Tập trung nâng cấp hạ tầng mạng di động băng rộng
Những năm qua, tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng số nhằm tạo nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số; trong đó trọng tâm là nâng cấp hạ tầng mạng di động băng rộng. Các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh không ngừng mở rộng vùng phủ sóng bằng việc phát triển cơ sở hạ tầng mới kết hợp các giải pháp công nghệ, kỹ thuật, tối ưu chất lượng mạng lưới.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2023, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại di động thông minh để phát triển xã hội số. Đồng thời, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn quốc; quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng 5G, nâng cấp mạng di động 4G... để phát triển hạ tầng số. Tại Hà Nam, Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/4/2022 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu, đến năm 2025 sẽ phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh.
Trên cơ sở mục tiêu đề ra, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin nâng cấp hạ tầng mạng di động, rà soát, bổ sung lắp đặt trạm thu phát sóng di động để bảo đảm mật độ phủ sóng di động. Thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông đã đồng loạt triển khai tắt sóng công nghệ 2G và chuyển đổi điện thoại thông minh cho khách hàng để tiết kiệm chi phí vận hành mạng lưới, dành băng tần số vô tuyến điện, hạ tầng kỹ thuật cho các công nghệ di động tiên tiến 4G, 5G, góp phần thực hiện các mục tiêu của chương trình chuyển đổi số.
![Viettel Hà Nam tăng cường lắp đặt trạm phát sóng di động 4G, 5G để nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô vùng phủ sóng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_427_51415023/842a4f0e77409e1ec751.jpg)
Viettel Hà Nam tăng cường lắp đặt trạm phát sóng di động 4G, 5G để nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô vùng phủ sóng.
Đơn cử như Viettel Hà Nam - đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn nhất trên địa bàn tỉnh, những năm qua, đã tạo được nhiều đột phá trong thực hiện chuyển đổi cơ sở hạ tầng mạng để cung cấp dịch vụ kết nối thế hệ mới, đáp ứng nhu cầu số hóa. Với quan điểm “Hạ tầng trước, kinh doanh sau”, ngay từ khi mới triển khai mạng di động (năm 2004) dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Viettel đã mạnh dạn đầu tư kinh phí để xây dựng các trạm thu phát sóng di động. Chỉ hơn 2 năm sau đó, Viettel Hà Nam đã vươn lên mạnh mẽ và trở thành doanh nghiệp viễn thông có chất lượng phát sóng và vùng phủ sóng mạng di động lớn nhất trên địa bàn.
Với chiến lược kinh doanh đúng đắn, đến nay, số lượng các trạm thu phát sóng di động của Viettel Hà Nam đã gấp nhiều lần các nhà mạng khác do Viettel đặc biệt quan tâm xây dựng mạng lưới tại các vùng nông thôn theo phương châm “Lấy nông thôn vây thành thị”. Từ chỗ chỉ có 4 trạm thu phát sóng di động vào năm 2004, đến nay, doanh nghiệp đã lắp đặt khoảng 460 trạm thu phát sóng di động, phủ sóng trên 99% dân số; hơn 19.000 km cáp quang, phủ đến trên 700 thôn, tổ dân phố. Trong tổng số các trạm thu phát sóng di động đang hoạt động, 100% số trạm phát sóng mạng 4G, gần 100 trạm có phát sóng mạng 5G.
Riêng trong năm 2024, Viettel Hà Nam xây dựng, lắp đặt mới trên 60 trạm thu phát sóng di động, chủ yếu là mạng 4G và 5G. Hiện, đây cũng là doanh nghiệp có số lượng trạm 5G phát sóng nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Ông Kiều Đạt Hùng, phụ trách tổng hợp của Viettel Hà Nam cho biết: Với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng mạng di động, những năm gần đây, Viettel Hà Nam đạt mức doanh thu trên 550 tỷ đồng/năm, đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 20 tỷ đồng/năm. Để góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Viettel Hà Nam đã và đang nỗ lực không ngừng để nâng cấp hạ tầng viễn thông, trong đó có hạ tầng mạng di động băng rộng. Mục tiêu, trong khoảng 3 năm tới, Viettel Hà Nam sẽ phủ sóng mạng 5G cho 95% dân số tại các khu vực trung tâm thành phố và các huyện, thị xã.
Cùng với Viettel Hà Nam, VNPT Hà Nam cũng là một trong những đơn vị chủ lực phát triển hạ tầng mạng di động trên địa bàn tỉnh. Song song với việc nâng cấp hạ tầng mạng di động, VNPT còn triển khai các chương trình đổi điện thoại thông minh cho khách hàng bằng các giải pháp như: tặng, trợ giá máy cho khách hàng cùng gói cước ưu đãi. Theo ông Trịnh Quang Tuấn, Phó Giám đốc VNPT Hà Nam, trong thời gian tới, VNPT Hà Nam sẽ tăng cường lắp đặt trạm phát sóng di động 4G, 5G. Riêng với mạng 5G, tốc độ truy cập cao gấp 10 lần mạng 4G nhưng vùng phủ sóng lại hẹp hơn mạng 3G, 4G nên để phủ sóng toàn tỉnh sẽ cần số lượng trạm rất lớn, gấp 2-3 lần trạm 3G, 4G. Do đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G không thể trong một sớm, một chiều. Giai đoạn 2025-2026, VNPT Hà Nam sẽ triển khai xây dựng khoảng 100 trạm 5G để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh đang có 6 doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin hoạt động; số lượng người dùng internet truy nhập bằng thiết bị di động chiếm khoảng 80% dân số của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng trên 900 vị trí trạm thu phát sóng di động; trên 95% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G. Năm 2024, các chỉ tiêu liên quan đến dịch vụ băng rộng di động đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, tổng số thuê bao điện thoại trong toàn tỉnh đạt 910.000 thuê bao; tổng số thuê bao internet băng rộng di động là 720.000 thuê bao; số thuê bao internet băng rộng di động/100 dân là 80,5 thuê bao. Những kết quả này đã góp phần đẩy mạnh triển khai Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn, nổi bật là kết quả cấp thẻ căn cước công dân của tỉnh đứng thứ nhất toàn quốc, đứng thứ hai về kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Theo kết quả công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông tại hội nghị chuyên đề về dịch vụ công trực tuyến ngày 31/8/2024, Hà Nam đứng đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (Hà Nam đạt 69,73%; trung bình cả nước đạt 17%). Hiện nay, Hà Nam vẫn đang bám sát ở tốp đầu về nội dung này.
Năm 2025, với mục tiêu: tổng số thuê bao điện thoại trên địa bàn tỉnh đạt con số 920.000; tổng số thuê bao internet băng rộng di động đạt 730.000; số thuê bao internet băng rộng di động/100 dân là 81,6 thuê bao; chỉ số đánh giá và xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) của Hà Nam xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Hà Nam theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện chỉnh trang, bó gọn, hạ ngầm mạng cáp treo viễn thông, truyền hình; tuyên truyền, tạo điều kiện cho doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng tại các địa phương trong tỉnh; tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách, môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khai thác và cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn…