Cái chết của một đế chế tỷ USD

Tháng 4, Beautycounter bất ngờ thông báo phá sản và sa thải toàn bộ nhân viên. Chỉ trước đó 3 năm, công ty được định giá 1 tỷ USD.

Cách đây không lâu, Beautycounter vẫn là một công ty dẫn đầu trong phong trào làm đẹp sạch.

Thương hiệu này rất được yêu thích bởi những người có quan tâm về vấn đề sức khỏe trên Instagram, các bà mẹ giàu có ở vùng ngoại ô, cùng một số ngôi sao như Reese Witherspoon hay Rashida Jones.

Tuy nhiên, ngày 14/4, Gregg Renfrew, người sáng lập thương hiệu, tuyên bố Beautycounter sẽ chính thức đóng cửa.

 Các sản phẩm sạch của Beautycounter được đánh giá cao. Ảnh: Beautycounter.

Các sản phẩm sạch của Beautycounter được đánh giá cao. Ảnh: Beautycounter.

Sự sụp đổ khó ngờ

Beautycounter là công ty khởi nghiệp về sản phẩm làm đẹp phát triển nhanh chóng, được thúc đẩy bởi 100 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm.

Vào tháng 4/2021, sau 8 năm kinh doanh, doanh nghiệp này đã được công ty cổ phần tư nhân Carlyle Group mua lại trong một thỏa thuận, họ định giá công ty ở mức 1 tỷ USD, theo Fast Company.

Các sản phẩm dưỡng ẩm có màu, serum vitamin C và kem dưỡng thể hương bưởi của công ty được đóng gói trong những chai lọ tối giản, sang trọng và không chứa hóa chất gây hại.

Nhà sáng lập Renfrew cũng nổi tiếng với sự cam kết kiên định của cô trong việc làm sạch các sản phẩm chăm sóc cá nhân.

Bởi vậy, Julia, một nhân viên trong nhóm phát triển sản phẩm của Beautycounter, đã tưởng rằng cô sẽ được làm việc trong một doanh nghiệp đề cao những mục đích chứ không chỉ đơn thuần vì lợi nhuận.

Tuy nhiên, Julia đã sai lầm. Công việc này hóa ra là một cơn ác mộng.

Ngày 14/4, hơn 200 nhân viên của Beautycounter đã được yêu cầu tham gia một cuộc họp Zoom khẩn cấp.

Renfrew đọc kịch bản chuẩn bị sẵn, tránh giao tiếp bằng mắt với máy quay. Cô thông báo rằng Beautycounter sẽ đóng cửa. Tất cả nhân viên sẽ bị sa thải. Sẽ không có khoản thanh toán thôi việc nào, nhân viên thậm chí sẽ không được hưởng bảo hiểm y tế.

Đó là cái kết gây sốc đối với một thương hiệu được coi là thành công.

 Beautycounter sụp đổ trong sự tiếc nuối của nhiều người. Ảnh: Beautycounter.

Beautycounter sụp đổ trong sự tiếc nuối của nhiều người. Ảnh: Beautycounter.

Nước đi sai lầm

Sự tan rã của Beautycounter bắt đầu ngay sau khi nhà sáng lập bán công ty mẹ của thương hiệu, Counter Brands, cho tập đoàn Carlyle.

Vào thời điểm đó, việc mua bán được xem là một thương vụ thành công vang dội.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin, sau khi mua lại, doanh thu của Beautycounter đã giảm đáng kể. Công ty được luân chuyển qua các CEO, bao gồm cả Renfrew.

Kể từ tháng 2/2024, Carlyle từ bỏ Beautycounter hoàn toàn, đưa công ty vào tình trạng phá sản và chấp nhận thua lỗ sau khi hội đồng quản trị của Counter Brands không thể đảm bảo tài chính bổ sung hoặc tìm ra bất kỳ đối tác tiềm năng nào khác.

Lúc đó, Renfrew được trở lại ghế CEO. Nhưng cô phải là người trực tiếp đưa tin và thực hiện việc sa thải.

Câu chuyện của Beautycounter cho thấy sự khó khăn và phức tạp mà các nhà sáng lập thương hiệu làm đẹp phải đối mặt khi họ nhận các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Đồng thời, sự việc cho thấy mức độ tàn nhẫn của các công ty cổ phần tư nhân đối với những doanh nghiệp không đạt được kết quả kinh doanh. Những người sáng lập có thể mất quyền kiểm soát thương hiệu mà họ đã xây dựng từ đầu.

 Gregg Renfrew muốn đưa Beautycounter trở lại, nhưng rất khó để thương hiệu thành công một lần nữa. Ảnh: Gregg Renfrew/IG.

Gregg Renfrew muốn đưa Beautycounter trở lại, nhưng rất khó để thương hiệu thành công một lần nữa. Ảnh: Gregg Renfrew/IG.

Ánh hào quang khó trở lại

Cuối cùng, những người bị tổn hại nhiều nhất là nhân viên, những người đã xây dựng công ty thành một doanh nghiệp trị giá 1 tỷ USD.

“Renfrew đã kiếm được hàng triệu USD khi cô bán công ty. Trong khi đó, dù làm việc suốt ngày đêm để duy trì hoạt động của công ty, chúng tôi thậm chí không được cô ấy sắp xếp nghỉ việc êm xuôi, như có thêm thời gian để chuẩn bị tâm lý, hay trợ cấp trả tiền thuê nhà trong khi tìm công việc mới", Julia bức xúc.

Tuy nhiên, Renfrew không từ bỏ Beautycounter. Ngày 6/5, cô thông báo đã mua một số tài sản của Beautycounter từ Carlyle, bao gồm quyền bán sản phẩm và đang có kế hoạch tái khởi động thương hiệu này vào cuối năm nay.

Vẫn chưa rõ liệu cô ấy có thể thành công với nỗ lực đó hay liệu Beautycounter có thể trở lại thời kỳ hoàng kim trước đây hay không.

Không ai dám khẳng định khách hàng và nhân viên sẽ vẫn tin tưởng vào một thương hiệu đã đột ngột sụp đổ mà không có dấu hiệu cảnh báo trước.

Đồng thời, mạng lưới những người bán hàng độc lập, những người đã quảng bá sản phẩm của Beautycounter trên mạng xã hội và các nền tảng khác, liệu có còn sẵn lòng ủng hộ lại một thương hiệu đã từng khiến họ bị bỏ rơi?

Đó sẽ là một bài toán khó cho sự trở lại của Beautycounter, Fast Company nhận định.

Thiên An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cai-chet-cua-mot-de-che-ty-usd-post1476920.html