Cái chết của hòn đảo tiệc tùng
Đảo Boracay (Philippines) vắng bóng khách du lịch quốc tế một năm nay. Người kinh doanh tại đây đang cố gắng cầm cự, chờ ngày hòn đảo hồi sinh.
Tiếng trống rộn rã, đám đông nhảy nhót và tiệc tùng thâu đêm trên bãi biển. Đó từng là khung cảnh quen thuộc ở đảo Boracay, một trong số điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới, đóng vai trò trụ cột trong ngành du lịch Philippines.
Tuy nhiên, một năm sau khi đại dịch khiến du lịch toàn cầu ngưng trệ, tương lai của Boracay đang rất ảm đạm, theo VICE News.
Vắng vẻ chưa từng thấy
Dindo Martin Salazar, giám đốc điều hành của Henann Group of Resorts, chuỗi resort lớn trên đảo Boracay, cho biết: “Chúng tôi đang chảy máu”.
Trong gần 2 thập kỷ qua, ông chưa bao giờ thấy hòn đảo vắng vẻ như bây giờ, bất chấp việc triển khai tiêm vaccine và hy vọng đưa mọi thứ hoạt động bình thường trở lại từ năm 2021.
“Chúng tôi đã quen với việc phòng được đặt hết trước 3 năm. Nhưng giờ chúng tôi phải giảm giá 30% để thu hút khách du lịch. Dù vậy, có quá nhiều lượt hủy phòng”, Salazar nói.
Henann Group of Resorts đang cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh của 4 khu nghỉ dưỡng nhằm cung cấp việc làm cho nhân viên, những người buộc phải tạm nghỉ khi đại dịch bùng phát.
Philippines có hơn 7.107 hòn đảo. Trong số đó, Boracay được coi là viên ngọc quý của ngành du lịch nước này. Với bãi biển cát trắng mịn dài 4 km, khung cảnh hoàng hôn huyền ảo và làn nước trong vắt, hòn đảo từng thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới. Năm 2019, doanh thu du lịch của nó đạt tổng cộng 1,28 tỷ USD.
Dù khách du lịch quốc tế không thể ghé thăm, hòn đảo đã mở cửa trở lại từ tháng 10/2020 với hy vọng đón khách nội địa nhằm vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, nỗi lo sợ về virus SARS-CoV-2 vẫn còn.
Các yêu cầu để đến Boracay, áp dụng cả với công dân Philippines, gồm tình trạng chuyến bay và đặt phòng khách sạn được xác nhận, có kết quả xét nghiệm âm tính với virus.
Hòn đảo hầu như không có ca mắc Covid-19 nào, dù trước đó ghi nhận đợt bùng phát giữa các nhân viên của một khu nghỉ mát. Ổ dịch đã được dập tắt thông qua các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.
“Chúng tôi rất nhớ những lần du khách ghé đến theo các tour. Bây giờ, chúng tôi phải đuổi theo và cầu xin họ thử trải nghiệm các hoạt động dưới nước”, Ray Bernardo, hướng dẫn viên du lịch, người chầu trực bên ngoài khách sạn 5 sao để mời du khách lượn đảo, chèo thuyền và lặn biển, nói.
Anh cho biết thêm: “Nếu may mắn, chúng tôi có thể đón 2-3 du khách mỗi ngày. Ít nhất thì điều đó sẽ giúp chúng tôi có tiền mang về nhà”.
Bernardo là một trong số hàng nghìn người dân trên đảo có thu nhập sụt giảm vì đại dịch. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mỗi ngày anh kiếm được khoảng 42 USD. Hiện tại, nếu may mắn, anh chỉ có thể mang về nhà 7 USD vào cuối ngày làm việc.
“Có nhiều hướng dẫn viên hơn cả khách du lịch”, anh châm biếm.
