch

TS. Đoàn Mạnh Cương'Điểm đến du lịch thông minh' là khái niệm mới nổi trong bối cảnh phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông ngày càng gia tăng; khái niệm này đang dần tạo ra cách tiếp cận mới về quản lý điểm đến du lịch.

Chi phí thấp, an toàn và thuận tiện

Sự phát triển của công nghệ thông tin làm thay đổi hoàn toàn phương thức tiếp cận, chia sẻ thông tin của khách du lịch, đặc biệt tác động rất lớn đến việc lựa chọn điểm đến, nơi lưu trú, địa điểm ăn uống của khách du lịch. Năm 2023, thị trường du lịch thông minh toàn cầu đã đạt 28,7 tỷ USD. Theo một thống kê, nền tảng công nghệ số và dữ liệu sẽ chi phối tăng trưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 80% chuyến đi du lịch được đặt trực tuyến và 87% giới trẻ cho rằng, điện thoại thông minh là công cụ cần thiết cho du lịch.

 Huế áp dụng công nghệ TapQuest thúc đẩy du lịch văn hóa. Ảnh: Bảo Minh

Huế áp dụng công nghệ TapQuest thúc đẩy du lịch văn hóa. Ảnh: Bảo Minh

Xây dựng điểm đến du lịch thông minh chính là xây dựng một khu vực du lịch đổi mới sáng tạo, dễ tiếp cận với mọi người, dựa trên kết cấu hạ tầng công nghệ hiện đại, bảo đảm sự phát triển bền vững, tạo điều kiện cho sự tương tác của du khách và sự tích hợp của họ với môi trường xung quanh; nâng cao chất lượng trải nghiệm của du khách tại các điểm đến và chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong Chỉ thị số 16/2017/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lần đầu tiên khái niệm “du lịch thông minh” được nhắc đến trong một văn bản pháp quy của Việt Nam: “…ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh”. Có thể nói, hệ thống chính sách đã mở ra định hướng chiến lược quan trọng để triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ tiên tiến phát triển ngành du lịch Việt Nam.

Điều này đòi hỏi điều kiện, quy trình và xây dựng bộ chỉ số đánh giá hoạt động hiệu quả của một điểm đến du lịch thông minh trong thực tiễn ở Việt Nam. Khác với du lịch truyền thống, du lịch thông minh chú trọng đến quyền lợi của du khách nhưng lại bảo đảm mức chi phí thấp, an toàn và thuận tiện nhất trên cơ sở ứng dụng công nghệ và sử dụng các thiết bị hiện đại, thông tin, dữ liệu toàn cầu.

Nhiều quốc gia đã triển khai du lịch thông minh dưới nhiều hình thức khác nhau để tạo nên điểm nhấn và lợi thế cạnh tranh trong du lịch; châu Âu được đánh giá là khu vực có lợi thế và dẫn đầu trong xu hướng phát triển mới này. Ở châu Á, nhiều điểm đến của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore… cũng đã đầu tư mạnh cho du lịch thông minh như áp dụng ví điện tử, mã QR, dùng dấu vân tay để thanh toán dịch vụ, làm thủ tục sân bay, nhận phòng, trải nghiệm du lịch dựa trên công nghệ thực tế ảo…

Cơ hội cho du lịch Việt Nam

Không nằm ngoài xu thế, du lịch Việt Nam đang tiếp cận nhanh chóng với du lịch thông minh để tạo nên nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, kích thích sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Từ tháng 11.2024, khách tham quan điện Thái Hòa, Đại Nội Huế, có thể chạm vào các trạm tương tác thông minh (TapQuest) để kết nối với câu chuyện văn hóa, lịch sử của địa danh này. TapQuest là những bảng vật lý được gắn chip kết nối không dây tầm ngắn (NFC) mà khách du lịch có thể quét mã truy cập qua điện thoại thông minh, tìm hiểu thông tin tại mỗi địa điểm thông qua hình ảnh, video, mô hình 3D, văn bản và hướng dẫn viên sử dụng trí tuệ nhân tạo. Công nghệ mới này nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ du khách cả trong và ngoài nước...

Không chỉ tại điểm đến, một khảo sát với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cho thấy, có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên internet; 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi đến Việt Nam. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google tổng hợp dữ liệu trên toàn cầu cho thấy lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam năm 2023 đạt mức tăng trưởng trên 75%, xếp thứ 6 toàn cầu.

Tỷ lệ người dân sử dụng internet và thiết bị thông minh ở Việt Nam rất lớn, tính đến đầu năm 2024 là 78,44 triệu người, tỷ lệ tiếp cận internet đạt 79,1%, là tiền đề để Việt Nam phát triển du lịch thông minh. Thế nhưng các công ty lữ hành trực tuyến thương hiệu toàn cầu như agoda.com, booking.com, Traveloka.com, Expedia.com đang chiếm tới khoảng 80% thị phần. Chỉ khoảng 10 doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh du lịch trực tuyến, như vietnambooking, ivivu.com, chudu24.com, mytour.vn, tripi.vn, vntrip.vn…

Để khai thác thị trường nhiều tiềm năng này, xây dựng thành công điểm đến du lịch thông minh đòi hỏi thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Một là, có hành lang pháp lý minh bạch và thông thoáng với các chính sách cụ thể, rõ ràng cho các bên tham gia; khuyến khích và tạo động lực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào quá trình vận hành dịch vụ du lịch thông minh; tăng cường quản lý nhà nước đối với quản lý điểm đến và kinh doanh du lịch thông minh.

Hai là, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch thông minh. Ngành du lịch nên xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu chung, tương thích với hệ thống quản lý của các doanh nghiệp du lịch. Tăng cường hoạt động số hóa di sản, xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng trên nền tảng số đối với các công trình lịch sử, văn hóa.

Ba là, tăng cường thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch thông minh; cần tuyên truyền rộng rãi và kêu gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này tham gia vào quá trình thông minh hóa hoạt động du lịch.

Bốn là, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch thông minh. Để sử dụng công nghệ thông minh cần đội ngũ nhân lực có trình độ nghiệp vụ cao, chuyên nghiệp và hiểu biết cũng như có kỹ năng về ICT. Ngành du lịch cần có chương trình đào tạo sử dụng các công nghệ mới cho doanh nghiệp và địa phương để có sự đồng bộ, thành thạo sử dụng công nghệ.

Năm là, tăng cường vai trò của các doanh nghiệp du lịch trong phát triển du lịch thông minh cũng như tăng cường phối hợp giữa các ngành, mở rộng hợp tác liên kết. Cải thiện hạ tầng kỹ thuật theo hướng thông minh.

Sáu là, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông minh. Tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và du khách về gìn giữ môi trường du lịch, phát triển du lịch theo hướng thông minh, bền vững. Cần có chương trình quảng bá đồng bộ về sản phẩm du lịch thông minh đến khách du lịch…

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cach-tiep-can-moi-ve-quan-ly-diem-den-du-lich-post403801.html