Cải cách phần 'mềm' lẫn phần 'cứng'
Làm thế nào để bộ máy nhà nước hoạt động cho tinh gọn, hiệu quả, phục vụ tốt hơn nữa các nhiệm vụ hành chính của Nhà nước, của doanh nghiệp, của người dân là vấn đề đã được Đảng ta quan tâm rất nhiều và rất sớm.
Hiệu lực hoạt động bộ máy nhà nước
Ngay từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI vào năm 1986, khi tiến hành công cuộc Đổi mới để chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế theo thể chế thị trường, chúng ta đã ý thức được là đi kèm với đổi mới kinh tế phải đổi mới bộ máy nhà nước.
Khi ấy, Đảng đã chỉ ra được đối tượng cần cải cách là thể chế hành chính, bộ máy hành chính, đội ngũ cán bộ công chức và từng bước hiện đại hóa nền hành chính. Nghị quyết của Đảng khi ấy đã nêu ra những vấn đề cốt lõi của công cuộc cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, như vấn đề “cởi trói” cho doanh nghiệp, đầu tư, hội nhập quốc tế, đất đai, hộ khẩu, hộ tịch, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu… tức những vấn đề gì liên quan đến công dân, doanh nghiệp đều đã được vạch ra. Bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này được triển khai.
Tiếp đó, Việt Nam cũng đã và đang tiến hành 3 chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước, đó là giai đoạn 2001-2010, 2011-2020 và 2021-2030 (cũng là giai đoạn đang thực hiện hiện nay). Bên cạnh các chương trình cải cách hành chính tổng thể, chúng ta có hàng loạt nghị quyết của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Như vậy, Đảng ta với tư cách là Đảng lãnh đạo đã rất quan tâm đến cải cách bộ máy hành chính, sắp xếp bộ máy, cải cách thể chế. Công tác cải cách này được Đảng làm rất kiên trì, liên tục.
Nhưng, cũng như rất nhiều kết luận đã được đưa ra sau những hội nghị tổng kết thực hiện, bên cạnh những chuyển biến, những kết quả bước đầu đã đạt được, thì nhìn vào thực tế hiện nay kết quả ấy vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, của Nhân dân và của cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tục hành chính vẫn rườm rà, chồng chéo, tính hiệu lực hiệu quả chưa cao. Một trong những nguyên nhân khiến kết quả đạt được chưa như mong đợi là do các biện pháp thực hiện trước đây chưa phù hợp. Tư duy cải cách làm chưa đúng, chưa sát với tình hình thực tiễn, bộ máy vẫn cồng kềnh, chồng chéo, trùng lặp, thiếu tính tư duy hệ thống.
Thực tế, nhiều khi chúng ta thực hiện cải cách vẫn theo cách vụn vặt, nghĩa là thấy chỗ nào phức tạp, cồng kềnh quá mới tinh giản biên chế chỗ ấy. Thêm vào đó, quá trình cải cách trước đây chủ yếu nhấn mạnh về vấn đề tinh giản biên chế, tức tinh giản nhân lực trong bộ máy chứ chưa nhấn mạnh đến việc củng cố, phát huy năng lực của các cơ quan, tổ chức, dẫn đến lúng túng, thậm chí có nơi nhân lực lại còn tăng lên.
Bộ máy hành chính của chúng ta hiện nay được chia ra 3 hệ thống chiều dọc nhưng có tính chất liên đới, thậm chí trùng nhau, đó là hệ thống của Đảng, hệ thống của Nhà nước và hệ thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
3 hệ thống này đều được tổ chức phân cấp theo địa bàn lãnh thổ và phân cấp từ Trung ương đến các địa phương. Điều này cũng có nghĩa là trong cấu trúc ấy có sự “chồng lấn” nhau, khi có những cơ quan có cùng chức năng, điều này khiến cho khi thực hiện nhiệm vụ sẽ bị chồng lấn, triệt tiêu hiệu quả lẫn nhau.
Dồn nguồn lực cho đầu tư phát triển
Ngân sách Nhà nước đang chi thường xuyên quá nhiều cho bộ máy hành chính mà lại kém hiệu quả. Đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm nói đây là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, và như Tổng Bí thư đã nói trước Quốc hội rằng 70% ngân sách Nhà nước hiện nay đang dành cho chi thường xuyên để nuôi bộ máy, như thế thì còn đâu ngân sách để chi cho đầu tư công, cho phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng nữa.
Do vậy, việc cải cách bộ máy hành chính hiện nay là nhiệm vụ rất cấp bách, cần thiết. Cải cách ở đây là toàn diện, xuyên suốt và triệt để, ở cả bộ máy hành chính hệ thống Đảng, hệ thống Nhà nước và cả hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Cải cách cần phải được thực hiện cả về phần “mềm” và phần “cứng”. Phần “mềm” ở đây là tư duy cải cách, là quyết tâm chính trị và khoa học lãnh đạo. Phần “cứng” ở đây là tinh gọn lại bộ máy, để vừa tránh cồng kềnh, chồng chéo nhau, vừa để hoạt động hiệu quả hơn.
Thêm vào đó, cải cách cũng phải được tiến hành với cách làm khoa học, đó là “cải cách từ trên xuống dưới”, chứ không thể thực hiện theo cách làm “từ dưới lên trên” như trước đây đã từng làm nhưng không hiệu quả. Bởi thực tế những năm trước đó, bên dưới có những cơ quan đã cải cách, tinh gọn, nhưng bên trên vẫn 2 cơ quan chỉ đạo, điều hành, dẫn đến trùng lặp, thiếu thống nhất về chỉ đạo cũng như thực thi.
Xã hội vận hành theo hiến pháp và pháp luật. Vì vậy phải phân định mạch lạc: Nhà nước làm gì và người dân làm gì. Nhà nước làm chức năng quản lý, quản trị tốt, giám sát xã hội và thu thuế. Còn người dân được làm những gì pháp luật không cấm theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. Nhà nước chỉ làm những gì người dân không muốn làm và không làm được.
Vì đặc thù của Việt Nam là Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối mọi hoạt động của xã hội, nên phải minh định rõ: Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng chủ trương, đường lối, giám sát cán bộ, đảng viên của Đảng thực hiện tốt vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng.
Đảng lãnh đạo Nhà nước, và bằng Nhà nước chứ không làm thay Nhà nước. Quốc hội không làm việc của Chính phủ. Chính phủ không làm các công việc thuộc về đoàn thể. Tổng Bí thư Tô Lâm nói cán bộ trong hệ thống chính trị cần phải “đúng vai, thuộc bài” là như thế.
Cuối cùng cải cách bộ máy hành chính hiện nay cần gắn với xu thế thời đại, đó là gắn với cách mạng 4.0 với nền kinh tế số, số hóa bộ máy để nâng cao hiệu suất, tiết giảm nhân lực và chi phí.
Vì vậy lần này Đảng ta tiếp tục đặt ra vấn đề cải cách thể chế, cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy chính quyền, nhưng sẽ thực chất hơn, quyết liệt hơn, từ đó tạo ra xung lực mới cho phát triển.
Cải cách hành chính, đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị hướng đến mục tiêu “Nhà nước nhỏ, xã hội lớn” là xu thế chung ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, thì thể chế phải cấu trúc lại các mối quan hệ trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị cho phù hợp với sự vận động của nó.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/cai-cach-phan-mem-lan-phan-cung-post118746.html