Cố gắng tồn tại
Đại dịch Covid-19 xảy ra vào thời điểm Boracay vừa hồi phục sau cuộc khủng hoảng khác. Năm 2018, Tổng thống Rodrigo Duterte ra lệnh đóng cửa hòn đảo trong 6 tháng nhằm mở đường cho việc phục hồi sau nhiều thập kỷ du lịch không bền vững dẫn đến ô nhiễm nguồn nước.
Động thái này từng không được lòng các doanh nghiệp địa phương. Họ cũng cho rằng chính phủ chưa hỗ trợ đủ trong thời gian xảy ra đại dịch. Các đề xuất bao gồm gói cứu trợ hoặc thậm chí hợp lý hóa quy trình du lịch nhằm thu hút khách nội địa đến thăm dễ dàng hơn mà không cần giấy tờ phức tạp.
Từ lâu, Boracay đã trở nên quá đắt đỏ đối với nhiều du khách trong nước bởi hòn đảo chủ yếu phục vụ thị trường châu Mỹ, châu Âu và một số quốc gia châu Á. Tuy nhiên, với các chương trình giảm giá và khuyến mại, Boracay đang cố gắng quảng bá là “nơi nghỉ dưỡng nhằm phục hồi sức khỏe tâm thần” cho người dân Philippines, đất nước có 13.000 người chết vì Covid-19.
Một làn sóng dịch bệnh với chủng SARS-CoV-2 mới có khả năng lây nhiễm cao, cùng khả năng tiếp cận vaccine còn hạn chế đang làm dấy lên nhiều lo sợ hơn.
Nhiều nhà hàng, quán cà phê vẫn đóng cửa. Các bữa tiệc đã bị hủy bỏ, nhưng việc uống rượu vẫn được cho phép trong nhiều khách sạn và quán bar. Cuộc sống về đêm không còn náo nhiệt như trước.
Đối với những người có thể đi du lịch trong dịch, kỳ nghỉ trở nên rất đáng giá.
“Đại dịch dường như không tồn tại ở đây”, Janice Bisperas (25 tuổi, kế toán đến từ Manila) nói với VICE News.
Bisperas và bạn bè tận dụng cơ hội đến thăm Boracay để thoát khỏi sự buồn chán do đại dịch gây ra. Họ tìm đặt vé máy bay và khách sạn giảm giá.
“Bãi biển giống như dành riêng cho chúng tôi vậy”. cô nói.
Tuy nhiên, từ quan điểm của các doanh nghiệp, tình trạng hiện nay không phải là thiên đường. Khi cái nóng mùa hè bao trùm Philippines, các đơn vị du lịch hy vọng chào đón nhiều khách đến hơn trong những tháng tới, đủ để họ tồn tại trong một thời gian.
Dionisio Salme, chủ tịch của Boracay Foundation, tổ chức phi chính phủ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, nói với VICE News: “Chúng tôi chỉ đang cố gắng tồn tại, Mọi người đang cố gắng cứu ngành công nghiệp này. Chúng tôi có thể tồn tại trong 3 tháng nữa”.
Salme cho biết họ hy vọng chào đón khách du lịch Hàn Quốc và Nhật Bản thông qua các chuyến bay thẳng cùng yêu cầu nghiêm ngặt về sức khỏe. Trong khi đó, các nhà quảng bá địa phương đang tìm hiểu thêm cơ hội thu hút người dân Philippines đến hòn đảo.
Chính quyền địa phương đã yêu cầu 40.000 liều vaccine Covid-19 cho công nhân Boracay nhằm giúp hòn đảo sớm mở cửa đón du khách quốc tế.
Tuy nhiên, kế hoạch này đang gặp khó khăn trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 đang bùng phát trở lại, đặc biệt là ở thủ đô Manila, nơi các chuyên gia y tế ước tính ghi nhận khoảng 11.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Philippines đã đóng cửa biên giới một lần nữa đối với du khách nước ngoài nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các biến chủng SARS-CoV-2 mới.
“Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với chúng tôi”, Salme nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-chet-cua-hon-dao-tiec-tung-post1195535.html