Cải cách thể chế là 'chìa khóa' để đạt được mục tiêu phát triển
Các diễn giả công bố báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB) đồng thuận rằng Việt Nam đã, đang và sẽ cần tiếp tục điều chỉnh thể chế để đạt mục tiêu phát triển.
Sáng 18/5, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức lễ công bố báo cáo “Để Việt Nam tươi sắc đào xuân? Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả”. Báo cáo là kết quả nghiên cứu và nhận định thách thức và cơ hội để một Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển của mình.
Tham dự lễ công bố có bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam; ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam; ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Đỗ Việt Dũng và bà Trần Thị Lan Hương, các chuyên gia cao cấp từ WB; ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT; và PGS-TS Trần Ngọc Anh, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế Thủ tướng và giáo sư chính sách công Đại học Indiana (Mỹ).
Trong bài trình bày kết quả báo cáo, ông Jacques Morisset và bà Trần Thị Lan Hương cho rằng Việt Nam đã thay đổi nhiều và cần thay đổi nhiều hơn nữa để đạt các mục tiêu phát triển đã đặt ra. Thể chế - một yếu tố vốn chưa thay đổi nhiều tại Việt Nam từ những năm 1990 - sẽ cần tiếp tục được cải cách mạnh mẽ để Việt Nam tiến đến mục tiêu thu nhập cao năm 2045.
Kể từ khi bắt đầu đổi mới, một số cải cách thể chế về nền tảng, quy trình và thủ tục hành chính, tiếp cận dựa trên thị trường và tăng minh bạch - tham gia đã giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu thành công nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo nhận định của WB, việc còn khuyết điểm ở chính những khía cạnh cải cách thể chế trên cũng dẫn đến việc Việt Nam còn gặp nhiều vấn đề trong thực thi chính sách. Sử dụng một khung phân loại yếu tố tác động đến hiệu quả thực thi, bao gồm tầm nhìn, năng lực và động lực, WB đã xác định rằng Việt Nam còn yếu ở một số ưu tiên như môi trường và cơ sở hạ tầng do khả năng phối hợp, huy động nguồn lực và trách nhiệm giải trình kém.
WB khuyến nghị Việt Nam điều chỉnh khung định chế cho vững chắc, tinh giản thủ tục hành chính, sử dụng công cụ thị trường thông minh, tăng hiệu lực thực thi quy định và đảm bảo khả năng tham gia của các bên nhằm tạo nền tảng nâng cao hiệu quả thực thi chính sách.
Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng khuyến nghị của WB về thực thi hiệu quả chính sách, chẳng hạn như cải thiện khả năng phối hợp và trách nhiệm giải trình, là xác đáng và “nhìn thẳng vào sự thật”.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Dũng cho biết Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã thường xuyên nêu lên vấn đề thể chế tại các hội nghị và sự kiện, bao gồm kiện toàn bộ máy và xử lý chồng chéo trong quản lý. Vấn đề cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra đôn đốc hiệu quả thực thi chính sách ở các cấp dưới cũng đã được chú ý và có sự tham gia nhất định của các hiệp hội và doanh nghiệp tư nhân.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đề cập đến yếu tố con người trong chuyển đổi số - một xu hướng quan trọng trong nâng cao hiệu quả thực thi chính sách. Lấy ví dụ về quá trình làm việc tại Hà Giang, ông Bình cho rằng chính các lãnh đạo và cán bộ nhà nước cần biết được vì sao cần chuyển đổi số và cần chuyển đổi quy trình nào.
Bình luận về báo cáo của WB, PGS-TS Trần Ngọc Anh cho rằng cách đánh giá WB là đúng đắn. Ông Trần Ngọc Anh tập trung vào cách WB đánh giá hiệu quả chính sách ở cấp thực thi, bao gồm trách nhiệm giải trình (từ dưới lên trên) và khả năng kiểm soát thực thi (từ trên xuống dưới). Dựa vào phân tích tương quan giữa hai yếu tố này với chất lượng dịch vụ công, ông Ngọc Anh cho thấy khả năng kiểm soát tương quan chặt chẽ hơn với chất lượng dịch vụ công.