Cải cách tiền lương thực hiện theo hướng thận trọng, chắc chắn, hiệu quả

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong đã trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao lương cơ bản tăng 30% nhưng lương hưu chỉ tăng 15%.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội

Ông Phong cho biết, từ ngày 1/7/2024, Quốc hội quyết nghị điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu. Trước đó, đã chúng ta đã có mấy lần điều chỉnh lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Vừa qua, Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương dự tính nếu tăng lương hưu 11,5% trong đợt này, thì sẽ ngang bằng với mức tăng 30% của cán bộ, công chức, nhưng do các cụ hưu trí còn nhiều khó khăn, dự kiến lương lên, giá lên, vì vậy, Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương đã cân nhắc, xác định chuyển từ 11,5 lên 15%.

Như vậy, tuy điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu, song thực tế nếu cộng lại các chỉ số giá CPI qua các năm, thì tăng trên 30% so với cán bộ, công chức. Đối với cán bộ, công chức do nhiều lần chưa thực hiện tăng lương được, nên lần này tăng đồng bộ 30%. Như vậy, đây là quan điểm hết sức nhân văn, ưu tiên cho các cụ về hưu.

Chúng ta mong muốn thực hiện lộ trình cải cách tiền lương theo hướng thận trọng, chắc chắn, hiệu quả. Thực tế, việc thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW đã có 3 lần lùi và tới nay thì vẫn chưa hoàn thành các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết này. Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương đã họp hai mươi mấy cuộc, thực hiện được 4 nội dung và còn 2 nội dung chưa thực hiện được. Cụ thể đối với bảng lương mới ở cơ sở, chúng ta xác định theo vị trí việc làm. Minh chứng từng vị trí việc làm, để trên cơ sở đó xác định tinh giảm biên chế như thế nào cả, mức lương từng vị trí thế nào cho thích hợp. Nhưng quá trình thực hiện cho thấy xác định vị trí việc làm chưa đồng bộ và chưa có sự thống nhất tương đối giữa các bộ, ngành và địa phương, dù chung một lĩnh vực.

Với bảng lương của lực lượng vũ trang cũng có những biến động nhất định, ba thang bảng lương phải xác định rõ từng vị trí.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, chưa đến 30% là số đơn vị tự chủ toàn phần (tự chủ cả chi thường xuyên và đầu tư) rất thấp, đơn vị tự chủ được chi thường xuyên cũng thấp và tự chủ một phần chi thường xuyên. Còn lại trên 70% chưa tự chủ được, do ngân sách Nhà nước xử lý. Nếu không giải quyết được bài toán vị trí việc làm ở các đơn vị sự nghiệp công lập và có cơ chế giải quyết thì không biết tính nguồn lực thế nào để xử lý vấn đề cải cách tổng thể về tiền lương. Chính vì thế, Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương đã đề nghị chậm lại, cho phép Chính phủ rà soát thật kỹ, tính toán thật kỹ.

Đáng lẽ, phải xác định vị trí việc làm trên cơ sở chúng ta giảm được biên chế, rồi mới tính ra các mức lương, các hệ số lương… đi theo mới hợp lý, nhưng chúng ta chưa làm được. Do vậy, phải rất thận trọng, cân nhắc thật kỹ. Và sắp tới, Chính phủ sẽ rà soát tổng thể tất cả bảng lương ở từng lĩnh vực liên quan để có sự thống nhất quản lý nhà nước về tiền lương; trên cơ sở đó tính toán nguồn lực và có giải pháp thực thi hiệu quả.

Về 9 chế độ phụ cấp hiện còn đang vướng mắc, trước đây phụ cấp chiếm 40%, bây giờ rút lại còn 30%, nhưng nếu chúng ta xử lý không đồng bộ thì có những người rất thiệt thòi ở trong chính ngành nghề của họ hoặc là ở đơn vị công tác, ở nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bây giờ bỏ phụ cấp, mức lương nhận được của họ sẽ rất thấp. Có người so với thời điểm hiện hành chưa cải cách tiền lương còn khá hơn, nhưng khi cải cách rồi mà áp dụng cái phụ cấp này lại thấp, không khuyến khích được nhân tài, không khuyến khích được sự nỗ lực của người lao động, cán bộ, công chức và viên chức, dẫn đến có bức xúc tâm tư, tình cảm và tư tưởng. Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương cũng nhận được rất nhiều ý kiến, kiến nghị về vấn đề này.

Bên cạnh đó, nếu áp dụng đầy đủ theo 9 phụ cấp này cũng có nhiều vấn đề phát sinh, kể cả đối với người nhận lương hưu trước 1/7/2024 cũng khác so với người nhận lương hưu sau 1/7/2024. Trước những bất cập này, nhận thấy chưa có sự tương thích đồng bộ giữa các đối tượng thụ hưởng, Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương đã đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tính toán hài hòa vấn đề phụ cấp. Đồng thời tính toán 10% Quỹ khen thưởng khác so với Luật Thi đua, khen thưởng, nhằm động viên từng cơ quan, đơn vị khi thực hiện cải cách tiến lương.

Đáng lưu ý, chúng ta phải sửa hai mấy văn bản có liên quan đối với lương cơ sở. Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã áp dụng bằng mức tham chiếu. Nếu bỏ lương cơ sở thì phải sửa các văn bản quy phạm pháp luật của Đảng và Nhà nước và Chính phủ vẫn đang rà soát, chưa thể trình và đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương.

Liên quan đến vấn đề tiền lương phải có sự đánh giá hết sức kỹ càng khi thực thi để mang lại hiệu quả, công bằng, hợp lý trên từng lĩnh vực, đặc biệt là cân đối được nguồn lực thực hiện. Tới giờ phút này, chúng ta đã cân đối được 913.000 tỷ đồng cho tới năm 2026. Từ năm 2026 về sau, nguồn lực như thế nào thì chúng ta chưa dự báo và xác định được.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/cai-cach-tien-luong-thuc-hien-theo-huong-than-trong-chac-chan-hieu-qua-153058.html