Cải cách thuế giá trị gia tăng: Động lực thúc đẩy sản xuất phân bón nội địa

Tại Tọa đàm 'Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp' do Báo đầu tư tổ chức ngày 14/6, các chuyên gia đều nhất trí quan điểm rằng đã đến lúc phải áp thuế giá trị gia tăng cho mặt hàng phân bón.

Những bất cập từ chính sách miễn thuế

Tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng dự kiến trình Quốc hội xem xét tới đây, phân bón được đưa vào diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%, thay vì không chịu thuế như quy định hiện hành (Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014). Việc này xuất phát từ các kiến nghị của các đối tượng chịu tác động trong quá trình thực hiện.

Từ những khó khăn trong thực tế, các doanh nghiệp ngành phân bón đã đề nghị chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế. (Ảnh: Dũng Minh)

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế. (Ảnh: Dũng Minh)

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế chia sẻ rằng, trước Luật số 71/2014/QH13, phân bón thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Tuy nhiên, khi nền kinh tế gặp khó khăn, đặc biệt là sau khủng hoảng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2008, Quốc hội đã thông qua Luật 71, đưa phân bón vào diện không chịu thuế giá trị gia tăng nhằm giảm giá đầu vào cho nông dân. Quyết định này được đưa ra với hy vọng sẽ giúp ngành nông nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí.

Theo ông Phụng, việc không áp thuế giá trị gia tăng đã tạo ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong 10 năm qua. Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào cho nguyên vật liệu, máy móc và dịch vụ, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng cao.

“Điều này không chỉ làm tăng giá phân bón cho nông dân mà còn khiến các doanh nghiệp phân bón nội địa mất lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, vốn được khấu trừ thuế giá trị gia tăng ở nước xuất xứ”, ông Phụng cho hay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhấn mạnh rằng việc không áp thuế giá trị gia tăng đã khiến ngành nông nghiệp thiệt đơn thiệt kép. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải tính thuế giá trị gia tăng đầu vào vào giá thành sản phẩm, dẫn đến giá bán phân bón cao hơn.

Trong khi đó, phân bón nhập khẩu từ các nước áp dụng thuế giá trị gia tăng lại có giá cạnh tranh hơn. Ông Ngọc nêu rõ, nông dân là người chịu thiệt hại lớn nhất khi phải mua phân bón với giá cao, trong khi sản phẩm nông nghiệp làm ra lại bị ảnh hưởng bởi giá vật tư đầu vào.

Trong tỷ trọng GDP của quốc gia, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng thấp, thể hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, nhưng vai trò của nông nghiệp trong GDP lại rất cao, là bệ đỡ nền kinh tế.

“Nếu doanh nghiệp được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giá phân bón sẽ giảm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nông dân. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất nông nghiệp mà còn thúc đẩy sản xuất bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm”, Ông Nguyễn Trí Ngọc bày tỏ.

Trong bối cảnh này, có thể thấy bất cập của Luật 71 này với nền kinh tế nói chung, với ngành nông nghiệp và bà con nông dân nói riêng. Tất cả những yếu tố đó gây hệ lụy tới sự phát triển đồng bộ của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó tổng giám đốc CTCP DAP - Vinachem. (Ảnh: Dũng Minh)

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó tổng giám đốc CTCP DAP - Vinachem. (Ảnh: Dũng Minh)

Chia sẻ những khó khăn tương tự, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó tổng giám đốc CTCP DAP - Vinachem cho hay, đối với DAP - Vinachem, việc không khấu trừ được thuế giá trị gia tăng đã làm tăng chi phí sản xuất lên khoảng 7 - 8% mỗi năm, ước tính mỗi năm mất khoảng 100 tỷ đồng. Tình trạng này kéo dài suốt 10 năm, khiến doanh nghiệp mất đi hàng ngàn tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh và đầu tư.

Việc đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng 5% sẽ mang lại nhiều lợi ích rõ ràng. Ông Trung cho biết, nếu dự thảo này được thông qua, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí đầu vào, từ đó giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Khi giá phân bón sản xuất trong nước giảm, nông dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ giá thành thấp hơn, giúp tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Một điểm quan trọng khác được các chuyên gia đề cập trong Tọa đàm là việc áp thuế giá trị gia tăng 5% sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng hơn giữa phân bón sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.

Hiện nay, phân bón nhập khẩu từ các nước như Nga, Trung Quốc đều được khấu trừ thuế giá trị gia tăng, dẫn đến giá thành rẻ hơn so với phân bón sản xuất trong nước. Khi phân bón sản xuất trong nước cũng được áp dụng mức thuế này, giá thành sẽ giảm, giúp doanh nghiệp nội địa cạnh tranh tốt hơn và tăng thị phần trong nước.

Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Ông Ngọc cho rằng, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với phân bón. Ví dụ, Trung Quốc áp dụng thuế suất thấp 11%, Nga là 20%, Thái Lan và Malaysia cũng áp dụng thuế VAT cho phân bón. Việc không áp thuế giá trị gia tăng cho phân bón ở Việt Nam là một ngoại lệ và đã tạo ra những bất cập lớn.

“Các nước coi phân bón là mặt hàng thiết yếu cho nông nghiệp và áp dụng mức thuế giá trị gia tăng hợp lý để hỗ trợ nông dân. Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia này để xây dựng chính sách thuế phù hợp, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp”, ông Ngọc bổ sung.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam. (Ảnh: Dũng Minh)

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam. (Ảnh: Dũng Minh)

Việc áp thuế giá trị gia tăng 5% cho phân bón không chỉ giải quyết những bất cập hiện tại mà còn tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trung cho rằng, nếu doanh nghiệp được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, họ sẽ có nhiều điều kiện hơn để đầu tư nâng cấp nhà máy, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất. Điều này sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho nông dân, giúp họ tiếp cận được sản phẩm phân bón chất lượng với giá thành hợp lý hơn.

“Đối với ngành sản xuất phân bón, liên quan đến ngành hóa chất, đời công nghệ của một nhà máy hóa chất rơi vào khoảng 10 - 15 năm, khi chúng ta không có động lực, không có nguồn lực để làm thì ngành sản xuất phân bón trong nước sẽ rất khó khăn để đổi mới công nghệ.

Do đó, động lực quan trọng nhất chính điều chỉnh chính sách thuế lần này, tác động thúc đẩy ngành sản xuất trong nước, dẫn đến phục vụ tốt hơn cho bà con nông dân, cũng như phục vụ phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam, và cũng là cơ sở để xây dựng nền kinh tế theo quan điểm của Chính phủ.”, Ông Trung thẳng thắn.

Việc điều chỉnh chính sách thuế giá trị gia tăng đối với phân bón từ không chịu thuế sang chịu thuế 5% là bước đi đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Đây không chỉ là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước mà còn là biện pháp hỗ trợ nông dân, giảm giá thành sản phẩm nông nghiệp và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Với những lợi ích rõ ràng và thực tiễn đã chứng minh, việc thông qua dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi sẽ mang lại những thay đổi tích cực, góp phần xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp vững mạnh và bền vững.

Các chuyên gia hy vọng với sự đồng thuận từ Quốc hội và các cơ quan liên quan, chính sách thuế mới sẽ sớm được áp dụng, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Nguyễn Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cai-cach-thue-gia-tri-gia-tang-dong-luc-thuc-day-san-xuat-phan-bon-noi-dia-d217640.html