Cải cách thể chế để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68

Gốc rễ của vấn đề phát triển kinh tế tư nhân là cải cách thể chế. Đây là biện pháp hiệu quả nhất, công bằng nhất, tốn ít chi phí nhất và khả thi nhất, đứng từ góc độ của Chính phủ…

Kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, sử dụng khoảng 82% tổng số lao động.

Kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, sử dụng khoảng 82% tổng số lao động.

Ngày 04/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân.

Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì liên tiếp 2 cuộc họp về xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân, để trình Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.

Tại tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức, các ý kiến cho rằng với hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, sử dụng khoảng 82% tổng số lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh những bước tiến rất đáng tự hào, kinh tế tư nhân vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản, kìm hãm sự phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng là lực lượng kinh tế nòng cốt của đất nước.

Số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng, nhưng đa phần còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu, tỉ lệ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thấp (dưới 20%), trong khi 70% giá trị xuất khẩu vẫn thuộc về FDI.

QUY ĐỊNH KHÔNG TỐT CẦN PHẢI CẮT BỎ

Các chuyên gia cho rằng để phát triển kinh tế tư nhân, gốc rễ là cải cách thể chế. Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội - chuyên gia kinh tế nhấn mạnh cải cách thể chế không phải là "đơn giản", không phải là "sửa đổi" mà là "bãi bỏ", "cắt giảm".

“Có nghĩa là phải bỏ, phải cắt đi quy định không tốt chứ không sửa để cho tốt hơn một chút. Tinh thần này rất khác với trước đây và tương đồng với kinh nghiệm cải cách thể chế ở các nước”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Cùng với đó, không phải chỉ thủ tục hành chính, nếu như luật nào, nghị định nào không còn cần thiết thì phải bãi bỏ cả đạo luật, cả nghị định.

Bên cạnh đó là câu chuyện thực thi pháp luật. Trong xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp, cần dùng những biện pháp phù hợp với tính chất của vụ việc kinh tế, hành chính phải tách bạch với hình sự; tách bạch giữa tài sản, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cá nhân người quản lý doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Ông Hiếu dẫn chứng có những vụ việc, khi xử lý một cá nhân vô hình chung chúng ta đánh đồng với doanh nghiệp, dẫn đến việc không phân biệt được đâu là tài sản cá nhân, đâu là tài sản của doanh nghiệp, nên xử lý cá nhân làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp không có lỗi, mà do cá nhân lợi dụng hình ảnh của doanh nghiệp để trục lợi.

Vấn đề nữa, chúng ta phải hiểu rõ Nghị quyết 68 là thay đổi tư duy quản lý nhà nước, sử dụng những công cụ phù hợp cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Như vậy, công cụ quản lý nhà nước hiệu quả đó là không phải ngồi ở bàn giấy để cấp giấy phép, chứng nhận một sản phẩm đủ điều kiện an toàn thực phẩm, mà là phải giám sát sản phẩm được bán ra thị trường. “Thay vì chúng ta ngồi bàn giấy cấp phép, hãy đi giám sát, kiểm soát thực sự chất lượng của sản phẩm. Nếu làm như vậy thì tôi nghĩ một số vụ việc vừa qua cũng có thể tránh được”, ông Hiếu đề nghị.

Cũng theo ông Hiếu, cơ chế quan trọng nhất đối với thị trường là duy trì trật tự cạnh tranh, xử lý nghiêm những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi lạm dụng, chống độc quyền chứ không phải là ban hành quy định để bắt doanh nghiệp phải làm thế này, thế kia. Nên đừng nghĩ cứ bãi bỏ quy định là mất công cụ quản lý. Tinh thần của Nghị quyết là thay đổi toàn diện, phải quản lý một cách hiệu quả nhất chứ không phải quản lý bằng mọi giá.

TS Nguyễn Sĩ Dũng đồng tình, chúng ta phải biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh của đất nước. Luật chúng ta phải tốt hơn các nước. Việc thực thi luật tốt hơn các nước thì mới trở thành lợi thế cạnh tranh. Luật tốt nhưng thực thi không tốt thì thể chế cũng không thành lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt cả bộ máy phải phấn đấu để pháp luật và thể chế trở thành lợi thế cạnh tranh của đất nước.

