Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký biện pháp đảm bảo tại Nghị định số 99/2022/NĐ-CP

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những nội dung, nhiệm vụ của cải cách hành chính được nêu tại Nghị quyết số 76/NQ-CP, ngày 15/7/2021 của Chính phủ Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Đảng đã đề ra một trong các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội là: 'Cải cách TTHC một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch'…

Trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm, việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm được thực hiện song song, đồng bộ với việc cải cách TTHC.

Trước yêu cầu đó, ngày 30/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP, ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm nhằm tiếp tục thực hiện cải cách TTHC trong lĩnh vực này. Thực hiện chủ trương cải cách TTHC của Chính phủ, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP đã quy định TTHC theo hướng cắt giảm thủ tục, đơn giản hóa thủ tục thông qua việc sửa đổi, bổ sung một hoặc một số bộ phận tạo thành cơ bản của TTHC đã được quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, ngày 8/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 92/2017/NĐ-CP, ngày 7/8/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát TTHC) trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp đảm bảo.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Đẹp - Phó trưởng Phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP bổ sung cơ quan giải quyết TTHC về đăng ký biện pháp bảo đảm nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện TTHC về đăng ký biện pháp bảo đảm. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm được quy định tại Điều 9 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP. Các cơ quan này, gồm: Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải thực hiện đăng ký cung cấp về biện pháp bảo đảm bằng tàu bay; chi nhánh văn phòng đăng ký đất và văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc sở tài nguyên và môi trường thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản và các tài sản khác không thuộc thẩm quyền đăng ký của các cơ quan nêu trên…

Cải cách TTHC trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảođảm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Ảnh: KIM NGỌC

Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 62 Luật Chứng khoán năm 2019 có quy định Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định của Chính phủ, đồng thời Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán cũng quy định thẩm quyền của cơ quan nêu trên. Như quy định đó nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp với pháp luật về chứng khoán, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP đã bổ sung Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tạo sự minh bạch về thẩm quyền của các cơ quan đăng ký, tránh việc trùng lặp, chồng chéo về thẩm quyền trong đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm đối với từng loại tài sản bảo đảm… Bên cạnh đó, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP quy định cụ thể, chi tiết đối tượng thực hiện TTHC về đăng ký biện pháp bảo đảm. Trước đó, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP quy định đối tượng áp dụng, gồm: cá nhân, pháp nhân có yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm, tìm hiểu thông tin về biện pháp bảo đảm. Hộ gia đình có yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm, tìm hiểu thông tin về biện pháp bảo đảm theo quy định của Bộ luật Dân sự; cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm; cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm; cá nhân, pháp nhân khác có liên quan. Nhằm bảo đảm tính bao quát, đầy đủ các chủ thể thực hiện TTHC, Điều 2, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP quy định: “Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm”. Nghị định số 99/2022/NĐ-CP đơn giản hóa thành phần hồ sơ, biểu mẫu trong hồ sơ đăng ký biện pháp đảm bảo. Theo đó, thực hiện giản hóa về thành phần hồ sơ, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP bỏ văn bản chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển đã cấp trong thành phần hồ sơ về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, bằng tàu biển.

Trước đó, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP quy định văn bản chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay đã cấp là một trong các loại giấy tờ thuộc hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu bay đã đăng ký, hồ sơ đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay và hồ sơ xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay; quy định văn bản chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển đã cấp là một trong các loại giấy tờ thuộc hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu biển đã đăng ký, hồ sơ đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp tàu biển và hồ sơ xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển. Thực hiện giản hóa về thành phần hồ sơ, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP bỏ văn bản chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay đã cấp, văn bản chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, bằng tàu biển. Như vậy, người đăng ký không cần phải nộp loại giấy tờ này khi có yêu cầu đăng ký theo quy định của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP… Qua đây chúng ta có thể thấy, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP quy định rõ ràng, cụ thể hơn so với nghị định trước đó mục đích là nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện TTHC về đăng ký biện pháp bảo đảm.

KIM NGỌC

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-trong-linh-vuc-dang-ky-bien-phap-dam-bao-tai-nghi-dinh-so-99-2022-nd-cp-68769.html