Cách tiếp cận tiến bộ, thể hiện tính nhân văn

Trao đổi bên lề phiên thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV sáng 21.6 về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân cơ bản tán thành với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, Báo cáo thẩm tra và dự thảo Luật. Đồng thời nhấn mạnh, dự thảo Luật hướng trọng tâm tới việc quy định các biện pháp xử lý chuyển hướng với người chưa thành niên là cách tiếp cận rất tiến bộ, thể hiện tính nhân văn.

- Ông đánh giá như thế nào về sự phù hợp của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật hiện hành?

- Dự thảo Luật đã cụ thể hóa các quan điểm của Hiến pháp liên quan đến bảo vệ quyền của trẻ em; đồng thời, cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật liên quan như: Luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Trợ giúp pháp lý…

Phiên thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Phiên thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Tuy nhiên, dự thảo Luật với tính chất là một đạo luật chuyên biệt, quy định khá nhiều chính sách đổi mới về tư pháp người chưa thành niên sẽ dẫn tới việc phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật khác. Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các luật liên quan (như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý…) để đề xuất sửa đổi, bổ sung đầy đủ hoặc bãi bỏ hiệu lực thi hành ngay trong dự thảo Luật, nhất là các quy định liên quan đến hình phạt đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, hoặc các quy định về tố tụng hình sự đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tương tự như vậy, việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên với hệ thống các biện pháp xử lý chuyển hướng như dự thảo, trong khi Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa được sửa đổi có thể chưa bảo đảm sự thống nhất trong chính sách xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Do đó, đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao chủ động phối hợp với Chính phủ rà soát Luật Xử lý vi phạm hành chính để đề xuất, kiến nghị các nội dung sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Theo ĐBQH Lã Thanh Tân, dự thảo Luật hướng trọng tâm tới việc quy định các biện pháp xử lý chuyển hướng với người chưa thành niên là cách tiếp cận rất tiến bộ, thể hiện tính nhân văn

Theo ĐBQH Lã Thanh Tân, dự thảo Luật hướng trọng tâm tới việc quy định các biện pháp xử lý chuyển hướng với người chưa thành niên là cách tiếp cận rất tiến bộ, thể hiện tính nhân văn

- Có ý kiến cho rằng, vụ án nếu có trẻ em thì phải tách ra giải quyết độc lập, người lớn xét xử sau, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi nhất trí với quan điểm tiếp cận của dự thảo Luật, trong đó quy định vụ án nếu có trẻ em thì phải tách ra giải quyết độc lập, người lớn xét xử sau. Điều này rất cần thiết, bởi một số lý do sau:

Một là, nếu không tách vụ án, thời hạn điều tra với người chưa thành niên phải theo người lớn, không bảo đảm quy định 1/2 thời gian như dự thảo Luật.

Hai là, toàn bộ thông tin liên quan đến quá trình phạm tội của trẻ em phải công khai trong bản án cùng với người lớn. Trong khi Luật quy định không được công khai hành vi phạm tội của người chưa thành niên để hạn chế tối đa việc gây ra những mặc cảm cho người chưa thành niên suốt cuộc đời sau này (phù hợp với thông lệ của thế giới);

Ba là, trong dự thảo Luật cấm tiếp xúc giữa người phạm tội, nạn nhân, người làm chứng để tránh các tác động tiêu cực hoặc áp lực tâm lý từ tội phạm là người lớn lên người chưa thành niên phạm tội hay làm chứng, để bảo đảm uy tín, danh dự, nhân phẩm và các yếu tố có lợi cho người chưa thành niên.

Bốn là, phải tách vụ án thì mới thực hiện được yêu cầu đặt ra về tiêu chuẩn của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán khi giải quyết vụ án có người chưa thành niên. Với điều kiện về mặt công nghệ như hiện nay, hoàn toàn có thể khắc phục được việc người chưa thành niên phải dự xét xử 2 lần trực tiếp bằng giải pháp Tòa án điện tử.

- Về việc mở rộng quy định các trường hợp người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, ông đánh giá như thế nào về cách tiếp cận này?

- Về việc mở rộng quy định các trường hợp người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng: Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định 3 biện pháp xử lý chuyển hướng gồm: khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Dự thảo Luật hướng trọng tâm tới việc quy định các biện pháp xử lý chuyển hướng với người chưa thành niên, trong đó có 11 biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng để giám sát và 1 biện pháp xử lý chuyển hướng tại trường giáo dưỡng. Đây là cách tiếp cận rất tiến bộ, khắc phục thực trạng thi hành Bộ luật Hình sự có ít trường hợp người chưa thành niên được áp dụng biện pháp chuyển hướng.

Bên cạnh đó, đối với việc thành lập Quỹ hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên: theo quan điểm của tôi, không nên thành lập mới Quỹ hỗ trợ tư pháp người chưa thành niên, mà việc hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên có thể được thực hiện từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em, để phù hợp với chủ trương hạn chế việc thành lập các quỹ tài chính ngoài ngân sách, tránh phân tán nguồn lực, hoạt động kém hiệu quả và phát sinh bộ máy, nhân lực quản lý quỹ. Đề nghị quy định cụ thể đối tượng được hỗ trợ để bao quát cả đối tượng người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong dự thảo Luật, vì theo quy định tại Điều 1 của Luật Trẻ em “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”.

- Xin cảm ơn ông!

HẢI AN thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/cach-tiep-can-tien-bo-the-hien-tinh-nhan-van-i376490/