Cải cách hành chính - 'Đòn bẩy' thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng và thuộc top 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về CCHC. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả CCHC, tỉnh đã phê duyệt đề án “Đẩy mạnh công tác CCHC nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025”, nhằm nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan hành chính nhà nước, tạo môi trường thu hút đầu tư, thúc đẩy KT – XH phát triển.

Cục Thuế tỉnh tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh Dương Hà

Cục Thuế tỉnh tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh Dương Hà

Những kết quả tích cực

Để đẩy mạnh CCHC, tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí xác định chỉ số CCHC các cơ quan, đơn vị với các tiêu chí đánh giá về: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, đổi mới cơ chế tài chính, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Với mục tiêu hướng tới nền hành chính phục vụ, tỉnh tăng cường kiểm soát, đôn đốc quá trình xử lý hồ sơ giải quyết TTHC, rút ngắn tối thiểu 20% thời hạn giải quyết TTHC có thời hạn giải quyết trên 10 ngày làm việc; tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích; chỉ đạo, quán triệt việc công khai xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết TTHC chậm.

Tỉnh đầu tư nguồn lực và xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu quốc gia, cải tiến hệ thống phần mềm một cửa điện tử kết nối đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Hiện nay, tỉnh đã kết nối 651 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai phần mềm giải quyết TTHC đồng bộ tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã, bảo đảm liên thông giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thuận tiện trong phối hợp giải quyết TTHC…

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký 25 quyết định công bố 408 TTHC và đảm bảo tất cả TTHC công bố, công khai có quy trình nội bộ, quy trình điện tử.

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh tiếp nhận gần 60 nghìn hồ sơ, trong đó, giải quyết trước và đúng hạn đạt tỷ lệ 98,7%; UBND cấp huyện, xã tiếp nhận trên 128 nghìn hồ sơ, giải quyết trước và đúng hạn đạt 98,6%.

Theo khảo sát, đánh giá, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về TTHC đạt trên 80%; sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp các lĩnh vực giáo dục, y tế và các cơ quan nhà nước đạt trên 80%...

Xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song, việc cải cách dịch vụ công, nâng cao chất lượng phục vụ hành chính còn gặp khó khăn do nhiều TTHC chồng chéo.

Việc công khai hóa TTHC, ứng dụng CNTT trong tiếp nhận và giải quyết TTHC ở một số cơ quan, đơn vị còn chậm so với yêu cầu. Dịch vụ công mức độ 3 và 4 đã được triển khai nhưng chưa đạt chỉ tiêu Chính phủ giao...

Đề án đẩy mạnh CCHC nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 do UBND tỉnh phê duyệt được kỳ vọng sẽ giải quyết những tồn tại trên. Đây là nội dung quan trọng nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác CCHC theo Nghị quyết số 76 của Chính phủ và Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Đề án hướng tới mục tiêu tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.

Trong đó, tập trung vào cải cách, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, CCVC chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Để thực hiện hiệu quả đề án, tỉnh tăng cường lãnh, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin để cán bộ, CCVC, người dân, doanh nghiệp nhận thức đúng, đồng thuận chấp hành các chủ trương, nội dung CCHC.

Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực của cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai nội dung CCHC. Xây dựng kế hoạch cụ thể theo thời gian, lĩnh vực, phân công rõ trách nhiệm cho cá nhân, tập thể, gắn đánh giá kết quả thực hiện hằng năm với đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu.

Tỉnh cũng tập trung nguồn lực tài chính để triển khai các nhiệm vụ CCHC, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ CCVC.

Chú trọng thanh, kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh tồn tại, hạn chế; đồng thời, đổi mới phương thức đánh giá cán bộ dựa trên kết quả công việc của cán bộ, CCVC. Quan tâm khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước...

Phương Loan

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/80665/cai-cach-hanh-chinh---%E2%80%9Cdon-bay%E2%80%9D-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.html