Cách Trung Quốc chinh phục nguồn nickel lớn nhất thế giới
Các công ty Trung Quốc đã tạo ra bước đột phá trong quy trình tinh luyện, giành lợi thế trong cuộc đua toàn cầu để đảm bảo khoáng sản cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trên khắp quần đảo Indonesia, các công xưởng mới đang mọc lên để xử lý quặng nickel dùng trong chế tạo pin xe điện. 5 năm trước, vùng đất này chưa có công xưởng nào như vậy.
Mọi thứ đã dần thay đổi khi các công ty Trung Quốc tạo ra bước đột phá. Họ đã làm chủ được quy trình tinh luyện từng rất cồng kềnh, giúp khai phá trữ lượng khổng lồ tại Indonesia để cung cấp cho ngành công nghiệp xe điện đang “khát” nickel.
Điều này mang lại cho Trung Quốc lợi thế trong cuộc đua toàn cầu, đảm bảo những khoáng sản cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Đây đồng thời là bước lùi đối với Mỹ khi Washington cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc của các công ty nước này vào Trung Quốc, theo Wall Street Journal.
Đột phá
Trong những năm gần đây, các công ty từ Trung Quốc đã thành lập ít nhất 3 nhà máy xử lý tập trung cung cấp nguyên vật liệu cho xe điện ở Indonesia. Nhiều nhà máy khác cũng đang trong quá trình xây dựng.
Trong số đó, một nhà máy đã thu hút đầu tư từ Ford Motor vào đầu năm nay. Một cơ sở khác đang được xây dựng bởi gã khổng lồ thép Hàn Quốc Posco Holdings.
Theo CRU (công ty có trụ sở tại London), Indonesia từ chỗ là nhà cung cấp nickel cho chế tạo pin xe điện ở quy mô nhỏ vào năm 2017 đã trở thành nước cung cấp hàng đầu, chiếm khoảng một nửa nguồn cung toàn cầu vào năm 2022. Con số đó có khả năng tăng lên.
Quốc đảo này nắm giữ trữ lượng nickel thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, nhiều loại quặng nickel của Indonesia - được gọi là laterite - khó xử lý để dùng cho chế tạo xe điện. Vì thế, trong nhiều thập kỷ trước, nó được tinh luyện chủ yếu để sản xuất thép không gỉ.
Các công ty Trung Quốc đã thay đổi điều đó bằng cách sử dụng phương pháp HPAL - tách chiết sử dụng axit áp suất cao. Kỹ thuật này đã tồn tại hàng thập kỷ nhưng không được đánh giá cao do phải dùng nhiệt độ cùng áp suất cực lớn, thường làm hỏng thiết bị và phải sửa chữa thường xuyên.
Một nhà máy do doanh nghiệp Trung Quốc điều hành ở Papua New Guinea thoạt đầu cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Nhưng China ENFI Engineering - đơn vị thiết kế nhà máy - cùng các đối tác sản xuất đã lần lượt điều chỉnh, khắc phục vấn đề phát sinh.
Giới phân tích cho rằng những cải tiến trên không phải những bước đột phá lớn nhưng chúng đã giúp ổn định nhà máy, tạo ra quy trình mới để cơ sở có thể vận hành mà không gặp sự cố lớn.
Martin Vydra, Giám đốc chiến lược của Nickel 28 - công ty Canada sở hữu cổ phần trong nhà máy ở Papua New Guinea - cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc khác đã nhân rộng mô hình trên, một phần bằng cách đưa nhân viên kỹ thuật có kinh nghiệm từ Papua New Guinea đến Indonesia.
Sẵn sàng đương đầu rủi ro
Trong số những bên hưởng lợi có Lygend Resources & Technology của Trung Quốc. Vào năm 2018, công ty này đã hợp tác với công ty khai thác mỏ Harita Group để xây dựng nhà máy HPAL đầu tiên tại Indonesia, chuyên cung cấp nguyên vật liệu cho xe điện. Họ đã hợp tác với ENFI.
Trên trang web hồi tháng 4, ENFI cho biết thành công trong công nghệ HPAL đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp Trung Quốc khác.
"Với cải tiến này, việc xử lý quặng laterite chất lượng thấp trên quy mô lớn trở nên khả thi. Các doanh nghiệp Trung Quốc được tạo cơ hội tiếp cận nguồn tài nguyên tốt hơn", ENFI cho biết.
Các liên doanh do Trung Quốc dẫn đầu cũng mọc lên với những dự án tăng tốc nhanh chóng.
“Các giai đoạn phát triển thông thường, cụ thể là tính khả thi, phê duyệt, xây dựng và vận hành diễn ra trong thời gian kỷ lục”, Angela Durrant, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie, nhận định. “Trung Quốc có thể 'làm' HPAL nhanh hơn và rẻ hơn phương Tây”.
Đối với các nhà sản xuất ôtô phương Tây, nickel của Indonesia đem lại nguồn cung ổn định loại khoáng chất mà họ cần trong thời gian ngắn. Nhưng trong môi trường địa chính trị biến động, nó cũng kéo theo cả vấn đề phức tạp tiềm ẩn.
Theo Đạo luật Giảm lạm phát được Mỹ thông qua vào năm 2022, xe điện sẽ được trợ giá nếu đáp ứng yêu cầu về xuất xứ. Điều này đồng nghĩa với việc câu hỏi quan trọng hơn hết hiện nay là nickel do ai khai thác/tinh luyện và quá trình ấy diễn ra ở đâu.
Để đủ điều kiện được trợ giá, luật yêu cầu pin xe điện cần phải sử dụng phần lớn khoáng sản từ Mỹ hoặc quốc gia Mỹ ký hiệp định thương mại tự do. Indonesia không đáp ứng yêu cầu này.
Ngoài ra, các công ty không thuộc Trung Quốc vẫn còn khá cẩn trọng, như trường hợp của Metal Mining (Nhật Bản). Trong một thập kỷ, công ty con tại địa phương của hãng khai thác Vale (Brazil) đã làm việc với Sumitomo để phát triển dự án nickel trên đảo Sulawesi, miền Đông Indonesia.
Theo kế hoạch, Vale khai thác trong khi Sumitomo sẽ xử lý quặng tại một nhà máy sử dụng công nghệ HPAL.
Tuy nhiên, một cựu nhân viên của Vale cho biết dự án đã gặp phải những trở ngại, bao gồm tranh luận về việc xả thải đi đâu và ai chịu trách nhiệm nếu có vấn đề xảy ra.
Một số lãnh đạo của Vale dần trở nên thất vọng với tiến độ chậm chạp, trong lúc các công ty Trung Quốc đang bứt phá với tinh thần sẵn sàng xử lý khi vấn đề phát sinh.
Sumitomo đã rút lui vào tháng 4/2022, cho biết nguyên nhân là việc đại dịch Covid-19 làm trì hoãn giấy phép và việc công ty này phát hiện Vale đang tìm đối tác khác. Hai ngày sau, Vale ký thỏa thuận phát triển cơ sở với Zhejiang Huayou Cobalt (Trung Quốc).
Phát ngôn viên của Sumitomo cho biết họ buộc phải "thận trọng một cách hợp lý" để tránh tai nạn trong quá trình xây dựng và các vấn đề khác.
Vào tháng 3, Ford tuyên bố họ đang đầu tư vào nhà máy này.
“Giống các nhà sản xuất ôtô toàn cầu khác, chuỗi cung ứng của chúng tôi dựa trên công nghệ, quy trình và khoáng chất tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả từ công ty Trung Quốc”, người phát ngôn của Ford cho biết.