“Nghị quyết nêu rất rõ: chuyển từ quản lý sang đồng hành, chuyển từ quản lý sang tạo điều kiện. Trước đây sinh ra luật lệ, sinh ra bộ máy để quản lý, bây giờ sinh ra bộ máy để đồng hành, để hỗ trợ cho phát triển”, ông Dũng nhấn mạnh.

KHẨN TRƯƠNG THỂ CHẾ HÓA NGHỊ QUYẾT

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính, chia sẻ chưa bao giờ việc thể chế hóa lại được triển khai nhanh như hiện tại. Từ Nghị quyết 57 đến Nghị quyết 68 lần này là một bước tiến rất lớn. Đến nay, đã có hai nội dung lớn được thể chế hóa, bao phủ phần lớn nội dung Nghị quyết 68. Quốc hội đã đưa ra khoảng 9 nhóm giải pháp – những nội dung rõ ràng, cụ thể đã được đưa vào ngay.

Trong chương trình hành động, dự kiến có khoảng 50 nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành. Phần lớn các nhiệm vụ này sẽ phải hoàn thành trong năm 2025. Những luật chưa trình kịp trong kỳ họp thứ 9 buộc phải trình tại kỳ họp thứ 10 (tức vào tháng 10 tới). Một số nội dung cần thêm thời gian sẽ được lùi sang năm 2026.

Bà Thủy cho biết Nghị quyết 68 có tầm nhìn tới 2045, nhưng tất cả nhiệm vụ chính yếu vẫn được dồn lại trong 2 năm, giống như tinh thần của Nghị quyết 57. Rất ít nhiệm vụ để sang 2026. Mục tiêu là đến cuối 2025, công tác thể chế phải cơ bản hoàn tất.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, cho biết các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã mong mỏi Nghị quyết này từ rất lâu. Song một trong những vấn đề doanh nghiệp quan tâm hiện nay là việc thành lập doanh nghiệp.

Chúng ta đã nhiều lần đề cập đến việc pháp luật bảo đảm cho doanh nghiệp được quyền hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều rào cản.

Hay vấn đề hậu kiểm, thuế, thanh kiểm tra thuế. Lý do mà nhiều doanh nghiệp nhỏ không muốn lớn hoặc các hộ kinh doanh còn chưa mặn mà với việc chuyển đổi lên doanh nghiệp chính là những vướng mắc trong thực hiện nghĩa vụ về thuế, kiểm tra, thanh tra và các vấn đề liên quan khác.

“Nếu chúng ta kịp thời sửa đổi một số nội dung quy định còn vướng mắc thì sẽ tạo ra bước đột phá ban đầu, trực tiếp tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Phát nêu quan điểm.

Nhấn mạnh sự cấp bách phải làm ngay, ông Hiếu cho rằng việc thể chế hóa Nghị quyết không thể quá kéo dài, cần rất nhanh, khẩn trương và mạnh mẽ.

Theo ông Hiếu, có ba nhóm công việc cần xác định rõ ưu tiên nhóm nào, mức độ nào.

Nhóm thứ nhất,phải sửa đổi hoặc bãi bỏ một số luật lệ, quy định. Tuy nhiên, bước này không thể thực hiện ngay mà có thể cần thêm thời gian, dự kiến khoảng 7 tháng.

Nhóm thứ hai, tiếp tục sửa đổi, bãi bỏ các quy định. Trong bối cảnh hiện nay, khi Chính phủ đã trình trên 30 dự thảo luật tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 9, chúng ta không thể chậm trễ thêm nữa. Những nội dung chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết hoặc chưa được cập nhật trong các dự thảo luật thì cần được bổ sung ngay sau khi Nghị quyết ban hành.

Nhóm thứ ba, với những quy định pháp luật mà hiện chưa trình ra Quốc hội, bây giờ mới bắt đầu triển khai, có thể áp dụng một Nghị quyết của Quốc hội mang tính quy phạm để tổ chức triển khai thực hiện, dự kiến sẽ trình tại kỳ họp thứ 9. Điều quan trọng là phạm vi nghị quyết cần mở rộng để tích hợp tối đa nhóm giải pháp, vấn đề, gia tăng hiệu suất và tính thực thi của các nghị quyết do Bộ Chính trị đề ra.

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cai-cach-the-che-de-kinh-te-tu-nhan-but-pha-theo-nghi-quyet-68.htm