Cách xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm trên đường du Xuân
Trong những ngày đi chơi Xuân, du khách thường ăn uống ở hàng quán ven đường, các điểm vui chơi. Nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm là rất cao.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, tại các địa điểm du lịch, nguy cơ ngộ độc rất cao do thực phẩm lưu trữ lâu ngày, môi trường chế biến, bảo quản không đảm bảo vệ sinh.
Ngoài nguy cơ ngộ độc thực phẩm, chuyên gia cũng cho biết, du khách khi du Xuân, đi lễ đầu năm còn có thể có nguy cơ bị ngộ độc hóa chất có trong các sản phẩm không có nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện sau bữa ăn từ 4 đến 8 tiếng. Thường bắt đầu bằng cơn đau quặn bụng, mỗi cơn có thể kéo dài 30-45 phút, đau dữ dội. Vị trí đau thường ở vùng quanh rốn và thượng vị, đôi khi lệch hố chậu phải hoặc hạ vị. Kèm theo đó là nôn và tiêu chảy, có thể có hoặc không tùy thuộc thời gian diễn biến và mức độ ngộ độc (hoặc độc tố vi khuẩn).
Đây cũng là một trong các cơ chế tự thải độc của cơ thể, không nên quá lo lắng nếu chỉ nôn hoặc tiêu chảy 2-3 lần/24h. Các biểu hiện nguy hiểm khác có thể gặp như tê bì tay chân, lơ mơ, cảm giác liệt yếu tứ chi, khó thở, mẩn ngứa toàn thân...
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E (Hà Nội), khi gặp trường hợp có biểu hiện ngộ độc thực phẩm, đầu tiên phải gây nôn cho người bệnh. Lúc này, người bị ngộ độc thực phẩm cần phải nhanh chóng sử dụng biện pháp để nôn hết thức ăn đã ăn vào.
Điều này giúp hạn chế chất độc có trong thực phẩm ngấm vào cơ thể. Lưu ý trong lúc gây nôn, nếu người bệnh nằm nôn cần để người bệnh nằm nghiêng, kê cao đầu. Đối với trẻ em, cần khéo léo, tránh gây trầy xước cổ họng. Đối với người đã rơi vào trạng thái lơ mơ thì không nên kích nôn vì dễ gây sặc, ngạt thở.
Nếu người bệnh chỉ nôn kèm tiêu chảy hoặc chỉ bị tiêu chảy 2-3 lần/24h, hãy để cơ thể tự đào thải chất độc. Quan trọng nhất là uống oresol để bù điện giải. Khoảng 300-500ml/lần nôn hoặc tiêu chảy đối với người lớn, 100-200ml đối với trẻ em 2-12 tuổi, nhỏ tuổi hơn khoảng 50ml/lần nôn hoặc tiêu chảy.
Nếu sử dụng dung dịch oserol để bù nước cho người bệnh, người hỗ trợ cần phải đọc kỹ hướng dẫn, pha nước theo đúng liều lượng chỉ định, không sử dụng dung dịch đã pha quá 24 tiếng, không đun sôi dung dịch.
Trường hợp ngộ độc tập thể xảy ra, chia dung dịch oserol cho từng người, không uống chung để tránh người bị ngộ độc nhẹ có thể chuyển biến nặng hơn.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc như: Smecta (2-3 gói/ngày), than hoạt tính (tùy quy cách đóng gói, thường 4-10 viên/lần x 2-3 lần/ngày). Đây là thuốc có thể hấp phụ các độc tố nếu như chúng ta ói không ra, thực phẩm đã đi xuống ruột.
Ngoài ra có thể sử dụng men tiêu hóa bổ sung 2-3 lần/ngày, sau bữa ăn. Nếu buồn nôn nhiều, có thể sử dụng gừng tươi ngậm, hoặc chế biến món ăn cho thêm gừng.
Đặt người bệnh nằm ngửa, đầu thấp, quan sát người bệnh, nếu thấy tình trạng thở khó, cảm giác ngạt thở thì nên dùng tay sạch kéo lưỡi người bệnh ra ngoài, tránh tụt vào trong, giúp người bệnh dễ thở hơn.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, nhiều người bệnh khi bị ngộ độc thực phẩm ngay lập tức sử dụng thuốc cầm tiêu chảy, chống nôn. Tuy nhiên, đây là một sai lầm vô cùng nguy hiểm. Khi chúng ta bị ngộ độc thì những độc tố trong cơ thể cần được thải ra ngoài, một là ói ra, hai là đi đại tiện.
Trong trường hợp bị ngộ độc do vi khuẩn, nếu chúng ta sử dụng các nhóm thuốc cầm tiêu chảy thì những độc tố sẽ hấp thụ lại ở trong ruột và đi vào máu, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng huyết và tăng nguy cơ tử vong cao hơn.
Theo các chuyên gia an toàn thực phẩm khuyến cáo, để có những chuyến du xuân an toàn, người dân cần chú ý đảm bảo vệ sinh ăn uống trên các điểm dừng - nghỉ, không nên sử dụng thực phẩm ở những hàng quán tạm bợ, gần cống rãnh, không có tủ kính che đậy thực phẩm chín, người chế biến thực phẩm không đeo găng tay.
Đồ ăn đem đi thì tránh để bị ôi thiu, quá hạn sử dụng. Đồ ăn chế biến tại nơi dừng nghỉ phải đảm bảo nấu chín. Hàng quán lựa chọn đảm bảo vệ sinh. Nên mang theo thuốc oresol, smecta hoặc than hoạt tính, men tiêu hóa.
Khi có các dấu hiệu nặng như tiêu chảy hoặc nôn không cầm dù đã được xử trí cơ bản như: Đi đại tiện nhiều hơn 6 lần trong 24 giờ, xuất hiện máu trong chất nôn hoặc phân, sốt cao hơn 38,5 độ C, không hết sốt sau một ngày, đau bụng dữ dội, vã mồ hôi, tụt huyết áp, lơ mơ, li bì thì cần đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí cấp cứu tiếp theo.